Phiên sáng 7/2: Sau cơn hoảng loạn, nhà đầu tư lại đua nhau gom hàng

Phiên sáng 7/2: Sau cơn hoảng loạn, nhà đầu tư lại đua nhau gom hàng

(ĐTCK) Phiên hoảng loạn đầu tuần mới và sáng qua khiến VN-Index mất tới 120 điểm với sắc “xanh mắt mèo” tràn ngập bảng điện tử, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trong phiên chiều qua, giúp hãm đà rơi của thị trường và gia tăng mạnh trong phiên sáng nay, kéo thị trường tăng vọt trở lại.

Trong phiên đầu tuần mới, cùng với đà lao dốc của chứng khoán Mỹ cuối tuần trước và đà bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến đợt bán tháo mạnh với việc VN-Index có phiên giảm mạnh nhất lịch sử xét về số tuyệt đối và mạnh nhất hơn 3 năm rưỡi xét về số tương đối.

Áp lực bán thậm chí còn mạnh hơn trong phiên giao dịch sáng qua, khiến VN-Index mất tới hơn 61 điểm với số mã giảm sàn lên tới 117 mã. Tương tự, HNX-Index cũng lao dốc với gần 7 điểm với 63 mã giảm sàn.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, lực cầu bắt đáy đã bắt đầu nhập cuộc mạnh, nhất là dòng tiền từ khối ngoại vẫn hoạt động tốt, giúp đã giảm của thị trường được hãm lại phân nửa, đem lại lòng tin cho giới đầu tư.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn VTV tối qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết, đợt giảm này do ảnh hưởng từ đà giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu do chính sách gần đây của Fed. Cùng với đó, do thị trường đã có chuỗi tăng mạnh kể từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, do đó cũng đến lúc thị trường cũng có sự điều chỉnh. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời trước Tết Nguyên đán và trùng hợp với sự khủng hoảng của chứng khoán thế giới, khiến 2 phiên vừa rồi giảm tương đối sâu.

Đánh giá về xu hướng của thị trường, ông Dũng cho biết, đợt điều chỉnh này chỉ là ngắn hạn, còn trong trung hạn và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước phát triển bền vững. Lý do là kinh tế vĩ mô đang rất tốt và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp niêm yết rất khả quan. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBCK, trong năm 2017, trên HOSE có 97% doanh nghiệp làm ăn có lãi, trên HNX là 92% doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Bên cạnh đó, mức thanh khoản trên thị trường không giảm, mà vẫn duy trì ở mức rất tốt, cùng với đó là khối ngoại mua ròng 4.200 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu trong phiên 6/2. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đang rất tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong khi đó, sau 2 phiên lao dốc, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam khi lực cầu bắt đáy ồ ạt chảy vào thị trương.

Cộng hưởng những thông tin tích cực trên, ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, chứng khoán Việt Nam đã đồng loạt hồi phục mạnh. VN-Index tăng hơn 30 điểm (tương đương 3,2%), HNX-Index cũng có mức tăng 4 điểm (tương đương 3,6%).

Trên bảng điện tử, số mã tăng giá đã chiếm thế áp đảo so với số mã giảm giá (gấp hơn 6 lần). Toàn bộ 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đều tăng giá trở lại, trong đó có nhiều mã tăng mạnh như BID, VRE, VCB, CTG. Còn trong nhóm 20 mã vốn hóa, chỉ còn MSN giảm 1,74%, còn lại cũng có sắc xanh.

Tương tự, trong 20 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ còn lại NVB giảm 4,71%, còn lại đa số đều tăng giá mạnh như ACB, VCS, SHB, PVS, DGL, VNR, DBC, SHS…

Dòng tiền mạnh quay trở lại thị trường, chỉ số tăng mạnh kể từ khi mở cửa với mức điểm cộng thêm khoảng 30 điểm, sau đó nhích nhẹ và đi ngang cho đến kết thúc phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 238 mã tăng, 54 mã giảm, VN-Index tăng 33,39 điểm (+3,3%), lên 1.044,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 144,55 triệu đơn vị, giá trị 3,708,83 tỷ đồng., giảm 36% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,4 triệu đơn vị, giá trị 207,8 tỷ đồng.

