Quản chất lượng tăng vốn trước đại chúng hóa: Thế khó của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Quản chất lượng tăng vốn trước đại chúng hóa: Thế khó của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(ĐTCK) Tăng chất lượng hàng hóa là một trong những nội dung quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường chứng khoán. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, hiện tại, việc doanh nghiệp tăng vốn ảo trước khi đại chúng hóa, niêm yết vẫn là một kẽ hở và tới đây cần phải rà soát và xử lý nghiêm.

“Chúng ta phải sửa đồng bộ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác, nhất là kiểm soát những công ty không phải đại chúng, tăng vốn trước thời điểm đại chúng. Có những trường hợp tăng vốn ảo, rồi sau đó đăng ký niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán với tư cách là những công ty đại chúng…

Tôi rất mong chúng ta góp ý thêm để bịt lỗ hổng này, sơ hở này trong các Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa và tính minh bạch trên thị trường là kiểm tra chất lượng các đợt tăng vốn và sử dụng vốn, nhất là tăng vốn trước khi niêm yết; đi kèm với việc tăng cường chất lượng kiểm toán, chất lượng công bố thông tin; trong đó có kiểm toán bản cáo bạch, siết chất lượng kiểm toán các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp quy mô lớn.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, cơ quan này đã nhìn nhận được vấn đề của thị trường, nhưng việc ứng xử phù hợp với việc doanh nghiệp tăng vốn ồ ạt lại không hề đơn giản.

Theo quy định hiện hành, công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 nhà đầu tư trở lên và doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này trong vòng 3 tháng phải nộp hồ sơ đăng ký đại chúng lên UBCK.

Với doanh nghiệp tăng vốn sau khi đã đăng ký công ty đại chúng với UBCK, hồ sơ, báo cáo sử dụng vốn… phải được công khai, có kiểm toán sau phát hành. Nhưng với doanh nghiệp chưa đại chúng, quá trình tăng vốn thực hiện báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương, kết quả phát hành chủ yếu theo cơ chế tự báo cáo, tự chịu trách nhiệm.

Kẽ hở phát sinh từ đây, khi nhiều doanh nghiệp báo cáo đã tăng vốn thành công, nhưng thực tế không có dòng tiền mới từ phát hành.

Một cán bộ của UBCK cho biết, cơ quan này phải sử dụng công cụ gián tiếp để sàng lọc chất lượng đầu vào công ty đại chúng.

Theo đó, về mặt quy trình, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, thường có báo cáo tài chính kiểm toán. Đối với những trường hợp mà qua sàng lọc báo cáo tài chính, sổ sách có vấn đề, cơ quan này đã phải gọi đơn vị kiểm toán lên để xác nhận lại các vấn đề trong hồ sơ kiểm toán; song song với việc làm công văn xác nhận từ phía Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để xác nhận quá trình tăng vốn và danh sách cổ đông.

“Việc này gây khó khăn và mất thời gian trong quá trình làm việc của Ủy ban, nhưng vẫn phải làm, để phần nào hạn chế những gian lận nghiêm trọng. Trên thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp không qua được bước trở thành công ty đại chúng do công ty kiểm toán sau khi làm việc với UBCK đã rút lại ý kiến chấp thuận trên báo cáo tài chính kiểm toán đã ký trước đó”, nguồn tin cho biết.

Rà soát một vòng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thời gian qua, không khó để nhận ra nhiều doanh nghiệp có câu chuyện tăng vốn ồ ạt trước khi nộp hồ sơ đại chúng và niêm yết. Có doanh nghiệp từ quy mô vốn vài trăm tỷ đồng nâng lên mức cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng sau thời gian ngắn, hoặc có tình trạng doanh nghiệp một vài tỷ đồng tăng vốn hàng trăm, hàng nghìn lần trong vòng 1 - 2 năm trước niêm yết.

Có nhiều lý do lý giải việc này. Chẳng hạn, rất nhiều doanh nghiệp khi còn là công ty gia đình, đã giữ quy mô vốn điều lệ nhỏ, không chú ý nhiều đến hoạt động tăng vốn điều lệ; dẫn tới tình trạng doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng riêng tiền các cá nhân cho công ty vay lớn hơn nhiều lần. Hoặc nhiều trường hợp, doanh nghiệp gọi được vốn mới và yêu cầu của nhà đầu tư sau khi đầu tư là phải thực hiện đại chúng hóa, niêm yết.

Tuy nhiên, có không ít trường hợp, sau khi phát hành tăng vốn ồ ạt trước đại chúng hóa, doanh nghiệp có hàng loạt các khoản ủy thác, cho vay các cá nhân, tổ chức khác, với những báo cáo tài chính mà dân trong nghề gọi là “đầy rác”, nhưng đúng luật.

Thực trạng hiện nay là “đầu vào” tăng vốn của các công ty chưa đại chúng được quản lý bởi các sở kế hoạch đầu tư, nhưng “đầu ra” của số cổ phần tăng vốn ấy lại là thị trường chứng khoán, được quản lý bởi UBCK, các sở giao dịch chứng khoán. Kẽ hở ấy đã được lãnh đạo Chính phủ và cả UBCK nhìn ra, nhưng khắc phục triệt để bằng cách nào, lại là câu chuyện vẫn đang chờ lời giải.       

Tin bài liên quan