Trong 2 phiên giao dịch cuối cùng trước khi hủy niêm yết, PVF khớp tới 24 triệu CP/phiên

Trong 2 phiên giao dịch cuối cùng trước khi hủy niêm yết, PVF khớp tới 24 triệu CP/phiên

Săn mua cổ phiếu tái cơ cấu

(ĐTCK) “Chị bán cổ phiếu VVF không? Bọn em mua tất theo giá thị trường”, một cổ đông nhỏ lẻ của CTCP Tài chính Viettel - Vinaconex kể, mấy ngày gần đây đã nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi mua cổ phiếu vốn đã im hơi lặng tiếng vài năm nay.

Cổ đông trên cũng không biết tại sao người mua lại có số điện thoại của mình mà gọi. Chắc chắn rằng đó phải là những người có quan hệ với bộ phận phụ trách cổ đông của Công ty, nơi có thông tin và là đầu mối liên lạc với các cổ đông.

VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Vinaconex sở hữu 33% vốn, Tập đoàn Viettel sở hữu 21,3% vốn. Vì là cổ phiếu chưa niêm yết, nên giá VVF mỗi nơi phát mỗi khác, nơi mua 7.000 đồng/CP, nơi mua tới 9.000 đồng/CP. Kể chuyện với ĐTCK, cổ đông trên thắc mắc, tại sao suốt 3 - 4 năm qua, không thấy có ai hỏi mua cổ phiếu này, nay lại được săn mua nhiều như vậy?

Mục đích của người mua có nhiều, song theo tìm hiểu của ĐTCK, VVF chuẩn bị tái cơ cấu. Theo một nguồn tin, công ty này có khả năng sáp nhập với một ngân hàng thương mại. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng khi hợp nhất, sáp nhập, không được đưa ra phương án gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu.

Trong trường hợp của VVF, nguồn tin trên cho biết, có khả năng cổ đông hiện hữu sẽ được quyền chọn: Nhận lại tiền ứng với số cổ phiếu đã đầu tư hoặc chuyển đổi cổ phiếu VVF thành cổ phiếu ngân hàng. Nếu chuyển thành tiền, nhiều khả năng cổ đông sẽ được nhận lại trên mệnh giá. Đây có thể là lý do giải thích cho việc, tại sao cổ phiếu VVF được săn mua trên thị trường OTC như vậy. Nếu bên mua thành công với giá 7.000 - 8.000 đồng/CP, sau vài tháng, họ có thể có lợi nhuận 30%, chưa kể đến việc gom mua cổ phiếu còn nhằm mục đích bán quyền biểu quyết…

Do tác động của nhiều thông tin, trong đó đa phần là tin không mấy tích cực, cổ phiếu của doanh nghiệp chuẩn bị tái cơ cấu thường bị dìm giá xuống rất thấp.

Đơn cử, cổ phiếu PVF của Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC) trước đây đã xuống mức 3.000 - 4.000 đồng/CP trong những phiên giao dịch cuối cùng trước khi cổ phiếu này hủy niêm yết để PVFC hợp nhất với WesternBank chuyển thành PvcomBank. Ở thời điểm tháng 9/2013, TTCK đang rất xấu, cộng với việc cổ phiếu chuẩn bị hủy niêm yết, PVF rớt giá mạnh còn do chịu áp lực từ lệnh bán tự động của các CTCK, nhằm tất toán margin của các nhà đầu tư. Còn nếu phân tích điểm mạnh, điểm yếu của PvcomBank, khả năng giá cổ phiếu đạt 7.000 - 8.000 đồng/CP là rất cao (tương đương với thị giá các ngân hàng cùng hạng thời điểm đó). Chưa kể thời điểm lên sàn trở lại, nếu TTCK thuận lợi, giá cổ phiếu Pvcombank chắc chắn sẽ tăng. Như vậy, với những nhà đầu tư trường vốn, có thể chấp nhận chờ đợi, việc đầu tư mua vào cổ phiếu PVF trước khi rời sàn là phương án có lợi.

Trên thực tế, không ít “cá mập” đã chờ đợi để mua được cổ phiếu PVF với mức giá thấp nhất có thể. Sau khi dìm giá PVF xuống mức 3.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên, trong 2 phiên cuối cùng, PVF giao dịch khủng tới 24 triệu CP/phiên, giá tăng trần. Một nguồn tin từ Pvcombank cho biết, ngân hàng này đang xem xét khả năng niêm yết trở lại, có thể vào cuối năm nay. Với diễn biến TTCK của năm 2014, không loại trừ trường hợp những người mua cổ phiếu PVF với giá 3.000 - 4.000 đồng/CP có lãi 100% sau 1 năm (1 cổ phiếu PVF chuyển thành 1 cổ phiếu Pvcombank).

Trên thị trường cũng ghi nhận được khá nhiều lời chào mua cổ phiếu của một số ngân hàng chưa niêm yết như VIB, VPBank, Techcombank. Đây là những ngân hàng kinh doanh khá hiệu quả, nếu mua cổ phiếu của những ngân hàng này quanh mệnh giá, khả năng có lời sau một thời gian tương đối rõ ràng. Ngoài việc có thể hưởng cổ tức với mức 8 - 9%/năm (cao hơn lãi suất tiết kiệm), trước mùa đại hội, việc gom cổ phiếu để bán quyền diễn ra không ít.

Nhiều CTCK, công ty đầu tư tài chính thời gian gần đây nhận được đơn đặt hàng gom cổ phiếu OTC từ một số cổ đông lớn của các ngân hàng, công ty tài chính…, trong đó có nhiều công ty chuẩn bị tái cơ cấu hoặc đang diễn ra mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm cổ đông. Gom cổ phiếu để có tiếng nói quyết định hơn trong kỳ đại hội cổ đông năm nay được cả các quỹ đầu tư ráo riết thực hiện. Việc săn mua cổ phiếu OTC cũng như cổ phiếu niêm yết sau một thời gian dài thị trường ngủ đông, sẽ góp phần giúp thị trường sơ cấp sôi động hơn, tạo nền tảng tốt cho thị trường vốn và chương trình tái cơ cấu DNNN của Chính phủ. 

Tin bài liên quan