Phiên sáng 8/10: Đe dọa mốc 1.000 điểm

Phiên sáng 8/10: Đe dọa mốc 1.000 điểm

(ĐTCK) Lực bán vẫn duy trì mạnh trong phiên sáng nay (8/10), đẩy VN-Index tiếp tục giảm điểm và đẹ dọa mốc 1.000 điểm.

Sau 3 tuần tăng liên tiếp, thị trường đã chứng kiến phiên lao dốc mạnh ngày cuối tuần vừa qua (5/10) do áp lực chốt lời gia tăng mạnh. Sắc đỏ bao phủ trên diện rộng thị trường khiến VN-Index bay hơi hơn 15 điểm, đã lấy đi toàn bộ thành quả có được trong 3 phiên tăng trước đó.

Mặc dù quay đầu điều chỉnh sâu nhưng thị trường đã chứng kiến phiên giao dịch sôi động với thanh khoản tăng đột biến. Trong đó, bên cạnh dòng tiền nhà đầu tư trong nước hoạt động mạnh, khối ngoại cũng đóng góp tích cực vào tâm lý thị trường khi trở lại trạng thái mua ròng.

Với những diễn biến trên, ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS cho rằng, về yếu tố kỹ thuật, xu hướng tăng điểm vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên trong tuần tới, khả năng thị trường sẽ có cơ hội kiểm tra lại vùng hỗ trợ trước khi trở lại quỹ đạo tăng trước đó.

“Trong kịch bản tích cực với sự duy trì của dòng tiền lớn như hiện nay, nhịp điều chỉnh có thể sớm kết thúc ở mốc tâm lý 1.000 điểm. Trong kịch bản kém tích cực hơn, thị trường có thể về lại vùng hỗ trợ 993 điểm”, ông Hưng chia sẻ.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (ngày 8/10), thị trường vẫn mở cửa trong sắc đỏ. Đà giảm tiếp tục nới rộng do lực bán dâng cao khiến VN-Index thủng mốc 1.000 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, ngay khi lùi về dưới vùng kháng cự mạnh này, lực cầu bắt đáy đã gia tăng tiếp sức cho đà hồi phục của nhiều mã giúp thị trường bật ngược đi lên. Dòng tiền hấp thụ tiếp tục tăng mạnh về cuối phiên, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể, chỉ số VN-Index tiến gần hơn với mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã tăng và 140 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 3 điểm (-0,30%) xuống 1.005,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,84 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.996,85 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,77 triệu đơn vị, giá trị 675 tỷ đồng.

Trong khi đó, lực cầu hấp thụ mạnh giúp sàn HNX đảo chiều và hồi phục thành công. Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng nhẹ 0,24 điểm (+0,21%) lên 114,92 điểm với 51 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,84 triệu đơn vị, giá trị 406 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 20 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, các nhóm đều có sự phân hóa, nhưng mức biến động giá không quá mạnh. Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE, có 4 mã tăng và 6 mã giảm, nhưng chỉ trên dưới 1%. Trong Top 30 cũng tương tự, chỉ có BVH giảm mạnh hơn 2%, xuống 94.000 đồng. Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 10 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, trên HNX, đa số các mã cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp, ngoại trừ PHP tăng mạnh 9,24%, lên 13.000 đồng, trong khi PGS giảm 4,63%, xuống 30.900 đồng. Trong đó, PVS là mã có thanh khoản tốt nhất với 4,33 triệu đơn vị được khớp. SHB và ART với hơn 3 triệu đơn vị được khớp.

Trên sàn UPCoM, chỉ số này cũng chỉ chớm xanh lúc mở cửa rồi sau đó giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,36%), xuống 53,83 điểm với 49 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10 triệu đơn vị, giá trị 188 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 13,7 tỷ đồng.

Trên sàn này, các mã có thanh khoản tốt nhất đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó BRS và POW là 2 mã khớp lớn nhất và cũng là 2 mã hiếm hoi có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị, đạt lần lượt 2,22 triệu đơn vị và 1,46 triệu đơn vị. Trong đó, BSR giảm 1,51%, xuống 19.500 đồng và POW cũng mất 2,47%, xuống 15.800 đồng sau thông tin mãi tới sang năm 2019 mới chuyển sàn lên HOSE.

Tin bài liên quan