Dòng tiền tuy lan tỏa nhưng vẫn có sự thận trọng nhất định khi nhóm cổ phiếu có lực hút lớn nhất vẫn là nhóm cổ phiếu được đánh giá giàu tiềm năng và thanh khoản tốt là Ngân hàng, cùng với nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và một số mã thị trường.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi bật hơn cả, khi cả nhóm chỉ còn NVN trên HNX giảm điểm, còn lại đều tăng, với điểm nhấn là BID và HDB, khi cả 2 mã này đều tăng kịch trần; BID 6,8% lên 31.200 đồng/cổ phiếu, khớp 1,43 triệu đơn vị; HDB tăng 7% lên 43.850 đồng/cổ phiếu, khớp 2,58 triệu cổ phiếu;

VPB cũng tăng rất tốt khi cộng thêm 6,1% lên 52.400 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 4,82 triệu đơn vị; CTG tăng 5,7% lên 25.750 đồng/cổ phiếu, khớp 4,57 triệu đơn vị; MBB tăng 5% lên 29.200 đồng/cổ phiếu, khớp 3,6 triệu đơn vị; VCB tăng 4% lên 64.500 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1 triệu đơn vị; STB tăng 2,9% lên 15.850 đồng/cổ phiếu, khớp 10,21 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE; ACB tăng 4,63% lên 40.700 đồng/cổ phiếu, khớp 1,57 triệu cổ phiếu ...

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng đồng loạt tăng với VND, SBS, HCM, APS tăng trần, trong khi SSI, SHS, ART cũng tăng tốt và thanh khoản khá. Trong đó, SSI khớp lệnh cao nhất nhóm khi có hơn 3,87 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 6,4% lên 33.200 đồng/cổ phiếu...

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng nằm trong top những mã có thanh khoản cao nhất sàn và tăng mạnh như FLC, AMD (2 mã này tăng trần), khớp lệnh lần lượt 7,9 và 7,1 triệu đơn vị.

SCR, HQC, IDI, HAG, HNG, HAI, ITA, DXG, DLG, QCG...cũng được phủ kín màu xanh và có từ 1 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, không thể không kể đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, những trụ cột của thị trường đã phục hồi mạnh trở lại. Top 20 mã vốn hóa lớn chỉ còn MSN giảm nhẹ 1,6% xuống 84.600 đồng/cổ phiếu, còn lại đều tăng, trong đó, ngoài một số cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nằm trong nhóm nêu trên, đáng chú ý còn có VJC tăng 5,8% lên 182.000 đồng/cổ phiếu; VRE tăng 6,6% lên 50.900 đồng/cổ phiếu, GAS tăng 4,6% lên 109.600 đồng/cổ phiếu; PLX tăng 5,3% lên 80.000 đồng/cổ phiếu; HPG tăng 4,5% lên 60.600 đồng/cổ phiếu...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nhận được sự tích cực chung, khi hồi mạnh trở lại gần 4%, với đà tăng của hầu hết các mã trong HNX30 như SHB, ACB, PVS, SHS, HUT, VCG, VGC, bên cạnh các mã nhỏ hút dòng tiền như PVX, KLF.

Cụ thể, SHB tăng gần lên mức giá trần, chốt phiên tăng 8,6% lên 12.600 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh dẫn đầu HNX với gần 17 triệu đơn vị; PVS tăng 4,6% lên 22.800 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 5,71 triệu đơn vị; ACB tăng 4,63% lên 40.700 đồng/cổ phiếu, khớp 1,57 triệu cổ phiếu; SHS và HUT có hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng lần lượt 6% và 3,37%...

PVX tăng kịch trần lên 2.200 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 1,8 triệu đơn vị; KLF cũng tăng hết biên độ lên 2.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,34 triệu đơn vị...

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 113 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 4,46 điểm (+3,86%), lên 120,1 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 39 triệu đơn vị, giá trị 572,97 tỷ đồng, giảm 45,8% về khối lượng và 41,4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trên sàn UpCoM, toàn sàn sắc xanh cũng chiếm ưu thế, trong đó nhiều mã mang sắc tím, tuy nhiên thanh khoản không thực sự cao, khi khớp hơn 1 triệu đơn vị chỉ có HVN và LPB.

Cụ thể, HVN khớp 1,57 triệu đơn vị, lớn nhất sàn, tăng 11% lên 49.500 đồng/cổ phiếu; LPB tăng 11,3% lên 14.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,3 triệu đơn vị.

DVN, SBS, ART có trên dưới 500.000 đơn vị khớp lệnh, và đều tăng, trong đó SBS tăng trần.

Một số mã khác mang sắc tím khác như MSR, VGT, SDI, VNP, VNB, SGP.. nhưng thanh khoản chỉ từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 đơn vị khớp lệnh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 1,78 điểm (+3,24%), lên 56,73 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 5,8 triệu đơn vị, giá trị 100,09 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có hơn 660.000 đơn vị, giá trị 10,24 tỷ đồng.

Tin bài liên quan