Robot Trade: Chuyện của tương lai gần

Robot Trade: Chuyện của tương lai gần

(ĐTCK) Có thể nói, trí tuệ nhân tạo (AI) hay những robot có trí tuệ đang dần thâm nhập vào mọi ngành công nghiệp trên thị trường, từ sản xuất đến chăm sóc sức khỏe và nhiều hoạt động khác. 

Chúng ta không còn lạ lẫm với những cỗ máy tự phân loại hàng hóa trong các kho hàng của Amazon, Alibaba..., hay khả năng của người máy Sophia. Tuy nhiên, những robot hiện nay không chỉ làm công việc như thế, mà nó còn có thể tự đọc các thông tin trên mạng Internet, tổng hợp chúng theo những mục đích khác nhau. Tận dụng điều này, các nhà quản lý quỹ đầu tư áp dụng thành công robot trong hoạt động giao dịch đầu tư, từ hàng hóa, tiền tệ cho đến chứng khoán.   

Những điểm cơ bản về robot trade

Có nhiều quỹ đang sử dụng AI trong hoạt động giao dịch có thể kể tới như Quỹ đầu tư AI Powered Equity (AIEQ), đặc biệt là các quỹ ETF hiện nay.

Hay như BlackRock của Larry Fink ban đầu cung cấp các sản phẩm đầu tư "thụ động" - là lựa chọn ít tốn kém hơn so với các quỹ tương hỗ đã thịnh hành thời đó, sau đó phát triển rất nhanh chóng và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong ngành công nghiệp đầu tư chỉ số với thương hiệu iShares.

Khách hàng của BlackRock hầu hết là những ông chủ Ả Rập giàu có, mỗi năm mang về hàng tỷ USD tiền phí quản lý.

Làm thế nào để robot có thể ra quyết định như vậy?

Ở cấp độ cơ bản nhất, robot giao dịch dựa vào những thuật toán có khả năng tạo và thực hiện các tín hiệu mua - bán trên thị trường tài chính.

Hiểu đơn giản là robot sẽ đưa ra quyết định khi nào nên mua hoặc bán, xác định số lượng cần mua hoặc bán  và cuối cùng là xác định khi nào đóng vị thế.

Ðể tạo ra một chương trình giao dịch, đòi hỏi người lập trình phải có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực tài chính - chứng khoán, bên cạnh các kỹ năng lập trình.

Những phần mềm được viết đại trà cho số đông nhà đầu tư đương nhiên sẽ chỉ sử dụng những dữ liệu đơn giản, hầu hết hiện nay sử dụng tín hiệu kỹ thuật từ giá của cổ phiếu để hành động. Việc áp dụng tín hiệu này khá đơn giản và không quá tốn chi phí khi thiết lập.

Tuy nhiên, ở những tổ chức lớn, các quỹ đầu tư hàng đầu, điều này không đơn giản như vậy. Những robot được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, có thể thực hiện các giao dịch với tốc độ xử lý gấp hàng nghìn, hàng triệu lần con người bình thường.

Những cỗ máy đó có thể đọc gần như tất cả các dữ liệu mỗi ngày từ Internet. Những dữ liệu đầu vào bao gồm tin tức kinh tế vĩ mô (PMI, CPI, lãi suất, GDP...), phân tích cơ bản (doanh thu, lợi nhuận), phân tích thống kê (hồi quy tương quan hoặc hợp nhất), phân tích kỹ thuật (MA, Harmonic, mẫu nến...), cấu trúc vi mô thị trường (chênh lệch giá)… để từ đó, robot sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và thực hiện nó.

Robot giao dịch tự động là một công cụ vô cùng giá trị, nhưng nhà đầu tư cần nhớ rằng, hầu hết các robot đều giao dịch trong một phạm vi nhất định, có thể là trong một thị trường ngoại hối, hàng hóa cụ thể, trái phiếu hoặc cổ phiếu.

Robot đương nhiên chỉ là công cụ và thật khó để đảm bảo rằng nó sẽ là vũ khí giúp bạn bách chiến bách thắng.

Trong khi đó, mỗi thị trường giao dịch đều có nguyên lý riêng và những nguyên lý này có thể biến đổi bởi những nhà đầu tư khác.

Nó thực hiện theo những thuật toán được đưa ra và có thể sẽ chính xác, hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định.

Nó không thể tự tiến hóa theo thời gian, mà vẫn cẫn có sự can thiệp của những nhà lập trình, những nhà đầu tư gạo cội...

Chỉ có điều, khi xu hướng thị trường hoặc mức giá bị phá vỡ một cách bất ngờ khiến cho việc giao dịch bị thua lỗ, thì robot có thể thay đổi hành vi ngay lập tức, mà hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và tâm lý giao dịch.

Việc đó có thể giúp nhà đầu tư cắt lỗ thành công, thậm chí biến từ thua lỗ sang có lãi.

