Quỹ VEIL của Dragon Capital: Khó chồng khó

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 30% kể từ đầu năm tới nay. Trong bối cảnh này, những khó khăn mà nhà đầu tư phải đối mặt là hiện hữu, ngay cả với những “tay chơi” kỳ cựu trên thị trường như Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của Dragon Capital.

Lỗ hơn 300 triệu USD trong gần 3 tháng

Kể từ đầu năm 2020 tới ngày 26/3 (số liệu mới nhất được công bố), giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ VEIL đã giảm 29,14%, tương đương với mức giảm của chỉ số VN-Index (29,08%). Ước tính, quỹ này đã lỗ hơn 300 triệu USD chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm.

Trong cơ cấu danh mục nắm giữ của VEIL, bất động sản và ngân hàng là 2 nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 26,83% và 26,74%, với những mã như VHM, ACB, KDH, MBB, VCB, VPB, HPI… Ðây cũng là nhóm khiến hiệu suất đầu tư suy giảm bậc nhất. Một nửa số cổ phiếu trong Top 10 được VEIL nắm giữ giảm giá hơn 20% tính tới ngày 19/3 so với đầu năm.

Quỹ VEIL của Dragon Capital: Khó chồng khó ảnh 1

Top 10 cổ phiếu nắm giữ.

Thực tế, tất cả các lĩnh vực mà VEIL nắm giữ cổ phiếu đều mang tới hiệu suất đầu tư âm cho Quỹ, trừ nhóm bảo hiểm, nhưng cũng chỉ sinh lời ở mức 0,06%.

Với việc dịch Covid-19 chưa được khống chế, tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam, VEIL đã cân nhắc lại các dự báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh giảm.

Theo đó, VEIL đánh giá mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phần năm 2020 của các doanh nghiệp là âm 1,93%, trong khi ngay trước thời điểm dịch bệnh (ngày 16/1/2020), con số này được dự báo là 14,22%.

Một số chỉ tiêu dự phóng khác như tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và lãi vay, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đều bị hạ xuống mức rất thấp.

Chẳng hạn, trong báo cáo ngày 16/1/2020, VEIL dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng sau thuế của doanh nghiệp lần lượt ở mức 15,58% và 15,43%. Vậy nhưng, tới cuối tháng 3, Quỹ đã điều chỉnh nhận định, đưa xuống lần lượt ở mức âm 2,72% và âm 0,96%.

Kết thúc chuỗi chiến thắng thị trường

Những khó khăn ập đến trong bối cảnh Quỹ vừa trải qua một năm không mấy tích cực. Năm 2019, hiệu suất đầu tư của Quỹ đạt 3,05% (chưa kiểm toán), so với đà tăng 9,88% của chỉ số VN-Index, chấm dứt chuỗi 4 năm chiến thắng thị trường liên tiếp trước đó.

Giai đoạn 2015 - 2017, hiệu suất đầu tư của VEIL liên tục tăng mạnh từ 5,59% lên 60,09%. Tỷ lệ tăng trưởng của Quỹ cao hơn đáng kể so với mức tăng 52,75% của VN-Index trong năm 2017. Ngay cả trong năm 2018 đầy biến động, VEIL ghi nhận mức giảm 7,08%, thấp hơn so với tỷ lệ giảm 9,45% của thị trường chung.

Diễn biến này cho thấy, với những biến động của thị trường kể từ năm 2019 tới nay, ngay cả những quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp cũng khó lòng kiếm tiền.

Thực tế, danh mục các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đa phần tập trung ở những cổ phiếu lớn, đây cũng là những cổ phiếu giảm mạnh trong “cơn bão” Covid-19 và là nguyên nhân chính cho kết quả thiếu tích cực của các quỹ đầu tư.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát và các thị trường tài chính tiếp tục dò đáy, những khó khăn trước mắt đối với các quỹ đầu tư, trong đó có VEIL là hiện hữu.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital, nền kinh tế Việt Nam đối diện với dịch Covid-19 với nền tảng vĩ mô vững vàng và hiện tại đang kiểm soát tình hình dịch bệnh một cách hiệu quả, tích cực.

Việc Trung Quốc bắt đầu bước vào guồng quay hoạt động thường nhật, đây sẽ là tin tích cực đối với nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Thêm vào đó, dù dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường Việt Nam kể từ đầu năm 2020 tới nay ở mức kỷ lục, nhưng thị trường tài chính Việt Nam vẫn đang ở mức ổn định, lãi suất liên ngân hàng không biến động mạnh, trong khi VND là đồng tiền giữ giá tốt nhất so với USD.

Những nền tảng cơ bản ổn định sẽ là bệ đỡ cho sự hồi phục của các hoạt động kinh tế sau khi dịch bệnh được khống chế, từ đó có thể kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan