Phần lớn người trồng cà phê Việt Nam thuộc diện sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận thông tin thị trường và thường xuyên bị "ép giá"

Phần lớn người trồng cà phê Việt Nam thuộc diện sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận thông tin thị trường và thường xuyên bị "ép giá"

Rộng cửa với phái sinh hàng hóa, tại sao không?

(ĐTCK) Trong xu thế hội nhập, cùng những biến động của giá cả, việc đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ giúp cho các mặt hàng chủ lực không bị lệch giá quá xa so với thị trường thế giới và tăng chất lượng cạnh tranh, tăng lợi nhuận. Đồng thời, đây cũng được xem là kênh đầu tư mới nhiều tiềm năng nếu biết triển khai đúng cách.

Đầu mối giao dịch hàng hóa với thị trường thế giới

Nhận thức về việc khởi tạo Sở giao dịch hàng hóa đã có từ 16 năm trước, với đề xuất đầu tiên từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas). Có đầy đủ năng lực cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nông sản như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, tôm cá…, trong những năm qua, nông sản Việt Nam đã có các bước tiến mạnh mẽ và trở thành nước xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam từng phải trải qua cảnh "chưa ra tới cửa" đã phải quay trở về trong mỗi mùa thu hoạch khi hàng trăm, hàng ngàn xe tải xếp hàng cả tuần ở cửa khẩu, cảng biển để chờ đến lượt làm thủ tục xuất khẩu với giá rẻ mạt, khiến giọt ước mắt của người nông dân càng thêm mặn đắng.

Chẳng hạn, đối với cà phê, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thế nhưng trong nhiều năm, phần lớn người trồng cà phê vẫn thuộc diện sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận thông tin thị trường và thường xuyên bị "ép giá".

Không ít nông sản khác tại Việt Nam cũng liên tục bị ép giá trên chính thị trường nội địa. Ví dụ, sợi bông, theo ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, bông chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sợi. Nếu cứ mua theo cách cũ, đơn thuần dựa vào thông tin thị trường không chuẩn xác thì khả năng thua lỗ là không nhỏ. Doanh nghiệp mua và tính toán tốt, mua được vào thời điểm phù hợp thì bảo đảm sản xuất tốt và kinh doanh có lãi. Ngược lại, mua phải thời điểm giá cao, sau đó giá đi xuống, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt hại, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Một nông sản khác hiện tại bị đặt trong tình trạng báo động là cây mắc ca, một nông sản được coi là "nữ hoàng tỷ USD". Vài năm trước, tại nhiều địa phương, phong trào trông cây mắc ca diễn ra khá phổ biến khi lãi bình quân một năm của cây cà phê đạt khoảng 75 - 86 triệu đồng/ha, còn cây mắc ca có thể cho lãi từ 510 - 520 triệu đồng/ha; cây cà phê cho số năm khai thác khoảng 20 năm thì cây mắc ca cho tới 60 năm.

Tuy nhiên, sau vài năm triển khai, cây mắc ca của Việt Nam không thể tham gia và trở thành một nông sản mang về nhiều tỷ USD cho người nông dân như kỳ vọng, với lý do muôn thuở là chất lượng và thông tin thị trường kém. Tiềm năng lớn, trong khi không định lượng được thị trường, khiến cuộc đua trồng mắc ca trở nên nóng bỏng, bất chấp mọi nguồn giống.

Ông Lê Tùng Anh, Giám đốc Dự án Mắc ca của Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (IDT International JSC), một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia trồng và chế biến mắc ca cho biết, cách đây vài năm, IDT mua thử vài kilogram mắc ca trong nước về kiểm tra chất lượng thì thấy chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng rất kém do người dân không sơ chế đúng kỹ thuật mà chỉ đem phơi nắng, khiến mắc ca “ăn như khoai lang”.

