Ngày 9/11/2016, Baoviet Fund công bố vận hành Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư (IMS) và là công ty quản lý quỹ Việt Nam đầu tiên triển khai thành công hệ thống phần mềm quản lý đầu tư chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn quốc tế

Ngày 9/11/2016, Baoviet Fund công bố vận hành Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư (IMS) và là công ty quản lý quỹ Việt Nam đầu tiên triển khai thành công hệ thống phần mềm quản lý đầu tư chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn quốc tế

Quỹ nội cần thay đổi để hội nhập

(ĐTCK) “Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ giúp ngành quản lý quỹ, trong đó có Baoviet Funds, đón nhận nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ nền kinh tế phục hồi và dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Nhưng để thành công và thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa, chúng ta phải có chiến lược hoạt động đúng đắn và minh bạch hóa thông tin nhiều hơn”. 

Đó là chia sẻ của ông Đậu Minh Lâm, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF). 

Trong lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán các nước, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò khá quan trọng, giúp thị trường có thể vận hành một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, vai trò này của các công ty quản lý quỹ chưa thực sự rõ ràng. Ông có thể lý giải điều này?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên (frontier market), quy mô thị trường còn nhỏ và thiếu một số yếu tố quan trọng để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài…

Hơn nữa, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu cơ cao trong một thị trường chưa hoàn hảo về mặt thông tin để có thể thu được lợi nhuận cao hơn, đồng thời, việc đầu tư trực tiếp trên thị trường chứng khoán đang thuận lợi và nhanh chóng hơn việc đầu tư qua các quỹ mở, nếu xét tới yếu tố chu kỳ thanh toán.

Mặt khác, cơ bản các nhà đầu tư cá nhân đều có mục tiêu đầu tư tương đối ngắn hạn. Do vậy, cơ hội để các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư thu hút vốn từ các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân còn thấp.

Theo đó, sẽ cần thời gian và nhiều chính sách tốt, phù hợp để nhiều loại hình quỹ đầu tư đa dạng được hình thành, các quỹ lớn nước ngoài quan tâm hơn, cũng như nhà đầu tư cá nhân quen dần và tin tưởng hơn vào hoạt động của các quỹ đầu tư, đồng thời, các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ mở, cũng cần có thời gian để chứng minh tính ưu việt và vượt trội hơn trong hiệu quả đầu tư, cũng như khả năng quản lý rủi ro.

Việc cơ quan quản lý nhà nước từng bước đưa ra các chính sách ưu đãi hơn về phí và thuế cho ngành quản lý quỹ cũng sẽ là bước đầu giúp thu hút nhà đầu tư đầu tư qua các quỹ đầu tư, thay vì đầu tư trực tiếp.

Ông Đậu Minh Lâm 

Cơ hội thị trường phía trước là rất rõ ràng, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sau khi đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng. Và ngành quản lý quỹ sẽ trở thành cầu nối quan trọng giữa nhà đầu tư ngoại với các doanh nghiệp trong nước. Vậy theo ông, các công ty quản lý quỹ sẽ phải thay đổi theo hướng nào để có thể hoàn thành tốt vai trò của mình trong thời gian tới?

Sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế, cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quan trọng, có thể thấy, rõ ràng, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ của các thị trường khác trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philippines, Thailand, Malaysia, Myanmar…

Các công ty quản lý quỹ với vai trò là cầu nối giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cần phải chứng minh được hiệu quả hoạt động đầu tư tốt, thông tin minh bạch và công tác quản lý rủi ro chuyên nghiệp.

Thứ nhất, để có thể kết nối hiệu quả, các công ty quản lý quỹ cần phải hiểu rất rõ về thị trường nội địa, hiểu rõ về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các đặc  tính, lợi thế và bất lợi của các doanh nghiệp này, nâng cao khả năng phân tích chuyên sâu về các doanh nghiệp Việt Nam, thấu hiểu thị trường một cách cặn kẽ. Qua đó, mới có thể giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ về thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, đặt niềm tin vào các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Thứ hai, việc xây dựng các nền tảng cơ bản như: đội ngũ nhân sự có chất lượng, hoạt động quản lý rủi ro tốt và hệ thống công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế cũng là những yếu tố then chốt mà các công ty quản lý quỹ cần quan tâm.

Thứ ba, các công ty quản lý quỹ hoạt động tại thị trường cần mở rộng và phát huy tối đa mạng lưới trên thị trường. Đồng thời, cần phát triển các sản phẩm đầu tư đa dạng để thu hút các đối tượng nhà đầu tư khác nhau.

Ông có thể chia sẻ cụ thể về những định hướng và kế hoạch Baoviet Fund triển khai trong thời gian sắp tới nhằm đón nhận những cơ hội mới mà thị trường đang mang lại?

Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường về đa dạng hóa các sản phẩm, trên cơ sở các thế mạnh riêng có của mình và hệ thống Bảo Việt như năng lực đầu tư, hệ thống phân phối, dịch vụ đồng bộ…

Vừa qua, chúng tôi đã ra mắt quỹ mở thứ ba với tên gọi Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF). Quỹ BVPF ra đời với mục tiêu mang lại lợi nhuận bền vững và vượt trội cho nhà đầu tư.

Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ sớm cho ra mắt thêm các chuỗi sản phẩm khác phù hợp với nhu cầu của thị trường như: quỹ hưu trí, quỹ đầu tư bất động sản và các sản phẩm chuyên biệt… cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức lựa chọn.

Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế (IMS) vừa được đưa vào vận hành chính thức sẽ là công cụ hữu hiệu để chúng tôi nhanh chóng triển khai các sản phẩm tài chính cá nhân có độ phức tạp cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và từng bước tiếp cận các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hướng tới mở rộng đối tượng khách hàng, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân sở hữu lượng tài sản lớn.

Ông có đề xuất gì về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho việc phát triển của ngành quản lý quỹ nói chung trong thời gian sắp tới?

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những động thái rất tích cực trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các sản phẩm mới như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ hưu trí tự nguyện (pension)…

Thị trường luôn cần sự đa dạng sản phẩm và để ngành quản lý quỹ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, quỹ REIT… sớm được đưa vào thực tiễn.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước  tiếp tục đưa thêm nhiều sản phẩm khác nữa để thị trường từng bước phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp để phát triển hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh và đồng bộ, qua đó rút ngắn chu kỳ thanh toán, giúp tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

Một yếu tố quan trọng khác chính là tính  minh bạch và lành mạnh của thị trường. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để các thành phần tham gia thị trường phải minh bạch hóa thông tin, tuân thủ các yêu cầu về quản lý rủi ro một cách chặt chẽ; đồng thời, cần có chế tài mạnh mẽ khi xử lý vi phạm, giúp cho thị trường phát triển một cách lành mạnh, bền vững và tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các quỹ đầu tư lớn.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ là cây cầu nối hiệu quả nhất giữa các thành viên thị trường với thị trường khu vực và thế giới, thông qua việc đẩy mạnh quảng bá về thị trường Việt Nam và tổ chức các chương trình thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước.

Đối với ngành quản lý quỹ, tôi kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn khi nhà đầu tư đầu tư qua quỹ so với đầu tư trực tiếp, để từng bước tạo ra các quỹ đầu tư lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn, mang lại sự ổn định và phát triển bền vững cho thị trường.

Tin bài liên quan