Một lượng tiền lớn được chuẩn bị sẵn cho đợt tăng vốn này có thể tìm đích đến trên TTCK - Ảnh: Hoài Nam

Một lượng tiền lớn được chuẩn bị sẵn cho đợt tăng vốn này có thể tìm đích đến trên TTCK - Ảnh: Hoài Nam

Rào cản cuối năm bốc hơi

(ĐTCK-online) Không thể phủ nhận rằng, quyết định hoãn thời gian tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng cho các ngân hàng nhỏ đến thời điểm 31/12/2011 đã và sẽ còn có khả năng tác động mạnh đến TTCK. Khởi đầu là dấu hiệu dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng trong hai phiên giao dịch đầu tuần này.

Trong bản tin phân tích thị trường ngày 2/12, khi VN-Index chuẩn bị chạm ngưỡng kháng cự 460 điểm, Công ty Chứng khoán HSC nhận xét: “Cuối cùng, nguồn cung đã đạt đỉnh và cách nào đó sẽ giảm mạnh vào cuối tháng do đây là hạn cuối cho các ngân hàng đạt được ngưỡng vốn 3.000 tỷ đồng”.

Thế nhưng, thị trường đã tăng mạnh ngoài dự báo của giới phân tích cơ bản, bất chấp lãi suất vẫn tăng cao. Khi thị trường bắt đầu tăng, giới thạo tin một mặt còn e ngại trước xu thế này, nhưng một mặt truyền tai nhau  thông tin sẽ có chính sách bất ngờ hỗ trợ.

Không ai ngờ rằng đó là quyết định hoãn thời hạn tăng vốn điều lệ cho 23 ngân hàng thuộc diện phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, bởi cách đây vài tháng, khi đề cập đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định sẽ không có việc sẽ hoãn hay kéo dài thời gian tăng vốn pháp định cho các ngân hàng, vì lộ trình này đã có từ năm 2006.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Phân tích tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. HCM nhận xét, do áp lực của quy định tăng vốn, một số cổ đông của ngân hàng đã có nhiều chiêu như cho công ty ruột của mình vay vốn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để góp vốn vào ngân hàng. Không thể phủ nhận, một trong những lý do khiến ngân hàng nhỏ đua tăng lãi suất là để hút về một lượng vốn lớn đáp ứng hợp đồng vay vốn ngắn hạn của các công ty con. Khi thực hiện xong việc tăng vốn, tiền mới huy động sẽ được trả lại cho người góp vốn.

Khi các ngân hàng nhỏ không chịu áp lực tăng vốn thì lãi suất có thể ổn định, tín hiệu tốt cho TTCK.

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, các cổ đông lớn của ngân hàng phải lo mấy trăm tỷ đồng để nộp thêm cũng không đơn giản. Trong đợt tăng vốn trước đây, đã có thông tin về việc cổ đông lớn phải mua đi, bán lại cổ phiếu mới lo được tiền góp vốn. Chắc rằng, nếu phải lo đóng tiền góp vốn vào tháng cuối năm thì các cổ đông ngân hàng sẽ bán bớt tài sản khác, trong đó có cổ phiếu niêm yết. Mặt khác, một lượng tiền lớn được chuẩn bị sẵn cho đợt tăng vốn này có thể trở thành nguồn tiền nhàn rỗi tạm thời và đích đến của nguồn tiền này có thể là TTCK.

Như vậy, dòng tiền vào thị trường không lo bị rút bớt do áp lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng mà còn được bổ sung thêm khi một số ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn có thể hoãn thời gian thực hiện đến năm sau, vì các cổ đông lớn nhỏ đều không thoải mái khi phải đóng tiền tăng vốn vào thời điểm này.

Phần lớn cổ đông ngân hàng phải góp vốn bằng mệnh giá cổ phiếu và hưởng lãi suất 10 - 15%, thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay, trong khi giá cổ phiếu trên thị trường chỉ xoay quanh mệnh giá, thậm chí còn thấp hơn mệnh giá.

Dòng tiền đầu tuần này đã đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù các ngân hàng niêm yết không phải là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ quyết định gia hạn thời gian tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho rằng, thị trường được dẫn dắt bởi 3 trụ cột chính là cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Có thể hy vọng, sau nhóm cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền sẽ tìm đến nhóm cổ phiếu blue-chip chưa tăng mạnh trong hai tuần qua, tạo ra lực đỡ cho thị trường.

Theo ông Chí, việc hoãn thời gian tăng vốn cho ngân hàng nhỏ đã cởi trói tâm lý nhà đầu tư lâu nay đang bị đè nén bởi lo ngại nguồn vốn vào thị trường bị chia sẻ do ngân hàng tăng vốn và nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Các cổ phiếu ngân hàng giảm giá suốt thời gian dài về mức P/E dưới 10, một mức được coi là rẻ trong khi các ngân hàng vẫn có lãi dù trải qua nhiều thời điểm rất khó khăn trong năm qua. Dù biết là cổ phiếu ngân hàng rẻ nhưng nhà đầu tư vẫn không mua do những lo ngại nói trên, vì thế khi tâm lý được cởi trói, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có đợt sóng lớn của cổ phiếu ngân hàng.