Rộng cửa đón dòng vốn chiến lược vào Việt Nam

(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc từ ngày 16-19/2018 sẽ mang đến cho nhà đầu tư tại đây những câu chuyện mới từ Việt Nam, với mong muốn giúp sức cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm được đối tác phù hợp phía Hàn Quốc trên cơ sở hiểu biết và tin tưởng. Từ đó, sẽ hỗ trợ rất lớn cho khát vọng cùng phát triển của hai quốc gia.

Năm 2015, 2017, ngành tài chính, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, đã thực hiện các cuộc xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản. Năm 2018, ngành tài chính chọn quốc gia xúc tiến đầu tư là Hàn Quốc. Vì sao chọn Hàn Quốc là nơi thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Năm 2018 ghi dấu ấn 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In và phu nhân vừa qua, 2 quốc gia đã ra tuyên bố chung gồm 23 nội dung, trong đó xác định sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới. Hiện tại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ nhất về đầu tư, đứng thứ hai về ODA, du lịch của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Rộng cửa đón dòng vốn chiến lược vào Việt Nam ảnh 1

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Trong lĩnh vực đầu tư, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí khuyến khích hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hiện đại, cơ cở hạ tầng, đô thị thông minh, khu công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đó, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng quy mô lớn cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Trong lĩnh vực tài chính, hai quốc gia thống nhất tăng cường hợp tác công nghệ tài chính, mở rộng việc tham gia thị trường của các công ty tài chính hai nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lâu dài cho cả hai bên.

Để góp sức nâng tầm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ Tài chính quyết định tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Seul vào ngày 18/4/2018.

Chúng tôi sẽ mang đến nhà đầu tư Hàn Quốc câu chuyện từ Việt Nam về chính sách mới trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, những biện pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời kết nối các tập đoàn, tổng công ty từ Việt Nam với nhà đầu tư Hàn Quốc nhằm thúc đẩy sự hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực về đầu tư.

Được biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức tài chính sẽ tham gia Đoàn công tác sắp tới. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm gọi vốn từ Hàn Quốc vào các DN Việt Nam, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề nào Việt Nam muốn mời gọi vốn xứ Kim Chi?

Khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty tại Việt Nam sẽ trực tiếp tham dự và kết nối cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Từ nền tảng quan hệ tốt đẹp và ngày càng hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc sau 25 năm chính thức hợp tác, chúng tôi mong nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tham gia đầu tư sâu hơn vào DN sẽ cổ phần hóa, DN đã cổ phần hóa đang cần thoái vốn nhà nước, các DN đang hoạt động trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chế tạo, năng lượng, nông nghiệp, dịch vụ…, cần gọi dòng vốn chiến lược để cùng phát triển.

Tôi mong rằng, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ dành sự quan tâm sâu sắc đến cơ hội từ Việt Nam. Tại Việt Nam, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các DN lớn đang ở giai đoạn cao trào.

Cơ hội tham gia với vai trò nhà đầu tư chiến lược trong các DN lớn tại Việt Nam đang rộng mở. Nếu DN Việt Nam tìm được đối tác phù hợp phía Hàn Quốc trên cơ sở hiểu biết và tin tưởng sẽ hỗ trợ rất lớn cho khát vọng cùng phát triển của hai quốc gia.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc mới được tổ chức tại Hà Nội, một số nhà tư vấn quốc tế đánh giá, cơ hội đầu tư vào Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng đầu tư vào Việt Nam cần thời gian, công sức lo thủ tục gấp 4 lần tại Hàn Quốc. Bộ trưởng sẽ thông điệp như thế nào về môi trường đầu tư tới đây?

Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền tự do kinh doanh và dành nhiều nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các DN. Trên thị trường tài chính, Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ Tài chính nói riêng đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý làm nền tảng cho sự phát triển hiệu quả của thị trường.

