Yếu tố quản trị tốt sẽ tạo nên sức hấp dẫn nhà đầu tư của doanh nghiệp

Yếu tố quản trị tốt sẽ tạo nên sức hấp dẫn nhà đầu tư của doanh nghiệp

Quản trị tốt, giá trị của cổ đông được gia tăng

(ĐTCK)  Thêm một lần nữa, vấn đề quản trị công ty,  từ các vấn đề thực tiễn lẫn khuôn khổ pháp lý hiện hành được đưa ra “mổ xẻ” tại Hội nghị Quản trị công ty và gia tăng giá trị cổ đông do Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK), Trung tâm đào tạo chứng khoán và VCBS phối hợp tổ chức vào cuối tuần trước.

Một điểm thú vị, theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK là chúng ta đang “đi ngược” với thông lệ quốc tế. 

Cụ thể, vấn đề quản trị doanh nghiệp được chú trọng và đã “ăn sâu” vào tư duy quản trị doanh nghiệp nên các quốc gia phát triển thường chỉ dừng ở mức khuyến nghị áp dụng. Trong khi tại Việt Nam, cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển, vấn đề quản trị doanh nghiệp từ chỗ khuyến nghị đã được đưa vào thông tư, nghị định và cao hơn nữa là có một chương quy định trong Luật Chứng khoán.

Trong trường hợp này, việc “đi ngược” với thông lệ quốc tế là để phù hợp hơn với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Thực tế, khái niệm quản trị công ty không mới đối với doanh nghiệp Việt khi tầm quan trọng của nó đã được các cơ quan quản lý xác định và đưa vào quy định pháp lý. Tuy nhiên, tính tự giác thực hiện thấp và việc áp dụng vào thực tiễn đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng.

Bà Bình cho biết, Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đã buộc doanh nghiệp phải thay đổi trước những yêu cầu mới, nhất là quy định phải có thành viên HĐQT độc lập, tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Ngoài ra, Nghị định thay đổi cả phạm vi và đối tượng áp dụng ở nhiều khía cạnh như cổ đông và đại hội đồng cổ đông, HĐQT và thành viên HĐQT…, cũng như vấn đề ngăn ngừa xung đột lợi ích, báo cáo và công bố thông tin, giám sát. 

Theo thống kê của UBCK, tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng đủ tỷ lệ tối thiểu 1/3 thành viên HĐQT độc lập là rất thấp, thậm chí việc các doanh nghiệp không có thành viên HĐQT độc lập vẫn khá phổ biến. Cho tới nay, cơ quan quản lý chưa xử phạt doanh nghiệp nào về vi phạm vấn đề tỷ lệ HĐQT độc lập bởi muốn “dành” cho doanh nghiệp một khoảng thời gian thích hợp để tuân thủ, trước khi đưa ra xử phạt.

Đóng góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc pháp chế, Công ty Chứng khoán An Bình cho rằng, vẫn còn một số điểm chưa phù hợp tại các quy định trong Nghị định 71 như cách thức hình thành thành viên HĐQT độc lập, nhiệm kỳ của thành viên HĐQT độc lập… Điều này gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm người ngồi vào vị trí thành viên HĐQT độc lập, khi phải đáp ứng các yêu cầu từ phía doanh nghiệp như có kiến thức, trải nghiệm, am hiểu về công ty, đồng thời thỏa mãn điều kiện không được là người có liên quan đến cổ đông lớn, lãnh đạo cao cấp, khách hàng lớn, tư vấn luật hay kiểm toán của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nếu một người hiện đang là thành viên HĐQT độc lập ở nhiệm kỳ này thì có được ứng cử, đề cử ở nhiệm kỳ tiếp theo? Nhìn lại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua sẽ thấy, việc giới thiệu, bầu cử một thành viên HĐQT độc lập mới là không dễ dàng, ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất là có một thành viên cũ xin từ nhiệm, hoặc hết nhiệm kỳ.

Ở góc nhìn khác về quản trị doanh nghiệp, ông Trần Minh Hoàng, Kinh tế trưởng VCBS cho rằng, còn tồn tại một số vấn đề đáng lưu ý.

Thứ nhất là vấn đề công bằng, minh bạch thông tin. Bản thân nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia đầu tư cổ phiếu và trở thành cổ đông của doanh nghiệp đều mong muốn đầu tư để sinh lời. Nhưng thực tế, tính minh bạch của doanh nghiệp còn yếu, đơn cử báo cáo tài chính một số doanh nghiệp công bố trước và sau kiểm toán đã có sự thay đổi đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến biến động giá cổ phiếu, cũng như quyền lợi cổ đông.

Ngoài ra, khả năng giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Hơn nữa, nên mở hướng cho cổ đông được thực hiện quyền khởi kiện dễ dàng hơn trong điều kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật bởi đang tồn tại những thủ tục rườm ra và mất quá nhiều thời gian, gây khó cho cổ đông…                    

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán

Vai trò của quản trị doanh nghiệp đang ngày càng được chú trọng, bởi đây chính là nền tảng gia tăng giá trị cho cổ đông. Việc nâng dần tính tự giác của doanh nghiệp trong vấn đề quản trị có thể giúp quá trình áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt hơn, hiệu quả và minh bạch hơn

. Doanh nghiệp có quy mô phát triển càng lớn thì vấn đề quản trị càng được chú trọng. Tại Nghị định 71/2017/ NĐ-CP, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung cùng nhiều quy định mới sẽ giải quyết những khúc mắc trong thực tế và mục đích là hướng đến các thông lệ quản trị tốt nhất. 

Tin bài liên quan