Vai trò của Sở giao dịch hàng hóa

Nếu ồ ạt trồng nông sản sẽ dẫn tới giá rẻ, trong khi không chú trọng nâng cao chất lượng, xúc tiến mở rộng thị trường, người nông dân sẽ ngày càng kiệt quệ. Trên thực tế, nhu cầu nông sản của thế giới vẫn đang rất lớn và thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang chạy theo số lượng, do đó, chủ yếu xuất khẩu vào những thị trường “dễ tính” như Trung Quốc, dẫn tới cảnh bị phụ thuộc. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nông sản rơi vào tình cảnh ùn ứ, bị mất giá, ép giá.

Tại Ethiopia, cà phê được trồng từ nhiều thế kỷ trước, nhưng đến năm 2008, hơn 95% người trồng cà phê nước này vẫn thuộc diện sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận thông tin thị trường và thường xuyên bị ép giá. Nếu một doanh nghiệp muốn mua cà phê Ethiopia với số lượng lớn ngay tại nguồn cung cấp, doanh nghiệp đó phải nhờ một người đại diện lấy mẫu thử từ từng bao tải cà phê để nếm hương vị và đánh giá chất lượng. Với cách làm thủ công này, rất ít sản phẩm cà phê Ethiopia tiếp cận được thị trường toàn cầu.

Nhưng tình trạng trên đã thay đổi khi Chính phủ Ethiopia quyết tâm xây dựng sàn giao dịch hàng hóa với mục đích dân chủ hóa quyền buôn bán trên thị trường cho nông dân trồng cà phê, đậu, bắp, lúa mì và một số hàng hóa khác.

Nòng cốt của Sàn giao dịch hàng hóa Ethiopia (ECX) là một hệ thống phân hạng cà phê “ẩn danh” mà qua đó, các chuyên gia thử cà phê sẽ thử vị hàng mẫu trước và xếp hạng từng lô cà phê được giao bán. Có cả một thiết kế thị trường chặt chẽ được đưa vào các quy định, đó là thiết kế thị trường được lồng vào trong cách tổ chức hệ thống xếp hạng chất lượng. Chẳng hạn, việc thử cà phê là thử “bịt mắt”; người thử không được biết họ đang thử cà phê của ai. Bằng không, họ có thể bị người bán hối lộ.

Việc tiêu chuẩn hóa cà phê trong thực tế còn cải thiện chất lượng của việc thu hoạch cà phê. Hạt cà phê đạt chất lượng cao nhất khi trái đã chín đỏ, nhưng người mua hạt không thể phân biệt bằng mắt đâu là hạt từ trái chín hay trái còn xanh, vì thế trước đây, người nông dân Ethiopia thường gặt một loạt trái chín lẫn trái xanh, miễn sao thuận tiện cho mình.

Từ khi có sàn giao dịch với chuyên gia nếm cà phê chuẩn xác, người nông dân bắt đầu tập thói quen thu hoạch cà phê khi trái đạt chất lượng cao nhất, để có giá bán tốt nhất. Kết quả, khách hàng quốc tế có thể mua hạt cà phê Ethiopia với số lượng lớn từ xa mà không phải nếm thử cà phê tại chỗ và mua từ nhiều người bán khác nhau mà không phải lo ngại về uy tín hay nguồn gốc của họ.

Trở lại câu chuyện về sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, từ năm 2005, Luật Thương mại đã đặt nền móng đầu tiên về các quy định quản lý nhà nước đối với sàn giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, sau 13 năm, việc xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa vẫn ở bước khởi động. Từ năm 2006 đến nay, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các sở giao dịch hàng hóa, trong đó chủ yếu là giao dịch mặt hàng cà phê đạt chưa đến 8.000 tỷ đồng (khoảng 350 triệu USD), chỉ bằng khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Lý giải về nguyên nhân sàn giao dịch hàng hóa chưa thể thành công, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MVX) cho biết, mặc dù đã được Luật hóa nhưng nhiều quy định mang tính bó cứng, chẳng hạn quy định Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam không được liên thông với các Sở giao dịch hàng hóa thế giới và hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài khiến hiệu quả hoạt động của các Sở giao dịch chưa lớn, chưa tác động được nhiều đến thị trường hàng hóa.