Hàn Quốc là quốc gia có thị trường tài chính phát triển sớm, đã trở thành trung tâm tài chính ở châu Á. Trong hợp tác với thị trường tài chính Việt Nam, tôi mong dòng vốn từ Hàn Quốc sẽ sớm tiến lên vị trí hàng đầu

- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Hàng năm, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc tổ chức các cuộc đối thoại với DN Hàn Quốc tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm giải đáp các vướng mắc về chính sách trong lĩnh vực thuế và hải quan. Từ đó, công tác quản lý nhận được sự quan tâm của đông đảo các DN và được cộng đồng DN đánh giá cao, tác động tích cực đến tình hình giải quyết các vướng mắc về chính sách, thủ tục của DN trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý điều chỉnh thị trường chứng khoán và môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xin Bộ trưởng chia sẻ, sự hiện diện của nhà đầu tư Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay là như thế nào?

Hoạt động đầu tư tài chính của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam tuy tăng mạnh trong 1 năm qua, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Trong tổng số 6.500 dự án đầu tư từ Hàn Quốc thì số dự án đầu tư tài chính (mua cổ phần, cổ phiếu, M&A DN Việt Nam…) chưa đến 100. Gần đây, nhà đầu tư Hàn Quốc gia tăng sự hiện diện khi đầu tư vào một số công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp niêm yết và đang xem xét đầu tư vào một số ngân hàng Việt.

Cơ hội từ Việt Nam đang rộng mở và nhà đầu tư Hàn Quốc không nên bỏ qua thời điểm này.

 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc Choi Jongku 

Cụ thể, riêng năm 2018, Việt Nam sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước sẽ thoái vốn tại 180 DN đã cổ phần hóa. Cùng với đó, nhiều DN tư nhân lớn của Việt Nam đang rộng cửa gọi vốn với khát vọng vươn tầm khu vực, mang đến nhiều cơ hội cho dòng vốn chuyên nghiệp nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại cổ phần, những ngân hàng yếu kém sẽ được Chính phủ xem xét bán với tỷ lệ lớn, thậm chí bán 100% cho nhà đầu tư nước ngoài để tìm cơ hội phát triển mới.

Thứ ba, nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Chứng khoán đang trong giai đoạn sửa đổi theo tư duy đổi mới, hướng tới các mục tiêu quy định cụ thể về tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, nâng tầm quản trị của các DN, tăng cường sự minh bạch và các chuẩn mực quốc tế.

Với sự cải cách và cởi mở trong thu hút vốn từ Việt Nam, tôi mong rằng, các dòng vốn chuyên nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc hợp tác với DN, với thị trường tài chính Việt và ở lại để cùng tạo nên giá trị mới cho các bên. Trên thị trường tài chính, tôi mong dòng vốn từ Hàn Quốc sẽ tiến lên vị trí hàng đầu.

Xin Bộ trưởng chia sẻ những mục tiêu chính yếu mà TTCK Việt Nam sẽ thực hiện từ nay đến năm 2020? Một số dự án hợp tác với phía Hàn Quốc mà TTCK, thị trường tài chính đang thực hiện?

Về mục tiêu đến năm 2020, TTCK Việt Nam đang có sức tăng trưởng mạnh mẽ, thuộc Top những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới, xuất phát từ niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai Việt Nam. Với quy mô 160 tỷ USD, mục tiêu định lượng trong Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2020 đã hoàn tất. Từ nay đến năm 2020, chúng tôi quyết tâm nâng hạng thị trường, đổi mới hạ tầng công nghệ và hướng các DN đại chúng đến chuẩn mực kế toán, kiểm toán cao hơn, gần gũi hơn với thông lệ quốc tế.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thị trường tài chính phát triển sớm, đã trở thành trung tâm tài chính ở châu Á, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tài chính.

Tại Việt Nam, 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực cải tiến hệ thống công nghệ với sự giúp sức từ đối tác Hàn Quốc (Sở GDCK Hàn Quốc). Chúng tôi cũng đang trao đổi với Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc - KOFIA về việc ký Biên bản hợp tác liên quan đến công nghệ tài chính. Chúng tôi mong muốn lắng nghe kinh nghiệm xây dựng, áp dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng ứng dụng trong tài chính tại Hàn Quốc để tìm phương án tối ưu cho Việt Nam.

Tin bài liên quan