Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cơ quan này đã nhận được 16 hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền của 8 công ty chứng khoán (CTCK) là SSI, Bản Việt, VPS, BSC, MBS, HSC, VNDIRECT, KIS, dựa trên 6 chứng khoán cơ sở gồm MBB, HPG, MWG, FPT, PNJ, VNM. Trong đó, UBCK đã cấp giấy chứng nhận chào bán cho 16 sản phẩm chứng quyền của 7 CTCK.
Đến nay, tổng lượng chứng quyền đã bán sơ cấp đạt 8.622.250 chứng quyền (tương đương với 39,73% số lượng chứng quyền chào bán), thu được 15,1 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chứng quyền đã phân phối được 100% số lượng chào bán.
Nhiều nhà đầu tư hào hứng với chứng quyền, nhưng không ít nhà đầu tư khác e ngại rủi ro nên chưa tham gia. Một số nhà đầu tư chia sẻ, ngoài tâm lý thận trọng với sản phẩm mới, chờ thời gian để làm quen, thì cách quảng bá, giới thiệu chứng quyền hiện tại của một số bên liên quan không những khó xóa tan e ngại đó, mà ngược lại còn làm tăng sự dè chừng trong nhà đầu tư.
“Đọc thông tin mà CTCK giới thiệu về chứng quyền có bảo đảm, tôi có cảm giác cứ mua vào là lãi, giống như một thời đầu tư vào cổ phiếu trong giai đoạn hoàng kim. Nhưng sự thật có phải như vậy? Tôi chưa yên tâm với thông tin về sản phẩm này như cách CTCK quảng bá là tiền vốn đầu tư ít, nhưng lãi cao”, một nhà đầu tư nói.
Các quảng bá, giới thiệu về chứng quyền của các thường nhấn mạnh vào những ưu điểm của sản phẩm này nhiều hơn nói về rủi ro để cảnh báo nhà đầu tư.
Những ưu thế nổi trội của chứng quyền đang được CTCK dùng lời “có cánh” để chuyển tải tới nhà đầu tư như chỉ cần bỏ ra số tiền ban đầu nhỏ hơn nhiều so với mua chứng khoán cơ sở do giá chứng quyền thấp hơn nhiều so với giá cơ sở, nhưng có cơ hội nhận được lợi nhuận lớn khi giá cổ phiếu tăng; số lỗ nếu có cũng trong phạm vi giới hạn biết trước là phí mua chứng quyền.
Chứng quyền có thực sự mang lại cơ hội thu lời cao trong khi rủi ro thấp? Giám đốc phân tích một CTCK cho biết, với sản phẩm mới này, nhà đầu tư cần lưu ý các yếu tố sau.
Thứ nhất, chứng quyền có bảo đảm sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao, lên đến 15 lần, đồng nghĩa với rủi ro đầu tư cao hơn so với đầu tư cùng giá trị vào tài sản cơ sở.
Thứ hai, giá chứng khoán cơ sở bình quân 5 phiên liền trước ngày chứng quyền đáo hạn nhỏ hơn hoặc bằng giá thực hiện quyền, giá chứng quyền khi đó sẽ bằng không. Trường hợp không nắm giữ chứng quyền đến khi đáo hạn, mà thực hiện mua - bán trên sàn, tỷ lệ thay đổi giá của chứng quyền trên thị trường có thể lớn hơn tỷ lệ thay đổi giá của chứng khoán cơ sở, tùy thuộc vào cung - cầu hoặc ảnh hưởng từ sự phát hành chứng quyền bổ sung.
Thứ ba, vòng đời chứng quyền giới hạn trong thời gian ngắn, giá của chứng quyền có thể giảm khi đến gần ngày đáo hạn và mức giảm giá này có thể sẽ khá lớn.
Thứ tư, nhà đầu tư sở hữu chứng quyền không có quyền lợi như cổ đông sở hữu chứng khoán cơ sở, ví dụ cổ tức.
Nhiều ý kiến cho rằng, thành công trong thu hút nhà đầu tư là yếu tố sống còn khi triển khai các sản phẩm mới. Bởi vậy, để giúp các CTCK thuận lợi tìm đầu ra cho chứng quyền có bảo đảm, cần sự phối hợp mang tính bài bản, dài hạn giữa UBCK, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, CTCK trong tổ chức hoạt động quảng bá, truyền thông về sản phẩm.
Thêm vào đó, kênh truyền thông về chứng quyền có bảo đảm cần đa dạng hơn. Ngoài thông qua các hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư với số lượng nhà đầu tư tham gia hạn chế do gặp khó khăn về thời gian, địa lý, cần tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, để bất kỳ ở đâu, thời gian nào, nhà đầu tư quan tâm cũng có điều kiện tìm hiểu về sản phẩm.
Đặc biệt, điều nhà đầu tư mong đợi là nhà quản lý, vận hành thị trường, CTCK cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về những ưu thế, cũng như rủi ro khi đầu tư vào chứng quyền, tránh “thổi phồng” lợi ích mà sản phẩm này mang lại, thậm chí lờ đi những rủi ro khiến cho nhà đầu tư nhầm tưởng về sản phẩm.