Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu vào kỳ họp tháng 10/2019 và nếu dự án này được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2020 thì sẽ có hiệu lực vào 1/1/2021. Như vậy, câu chuyện định danh mới về không gian đầu tư của khối ngoại, đến lúc đó mới rõ ràng.
Sở dĩ mối quan tâm của nhà đầu tư hướng vào dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là vì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Chứng khoán vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 12/8/2019 không có điểm mới trong quy định về trần giới hạn đầu tư cho khối ngoại.
Những điểm nhà đầu tư nước ngoài mong sửa đổi về "room", như cần quy định rõ việc DN mở room đến 100% nếu ngành nghề kinh doanh không thuộc phạm vi có điều kiện, hay cần quy định rõ, DN có 51% vốn ngoại có là pháp nhân nước ngoài hay không..., đã không được đề cập đến trong dự thảo của Luật Chứng khoán sửa đổi.
Luật Chứng khoán chỉ quy định chung rằng, nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên TTCK Việt Nam phải tuân thủ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc này.
Lý do của việc Luật Chứng khoán sửa đổi không làm mới quy định pháp lý về đầu tư, mua cổ phần của khối ngoại, như chia sẻ của ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là do Luật Đầu tư hiện hành và bản sửa đổi tới đây sẽ có quy định cụ thể về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên Luật Chứng khoán chỉ đề cập việc giao Chính phủ hướng dẫn trên cơ sở thống nhất việc sửa đổi, bổ sung cả 3 dự án Luật.
Như vậy, câu chuyện làm mới tư duy thu hút vốn ngoại trên TTCK cần chờ ở dự án Luật khác, chứ không phải ở Luật Chứng khoán đang được trình Quốc hội hiện nay.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, dự luật mới đây có quy định, Chính phủ sẽ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với khối ngoại, bao gồm ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; ngành nghề được tiếp cận có điều kiện.
Ngoài 2 danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, tổng hợp các điều kiện pháp lý trong từng ngành nghề để xây dựng dự thảo văn bản này. Khi danh mục được Chính phủ công bố sẽ tạo hành lang pháp lý mới, định danh hoạt động đầu tư nước ngoài vào DN Việt Nam.
Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chờ thêm ít nhất là 1,5 năm nữa để có quy định mới về room ngoại. Khi đó, các doanh nghiệp không thuộc phạm vi ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ đương nhiên “được” nới room (hiện tại, DN muốn nới room thì phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua, phải xóa đi các ngành nghề kinh doanh có tên trong danh mục 234 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý TTCK…).
Bên cạnh việc làm mới room, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng định danh sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) bằng quy định: cổ phần phổ thông được lưu ký để phát hành NVDR thì người sở hữu NVDR có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với cổ phần phổ thông tương ứng, trừ quyền biểu quyết.
Như vậy, câu chuyện về NVDR được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài như Dragon Capital, PXP, VinaCapital… đề xuất từ năm 2012 và Sở GDCK TP. HCM (HOSE) xây dựng đề án từ năm 2016 cũng cần thêm 1,5 năm nữa mới có đủ nền tảng pháp lý để triển khai.
Sự chuyển động “chầm chậm” của chính sách khiến vốn ngoại cũng chỉ “chầm chậm” chảy vào TTCK. Thống kê tại sàn HOSE cho thấy, trong 5 năm 2013-2018, tăng trưởng vốn hóa đạt 23,24%/năm, nhưng tăng trưởng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên TTCK Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều: 3% năm 2018 so với 2017; 2,8% năm 2019 (số liệu 30/6/2019) so với 2018. Thực tế trên liệu có đáng để sốt ruột trong bối cảnh TTCK Việt Nam rất cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư?