Với 1 triệu đồng/tháng, nhà đầu tư cá nhân cũng có thể góp vốn vào quỹ để tham gia vào TTCK Việt Nam

Với 1 triệu đồng/tháng, nhà đầu tư cá nhân cũng có thể góp vốn vào quỹ để tham gia vào TTCK Việt Nam

Quỹ đầu tư: Lãi tốt, dễ gọi vốn

(ĐTCK) Duy trì được mức độ tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) ổn định qua các năm và có sự thăng hoa cùng với nhịp đập thị trường trong năm 2017, nhiều quỹ đầu tư đã tạo được niềm tin với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân. Trong năm 2018, nhiều khả năng các nhà đầu tư cá nhân sẽ đổi khẩu vị khi tìm tới các quỹ để gia tăng cơ hội kiếm lời.

Theo đánh giá của một số lãnh đạo công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư cá nhân đã gửi gắm tài sản nhiều hơn ở các quỹ đầu tư bởi ngoài tính chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn thì các quỹ đầu tư còn chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tại các doanh nghiệp tăng trưởng tốt; có khả năng thành công cao hơn khi thực hiện các thương vụ lớn, thậm chí có thể đàm phán giá với tổ chức phát hành. Những điều này, các nhà đầu tư cá nhân khó có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, trong vài năm qua, các công ty quản lý đều cố gắng thiết kế đa dạng hơn các sản phẩm đầu tư nhằm phục vụ mọi đối tượng đầu tư trên thị trường, trong đó trọng tâm là nhà đầu tư các nhân. Chính vì vậy, xu hướng đầu tư dài hạn là các nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhân, nhỏ lẻ tìm tới các chứng chỉ quỹ với mệnh giá thấp, nhưng vẫn tạo cơ hội đầu tư đa dạng tại nhiều ngành nghề khác nhau, giúp giảm thiểu rủi ro.

Năm 2017, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều nhà đầu tư muốn đa dạng hóa các kênh đầu tư để thu lợi nhuận cao nên sự quan tâm tới thị trường chứng khoán lớn hơn. Điều này cũng giúp các quỹ đầu tư được hưởng lợi.

Trong năm ngoái, hai quỹ mở do VCBF quản lý ghi nhận tổng tài sản tăng trưởng 108,7%, số lượng đầu tư của cả hai quỹ tăng trưởng 92,3% so với cuối năm 2016. Tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của 2 quỹ mở của VCBF là hơn 682,9 tỷ đồng với hơn 2.500 nhà đầu tư, trong khi đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản 2 quỹ mở của VCBF quản lý chỉ là hơn 327 tỷ đồng với hơn 1.300 nhà đầu tư.

Theo lãnh đạo VCBF, nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ mở là bởi kể từ khi các quỹ được thành lập đến nay đã đem lại lợi nhuận tốt liên tục hàng năm cho nhà đầu tư. Cụ thể, lợi nhuận của Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF đã đạt 31,3% trong năm 2017 và 18,5% mỗi năm kể từ khi thành lập (24/12/2013). Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF đạt lợi nhuận 37,4% trong năm 2017 và 21,7% mỗi năm kể từ khi thành lập (22/8/2014).

Có mức tăng trưởng ấn tượng ở gần như tất cả các quỹ, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết, trong năm 2017, tổng quy mô các quỹ quản lý đã tăng lên gấp 2 - 3 lần, điều này khẳng định một lần nữa sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán đồng thời cũng cho thấy kênh đầu tư thông qua các nhà quản lý chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư dần có vai trò rõ nét hơn.

Thị trường năm 2017 tăng trưởng mạnh, có nhiều nhà đầu tư thành công nhưng cũng không ít người có mức sinh lợi rất thấp, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, các quỹ do VFM quản lý có mức sinh lợi xấp xỉ 50% trong năm 2017 và trung bình 3 năm cũng đạt mức sinh lợi hai con số.

Ông Tân cho biết, năm 2018, VFM sẽ đẩy mạnh hơn nữa sản phẩm đầu tư VF-iSAVING. Đây là sản phẩm hướng đến đối tượng dù có thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng vẫn có thể tham gia, bởi số tiền đầu tư tối thiểu chỉ là 1 triệu đồng/tháng hoặc 3 triệu đồng/quý. Với số tiền “đóng” định kỳ hàng tháng sẽ được công ty phân bổ vào các quỹ mở VF1, VF4 và VFB.

Mỗi hợp đồng VF-iSAVING chỉ mua một quỹ tại một thời điểm. Nhờ “lãi sinh lãi” và “bình quân giá”, đầu tư qua chương trình VF-iSAVING trong khoảng 5 - 10 năm, nhà đầu tư có thể nhận lại lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn. Ông Tân chia sẻ, rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia chương trình đầu tư này.

Một quỹ mới thành lập gần đây nhất là Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 - TVGF2 do Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) quản lý. Điều đáng chú ý đây là quỹ đóng, có thời gian hoạt động 3 năm. Sau đợt IPO, TVGF2 đã huy động được 170 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia khá lớn.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc đầu tư của TVAM, Công ty có chiến lược riêng biệt, đầu tư chuyên nghiệp và việc thành lập quỹ đóng là để chủ động với chiến lược đầu tư giá trị, qua đó tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông mà không phải tính toán đến việc phân bổ danh mục đầu tư theo thời gian để đáp ứng nhu cầu “rút vốn” của nhà đầu tư. Theo ông Quang, 2 quỹ hiện tại mới là bước khởi đầu, trong tương lai, TVAM sẽ còn phát triển thêm nhiều quỹ mới, phụ thuộc vào tình hình của thị trường.

Trong năm 2017, Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt (TVGF) cũng là quỹ nằm trong nhóm có sự tăng trưởng về NAV, với mức tăng 56,5% trong khi quy mô vốn ở mức trung bình là 150 tỷ đồng.

Tin bài liên quan