Quỹ mở cổ phiếu tăng 22% trong 3 tháng

Quỹ mở cổ phiếu tăng 22% trong 3 tháng

(ĐTCK) Thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều đi lên đã đem lại kết quả tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) tích cực cho các quỹ mở trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, Quỹ VF4 đạt mức tăng NAV gần 22%.

Quỹ cổ phiếu

Quỹ cổ phiếu VF4 của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) tăng 21,7% NAV trong chưa đầy 3 tháng (11 tuần), từ đầu năm đến ngày 26/3. Kết quả này cao hơn mức tăng 17,8% của VN-Index trong thời gian 3 tháng đầu năm. Đầu tư vào các doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành cơ bản, chủ đạo của nền kinh tế, VF4 đã được hưởng lợi lớn từ mức tăng giá mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn từ đầu năm tới nay.

Trong khi đó, Quỹ VFA, cũng do VFM quản lý, chỉ tăng được 7,1% từ đầu năm đến ngày 28/3.

Cả VF4 và VFA là quỹ mở được chuyển từ quỹ đóng. Hai quỹ đều chịu chung tình trạng bị nhà đầu tư rút vốn ròng liên tục sau khi chuyển đổi mô hình quỹ. Trong đó, VF4 mặc dù có NAV tăng liên tục, nhưng vẫn bị rút vốn ròng và đến giữa tháng 3, quy mô của Quỹ đã giảm gần 1/5, xuống còn xấp xỉ 560 tỷ đồng; Quỹ VFA khả quan hơn khi quy mô tăng nhẹ trở lại lên 113 tỷ đồng.

Quỹ cân bằng

Quỹ đầu tư dạng cân bằng VF1 của VFM đạt kết quả gần bằng VN-Index với mức tăng NAV 17,2% trong 3 tháng đầu năm - mức tăng tốt thứ hai trong các quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu. Chung tình trạng với các quỹ mở chuyển đổi từ quỹ đóng của VFM, quỹ này cũng bị rút ròng chứng chỉ quỹ liên tục và đến giữa tháng 3, quy mô giảm một nửa, xuống còn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Quỹ cân bằng VCBF-TBF của Vietcombank Fund tăng được 6,33% NAV tính đến ngày 28/3, chưa bằng một nửa mức tăng của VF1. Tuy nhiên, quỹ mở mới khai trương này của Vietcombank Fund lại đang chào bán tương đối tốt đến các nhà đầu tư, khi mà lượng chứng chỉ quỹ đã tăng thêm gần 700.000 đơn vị trong vòng 3 tháng, nâng quy mô của Quỹ lên gần 72 tỷ đồng.

Đối với Quỹ năng động BVFED của Baoviet Fund, do mới đi vào hoạt động được 5 tuần kể từ giữa tháng 2, với chiến lược tương tự hai quỹ cân bằng nêu trên, nên kết quả hoạt động chưa có gì đáng kể. Trong khoảng thời gian này, NAV của BVFED chỉ tăng được vỏn vẹn 0,01%. Quy mô của Quỹ hiện là 71 tỷ đồng.

Quỹ trái phiếu

Đây là loại quỹ có tính chất an toàn cao và thường được so sánh kết quả hoạt động với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Các quỹ trái phiếu đang được hưởng lợi từ việc cắt giảm các mức lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 18/3 và nhu cầu lớn đối với trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh đó, Quỹ trái phiếu MBBF của MBCapital tăng 2,13% NAV trong 3 tháng đầu năm và Quỹ VFF của VinaWealth tăng 2,12% NAV trong cùng khoảng thời gian, tương đương với mức tăng lần lượt 9,23%/năm và 9,19%/năm.

Bất ngờ nhất là Quỹ VFB của VFM. Quỹ này sau khi hoạt động trầm lắng trong 6 tháng cuối năm ngoái, đã bất ngờ bật mạnh từ đầu năm đến nay, với kết quả tăng 5,52% NAV trong 12 tuần, tương đương mức tăng 23,9%/năm. Kết quả này gấp hơn 3 lần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện nay. Quỹ VFB cũng đã tăng nhẹ quy mô trở lại lên 77 tỷ đồng, sau khi bị rút ròng liên tục kể từ khi đi vào hoạt động giữa năm ngoái.

Liên quan đến quy mô, cuối tháng 3/2014, Quỹ MBBF của MBCapital đã phát hành thêm xấp xỉ 2 triệu chứng chỉ quỹ (khoảng 20 tỷ đồng). Quy mô của quỹ này tại ngày 19/3 là 81 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm hoạt động, MBBF hiện là quỹ phát hành được thêm nhiều chứng chỉ nhất trong 8 quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu đang hoạt động trên thị trường.

Tin bài liên quan