SAB: Đừng đẩy kỳ vọng vượt xa thực tế

SAB: Đừng đẩy kỳ vọng vượt xa thực tế

(ĐTCK) Mặc dù được định giá ở mức 250.000 đồng, nhưng cổ phiếu của Sabeco vẫn tiếp tục bứt phá lên 280.000 đồng vào cuối tuần qua, đặt thị trường trước những rủi ro của hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 800 điểm, nhưng điểm thiếu thuyết phục là số mã giảm giá lại nhiều hơn rất nhiều số mã tăng điểm.

Thanh khoản thị trưởng giảm hơn so hẳn so với các phiên trước và nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng nhẹ. Ðà tăng của chỉ số chứng khoán trong các phiên tuần trước được cho là có đóng góp quan trọng của cổ phiếu SAB. Có phiên SAB đóng góp đến 1,6 điểm vào chỉ số.

Trong phiên cuối tuần SAB là cổ phiếu tăng nhiều nhất trong nhóm cổ phiếu lớn nâng đỡ thị trưởng, với mức tăng 3,87%. Ðộng lực tăng giá của SAB đến từ thông tin thoái vốn nhà nước.

Theo Công ty Chứng khoán HSC, Ban chỉ đạo Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp đã cho biết, sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%. Nhiều công ty trong khu vực và thế giới quan tâm mua vào cổ phiếu SAB.

Bình luận về hiện tượng tăng điểm mạnh của SAB, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC chia sẻ, lực mua của nhà đầu tư nước ngoài góp một phần quan trọng, nhưng nhà đầu tư nội cũng tác động lớn, khiến cổ phiếu SAB thăng hoa.

Nhà đầu tư kỳ vọng SAB được bán với giá cao hơn nữa (hơn mức thị giá hiện nay) khi Nhà nước thoái vốn, nên đã mua trước để đón đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược định giá SAB thấp hơn so với giá thị trường, như câu chuyện Habeco với Carberg, thì việc mua đón đầu cổ phiếu SAB lúc này là rủi ro.

HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu SAB là 183.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dự phóng là 24 lần. Ngày 1/9, HSC đánh giá định giá cổ phiếu SAB khá đắt với P/E dự phóng 2017 là 35,5 lần, khi dự báo lợi nhuận sau thuế đạt 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4%.

Mặc cho HSC nói đắt, SAB vẫn tiếp tục tăng giá, cán mốc 281.000 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch cuối tuần qua.

Ðiều đáng chú ý là giá cao, nhưng thanh khoản SAB lại thấp, chỉ vài chục nghìn cổ phiếu/phiên. Nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng một nhóm nhà đầu tư “tát nước theo mưa”, tranh thủ thời điểm nhiều người kỳ vọng và hào hứng với SAB, đã “nhẹ nhàng” tác động đến giá cổ phiếu này để đẩy chỉ số VN-Index. Hệ lụy của câu chuyện này là nếu SAB quay đầu giảm, cả thị trường sẽ giảm mạnh.

Thực tế cho thấy, VNM cũng có thời điểm tăng giá do kỳ vọng Nhà nước bán vốn lớn, nhưng đó chỉ là những đợt tăng tạm thời. Mức giá chào bán cổ phiếu VNM của SCIC thấp hơn không đáng kể so với giá thị trường, nên đợt đấu giá đầu tiên chỉ thành công với khối lượng thấp hơn chào bán.

Dự kiến, việc chào bán SAB sẽ theo lộ trình khá dài, với nhiều đợt chào bán cổ phiếu cho đến khi bán hết khối lượng dự kiến.

Nhìn từ trường hợp VNM để thấy, việc “mua đón đầu” SAB tăng giá khi Nhà nước bán vốn lớn ở mức giá cao là điều nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ.

Thực tế, thị trường Việt Nam đã không ít lần diễn ra hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, những bài học đắt giá đã đến với nhiều nhà đầu tư, nhưng không phải ai cũng ngấm và vượt qua được bài học cũ.

Bình tĩnh đón nhận thông tin thoái vốn và chỉ đầu tư trên cơ sở định giá phù hợp sẽ bớt rủi ro hơn đầu tư “chớp nhoáng”, muốn thắng trên cơ sở lướt theo thông tin.

Tin bài liên quan