Quyền lợi của cổ đông khi công ty niêm yết tuyên bố phá sản?

Trường hợp một công ty niêm yết tuyên bố phá sản thì quyền lợi của cổ đông được xử lý như thế nào?

Trả lời:

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty. Người nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông và đồng thời là chủ sở hữu của công ty phát hành.

Trái phiếu là chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu) trong một thời gian xác định với một lợi tức quy định. Người phát hành có thể là DN (trái phiếu DN), một tổ chức chính quyền như Kho bạc Nhà nước (là trái phiếu kho bạc), chính quyền (công trái hoặc trái phiếu chính phủ).

Theo Điều 37 Luật Phá sản, thứ tự phân chia giá trị tài sản khi DN bị phá sản như sau:

* Phí phá sản;

* Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

* Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.

Trường hợp giá trị tài sản của DN sau khi đã thanh toán đủ các khoản trên mà vẫn còn, thì phần còn lại này thuộc về:

* Các thành viên của công ty; các cổ đông của công ty cổ phần;

* Chủ sở hữu DN.

Do vậy, khi bạn sở hữu trái phiếu của công ty niêm yết mà công ty bị tuyên bố phá sản thì bạn được ưu tiên nhận phần giá trị tài sản công ty hơn khi bạn sở hữu cổ phiếu của công ty đó. Các điều kiện, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản DN được thực hiện theo Luật Phá sản.