Trong các mô hình trước đây, việc không rộng cửa với mô hình Sở giao dịch hàng hóa của các quy định cũ đã khiến cho các chủ sàn loay hoay giữa hoạt động kinh doanh hàng hóa hay dùng Sở giao dịch hàng hóa như là công cụ kinh doanh để giảm thiểu rủi ro về giá. Khi sử dụng như công cụ giảm thiểu rủi ro, thì tuy mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa nhưng không phải vì mục đích kiếm tiền, mà chỉ để bảo vệ khỏi rủi ro. Chính vì thế, “thương vụ” với Sở giao dịch hàng hóa ấy không có giao nhận hàng thực, mà thường thanh lý hợp đồng mua bán bằng tờ giấy có giá.

Về ý nghĩa, theo ông Dũng, hoạt động Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài hiện nay là những sàn giao dịch hàng hóa/tài chính phái sinh. Sàn giao dịch sẽ hoạt động theo hình thức đấu giá, nghĩa là hệ thống giao dịch thực hiện tự động trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán của khách hàng tại một thời điểm xác định. Nguyên tắc xác định giá sẽ theo mức giá thực hiện đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất.

Tuy nhiên, khác với các sản phẩm “vô hình” như chứng khoán, tiền tệ, sản phẩm trên Sở giao dịch hàng hóa là sản phẩm hữu hình và được thực hiện thực sự sau khi các giao dịch đã được khớp lệnh. Khi đó, các sản phẩm nông sản sẽ chuyển qua tay từ người bán sang người mua với điều kiện các sản phẩm nông sản phải đảm bảo đúng như mô tả ban đầu khi đồng ý tham gia giao dịch qua Sở.

Ưu điểm của hình thức này là hàng hóa sẽ được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng với người mua, còn người bán sẽ có được công cụ bảo hiểm về giá nhờ vào việc giá thực hiện niêm yết công khai, hạn chế rủi ro cho các hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua Sở giao dịch hàng hóa, các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu có thể biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng cà phê, cao su, thép... theo từng chủng loại và từng tháng hợp đồng để chủ động sản xuất - kinh doanh, cân đối cung cầu.

Với các nhà đầu tư khác, họ có thể tham gia nếu có nhu cầu, bởi ngoài việc mua bán các sản phẩm nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế theo hình thức Spot (mua bán giao ngay) hoặc Physical (giao hàng vật chất có kỳ hạn), hầu hết Sở giao dịch hàng hóa cung cấp thêm các sản phẩm giao dịch khác như Futures (giao dịch hàng hóa kỳ hạn), Options (giao dịch quyền chọn, có quyền nhưng không có nghĩa vụ thực hiện giao dịch trong tương lai), cho phép các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Sự tham gia đông đảo của những lực lượng nhà đầu tư này chính là lý do giúp hàng hóa được phòng vệ (hedging) và hạn chế thao túng giá. Với số lượng giao dịch lên tới hàng triệu lệnh mỗi giờ, ai có đủ khả năng thao túng giá khi hoạt động mua bán liên tục diễn ra 24/24 giờ mỗi ngày?

Sở giao dịch hàng hóa  Việt Nam vừa được khởi động trở lại. Thanh khoản kỳ vọng sẽ tăng khi giao dịch điện tử được áp dụng, giúp việc mua bán diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn chỉ qua phần mềm hoặc ứng dụng di động.

Theo ông Dũng, với việc Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa từ ngày 9/4/2018, cởi trói nhiều quy định bó cứng trước kia, sẽ là tiền đề để Sở giao dịch hàng hóa phát triển. 

Tin bài liên quan