Thực tế, việc áp dụng robot trong hoạt động giao dịch có ưu điểm và nhược điểm khá rõ ràng.

Cụ thể, về ưu điểm, robot sẽ loại bỏ một số áp lực tâm lý, cảm xúc trong giao dịch; phản ứng nhanh hơn con người, đưa ra các quyết định ngay khi tín hiệu xuất hiện.

Ngoài ra, robot có thể thực hiện theo dõi cùng lúc nhiều chỉ số khác nhau.

Nếu so với con người thì robot có khả năng giao dịch liên tục không ngừng nghỉ, song chỉ thực hiện các giao dịch phù hợp với một chiến lược, quản trị rủi ro tốt hơn; robot có thể quản lý nhiều tài khoản cùng lúc và đưa ra quyết định theo các tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn của người sử dụng.

Về nhược điểm, giao dịch bằng robot phụ thuộc vào người thiết kế phần mềm với những công cụ có sẵn mà chưa hẳn đã phù hợp với tất cả các thị trường.

Với những thị trường giao dịch nhỏ và biến động giá có thể không nằm trong bất cứ quy luật nào, các robot này có thể bị thay đổi tính năng từ các nhà cung cấp mà người sử dụng nó không thể biết hết.

Việc lựa chọn tính năng vẫn cần có sự kiểm tra tính đúng - sai trước khi sử dụng, bởi trên đó có rất nhiều công cụ được chọn để giúp người dùng thực thi nó…

Ứng dụng tại Việt Nam: Mới ở bước sơ khởi

Thế giới đã quen với việc áp dụng robot trong hoạt động đầu tư, nhưng tại Việt Nam, điều này còn mới mẻ.

Trong những năm qua, nhiều công ty chứng khoán đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ giúp nhà đầu tư thuận tiện hơn khi giao dịch như bảng giá thông minh, thống kê dữ liệu, phân lọc dữ liệu ngành, doanh nghiệp...

Trên một số phần mềm giao dịch hiện nay, nhiều công ty cũng đã nỗ lực tích hợp thêm công cụ để hỗ trợ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, những công cụ này hầu hết còn rất sơ khai, chủ yếu tập trung khai thác thông tin, dựa vào dữ liệu giá để cung cấp các tín hiệu kỹ thuật mua - bán.

Ðối với những phần mềm này, gần như các nhà lập trình mới chỉ sử dụng những công cụ phân tích kỹ thuật để máy móc tính toán điểm mua bán.

Ví dụ cho tín hiệu mua là khi đường giá cắt từ dưới lên phía trên đường MA200, hay cho tín hiệu bán là khi đường MA200 cắt xuống dưới đường MA50.

Tuy nhiên, việc lựa chọn mua hay bán lúc này vẫn do nhà đầu tư tự thao tác, chứ không phải robot thực hiện.

Một số công ty có thêm những sản phẩm khác lạ hơn như thiết lập danh mục tùy thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư như thời gian nắm giữ, khẩu vị rủi ro ...

Thực tế, cũng đã có những phần mềm do một vài đơn vị là những công ty công nghệ kết hợp cùng với công ty chứng khoán đưa ra với nhiều tính năng hơn.

Ngoài các công cụ đơn thuần, những phần mềm này còn có thể thực hiện giao dịch thay con người khi giá chạm đến những tín hiệu mà nhà đầu tư đã lựa chọn chế độ và đặt quyền cho phần mềm. Nó có thể là việc cắt lỗ hoặc chốt lời như mong muốn của nhà đầu tư.

Chúng ta đã có sản phẩm phái sinh, chứng quyền và theo tôi được biết, đã có đơn vị sử dụng robot để tính toán và tìm ra xu hướng làm sao có thể tạo GAP giữa giá của cổ phiếu cơ sở với giá của hợp đồng phái sinh.

Nó không chỉ đơn thuần đưa ra những quyết định mua bán trong ngày, mà còn có thể tính toán cho cả một chuỗi thời gian.

Ðây là một bí mật và tất nhiên đó là công cụ không dành cho những nhà đầu tư cá nhân.

Robot Trade chắc chắn có lợi, bởi nó giúp nhà đầu tư xử lý các thông tin đầu vào và đưa ra tín hiệu rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu là sản phẩm Robot Trade đó được cung cấp đại trà với giá bán rẻ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng sẽ không có quá nhiều tác dụng.

Bởi ngay cả khi có được nó, nhà đầu tư cũng cần phải hiểu được ứng dụng đó như thế nào, kiểm chứng nó trong một khoảng thời gian nhất định trước khi đi vào thực tế.

Ðối với những tổ chức lớn, việc sử dụng robot là đương nhiên, nhưng đó là những robot có sự đầu tư vô cùng lớn cả về tiền bạc và trí tuệ mà không phải ai cũng có thể đầu tư. 

Tin bài liên quan