Quản trị rủi ro vẫn là điểm yếu trong quản trị của các DN niêm yết

Quản trị rủi ro vẫn là điểm yếu trong quản trị của các DN niêm yết

Quản trị công ty ở Việt Nam, đề ra cho... có

(ĐTCK) Hội thảo về các thông lệ quản trị công ty tốt do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hôm qua (24/3) một lần nữa đưa ra cảnh báo, Việt Nam thực hiện quản trị công ty chỉ mới dừng ở việc tuân thủ quy định, vấn đề thực thi còn yếu.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, một tiến bộ của các DN niêm yết trên HOSE trong quản trị công ty (QTCT) là phần lớn DN đã tách bạch 2 chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc; khoảng 30% DN vẫn đang kiêm nhiệm chức danh này. Vấn đề công bố thông tin cũng được cải thiện đáng kể, thể hiện tỷ lệ nộp chậm BCTC quý và báo cáo quản trị công ty giảm xuống mức 5% thay vì 10% năm 2013.

Các quy định về điều lệ công ty, hay quy chế nội bộ về QTCT, 79% DN niêm yết trên HOSE có điều lệ không trái với Luật Doanh nghiệp và Thông tư 121; còn lại tuân thủ hoàn toàn theo điều lệ mẫu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN không thực hiện như điều lệ công ty. Lấy đơn cử mùa ĐHCĐ năm 2015, Luật Doanh nghiệp quy định trong vòng 30 ngày từ ngày chốt danh sách, DN phải tổ chức họp ĐHCĐ, nhưng HOSE phải nhắc nhở nhiều DN quá thời hạn, thậm chí có DN chốt danh sách từ tháng 1 nhưng đến tháng 3, tháng 4 mới tổ chức ĐHCĐ.

Tương tự, quy chế nội bộ về QTCT, hiện tất cả DN đều ban hành quy chế nội bộ, trong đó, 77% DN ban hành đúng theo hướng dẫn tại Điều 31 Thông tư 121; 23% có ban hành quy chế nội bộ về QTCT nhưng chưa cập nhật đầy đủ theo thông tư này. Từ nhiều báo cáo của DN, HOSE cũng phải nhắc nhở nhiều về quy chế họp HĐQT được ghi rất rõ mỗi quý một lần nhưng không có báo cáo ban kiểm soát hay những cuộc họp HĐQT không được công bố ra công chúng.

“Trong quy chế nội bộ, các DN đều có đầy đủ trình tự, thủ tục họp HĐQT, bổ nhiệm cán bộ quản lý, đánh giá hàng năm với khen thưởng, kỷ luật…, tức có theo tiêu chuẩn cao, nhưng thực tế thực thi chưa như mong đợi”, bà Đào nói.

Trong bối cảnh thực thi về QTDN ở DN niêm yết còn yếu, việc Luật Doanh nghiệp mới chuẩn bị có hiệu lực từ tháng 7 tới, với những yêu cầu cao hơn trước, nhất là về QTCT, đang đặt ra nhiều thách thức cho các DN.

Theo bà Đào, chỉ riêng quy định có tối thiểu 1/3 HĐQT là thành viên độc lập đã tương đối khó thực hiện với DN. Hiện trên thị trường chỉ có khoảng 1/3 DN đáp ứng được tiêu chí này. Nguyên nhân, do cơ chế đề cử thành viên HĐQT dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phiếu và phải sở hữu trong thời gian liên tục 6 tháng mới có quyền đưa ra ứng viên. Vì thế, để có được một thành viên HĐQT độc lập đúng nghĩa, đảm bảo tính độc lập với các bên liên quan của công ty, thì gần như không có.

“Nhìn vào hồ sơ thì thấy là độc lập, nhưng về bản chất, thành viên HĐQT có độc lập hay không thì chưa thẩm tra được”, bà Đào nhận xét.

Đánh giá về vấn đề này, ông Ken Rushton, chuyên gia tư vấn về QTCT đến từ Vương quốc Anh cho rằng, không cần thêm quá nhiều quy định, mà quan trọng là tính tự giác về tuân thủ của DN mới giúp QTCT tốt hơn. Ở các nước Đông Nam Á, các DN chủ yếu là tuân thủ và chưa nhận thức được vai trò quan trọng nhất của vấn đề này. DN có QTCT tốt sẽ giữ được niềm tin - điều mà cổ đông, nhà đầu tư mong muốn nhất khi nhìn vào một DN.

Theo ông Ken Rushton, trong QTCT, quản trị rủi ro vẫn là điểm yếu của DN niêm yết. Kết quả khảo sát về quản trị rủi ro ở DN niêm yết năm 2013 do EY Việt Nam thực hiện cho thấy, DN đã hình thành các chức năng quản trị rủi ro, nhưng chưa được hệ thống hóa; xây dựng được những khái niệm ban đầu về rủi ro và mức độ chấp nhận rủi ro, sử dụng một số chỉ tiêu phân tích độ nhạy cơ bản để xác định mức độ chấp nhận rủi ro, các hoạt động phát hiện và đánh giá rủi ro chỉ được thực hiện riêng lẻ trong phạm vi hẹp.

Trên thực tế, phần lớn DN hiện vẫn chỉ nhìn nhận quản trị rủi ro như một phần của công tác giám sát và tuân thủ. Để khắc phục tình trạng này, ông Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam khuyến nghị, hoạt động quản trị DN tích hợp quản trị rủi ro (REPM) cần trở thành hoạt động thường xuyên của DN, được thực hiện xuyên suốt trong quá trình lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch kinh doanh, vận hành, giám sát và kiểm tra từ HĐQT tới các cấp phòng ban chức năng.

Tin bài liên quan