Phiên sáng 6/9: Dòng tiền rút lui

Phiên sáng 6/9: Dòng tiền rút lui

(ĐTCK) Thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm, chỉ số VN-Index nỗi lực hồi phục nhưng không thể do dòng tiền quá yếu.

Không nằm ngoài dự đoán, phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 2/9, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá nhẹ. Tuy nhiên, trạng thái bán ròng nhanh chóng trở lại ngay phiên sau đó và tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên 5/9 (bán ròng hơn 140 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với phiên 4/9). Đây sẽ là một trong những yếu tố thiếu tích cực tác động tới tâm lý thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, những thông tin tác động từ bên ngoài như thương chiến Mỹ Trung, động thái điều chỉnh lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ… cũng khiến nhà đầu tư giao dịch dè dặt.

Với bối cảnh cả bên mua và bên bán vẫn đang tỏ ra thận trọng trên, thị trường đã dao động giằng co và chỉ số VN-Index đã có 3 phiên giảm liên tiếp sau kỳ nghỉ lễ, lùi về sát mốc 975 điểm khi kết phiên 5/9.

Theo nhận định của PHS, trong phiên cuối tuần, thị trường khả năng sẽ kiểm định lại vùng đáy quanh 973. Nếu thất bại, thị trường sẽ lùi về vùng hỗ trợ xa hơn ở 960-965. Đồng thời, khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và giữ tỷ trọng danh mục ở mức thấp.

Bước vào phiên giao dịch sáng 6/9, thông tin tích cực từ thị trường quốc tế về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại vào đầu tháng 10, giúp giới đầu tư hứng khởi xuống tiền, đã tác động hỗ trợ tốt cho thị trường trong nước.

Mặc dù dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng cao độ khiến thanh khoản nhỏ giọt nhưng áp lực bán đã được tiết chế giúp thị trường đảo chiều hồi phục thành công sau 3 phiên giảm. Tuy vậy, với sự tham gia của dòng tiền yếu khi sau hơn 1 giờ giao dịch chỉ đạt hơn hơn 530 tỷ đồng, khiến VN-Index chỉ nhích nhẹ.

Tâm điểm trong những phiên giao dịch gần đây là YEG tiếp tục khởi sắc sau thông tin Công ty làm thêm mảng game. Tuy nhiên, sau thông tin Chủ tịch Nguyễn Ảnh Ngượng Tống điều chỉnh giảm lượng cổ phiếu đăng ký mua vào từ 3 triệu xuống còn 1,6 triệu cổ phiếu YEG cũng đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý chung.

Ngay khi mở cửa, YEG đã thu hẹp đà tăng mạnh do phải chịu áp lực bán ra. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng bình tâm, lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh đã nhanh chóng giúp cổ phiếu này lấy lại phong độ và có lúc được kéo trở lại trần. Hiện YEG tăng 6,3%, tạm đứng tại mức giá sát trần 65.600 đồng/CP.

Trái lại, cổ phiếu FTM tiếp tục bị xả mạnh và có phiên giảm sàn thứ 16 liên tiếp. Đáng chú ý, trong khi bên mua vắng bóng nhà đầu tư thì bên bán, cổ phiếu FTM dư bán sàn tới 19,35 triệu cổ phiếu và khối lượng khớp lệnh mới chỉ đạt 280 đơn vị.

Một trong những nguyên nhân khiến FTM phải trải qua những ngày đen tối có thể là do cổ phiếu này bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm. Song hành cùng quyết định này, chắc chắn các công ty chứng khoán đã cắt margin cổ phiếu FTM khiến tình trạng cổ phiếu FTM bị chất lệnh bán sàn.

Sau khoảng 1 giờ nỗ lực giữ sắc xanh, áp lực bán gia tăng trên diện rộng cùng sức ép đến từ các cổ phiếu lớn như VHM, BID, TCB…, đã khiến thị trường thoái lui và chỉ số VN-Index đã chia tay mốc 975 điểm.

Mặc dù VN-Index nỗ lực cứu vớt mốc 975 điểm nhưng bất thành do lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán chực chờ ở mức giá thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 156 mã tăng và 97 mã giảm, VN-Index giảm 2,22 điểm (-0,23%), xuống 974,57 điểm. Thanh khoản thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn hơn 68 triệu đơn vị, giá trị gần 1.238 tỷ đồng, giảm 25,19% về khối lượng và 22,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 14,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 288,59 tỷ đồng.

Nhóm VN30 khá cân bằng với 11 mã giảm và 12 mã tăng, nhưng trong khi VNM, GAS chỉ tăng chưa tới 0,5%, thì các mã lớn khác lại giảm sâu hơn, tác động xấu tới thị trường như VHM giảm 0,9% xuống 88.200 đồng/CP, BID giảm 1,56% xuống 37.900 đồng/CP, ngoài ra, VIC, VCB, VRE cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Cổ phiếu ROS sau phiên bùng nổ hôm qua đã quay trở lại trạng đỏ khi giảm 3,9% xuống mức gần thấp nhất phiên 26.050 đồng/CP, nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE, đạt 4,49 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HQC giảm 0,74% xuống 1.340 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản với 3,17 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Các mã DLG, SCR, ITA cũng giao dịch trong sắc đỏ với lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trái lại, FLC sau 9 phiên giao dịch thiếu tích cực đã hồi phục thành công khi tăng 3,1% lên 3.710 đồng/CP và khớp 2,87 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu đáng quan tâm, cặp đôi YEG và FTM vẫn ở 2 thái cực đối lập. Mặc dù YEG đã không còn giữ sắc tím nhưng vẫn duy trì đà tăng khá mạnh với biên độ tăng 4,4%, tạm đứng tại mức giá 64.400 đồng/CP, trong khi FTM không có thêm tín hiệu chuyển biến, tiếp tục đứng tại mức giá sàn và dư mua sàn 19,35 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cùng sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip cũng khiến HNX-Index đảo chiều giảm và giao dịch dưới mốc tham chiếu trong hơn nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 31 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,42%), xuống 100,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,2 triệu đơn vị, giá trị 83,14 tỷ đồng, giảm 6,29% về lượng và giảm hơn 28% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,14 triệu đơn vị, giá trị 25,76 tỷ đồng, trong đó riêng VIX thỏa thuận hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 24,32 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, cổ phiếu VCS khá ấn tượng khi hồi phục tích cực sau 3 phiên giảm khá mạnh với thông tin HĐQT Công ty vừa thông qua việc chia thưởng 3,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông. Tạm chốt phiên sáng, VCS tăng 2,3% lên 82.900 đồng/CP. Ngoài ra, NTP nhích nhẹ 0,3% lên 37.000 đồng/CP, còn lại các mã khác trong nhóm này hầu hết đều giảm.

Cụ thể, ACB giảm 0,9% xuống 21.800 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.300 đồng/CP, PVI giảm gần 0,9% xuống 34.000 đồng/CP, PHP giảm 3,4% xuống 11.300 đồng/CP, DGC giảm 0,4% xuống 27.600 đồng/CP.

Cũng giống sàn HOSE, thanh khoản trên HNX khá nhỏ giọt. Chỉ có duy nhất BII có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 1.300 đồng/CP.

Trong khi đó, sau khi mở cửa thiếu tích cực, thị trường UPCoM đã đảo chiều hồi phục thành công và đã duy trì sắc xanh nhạt đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,08%), lên 56,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,08 triệu đơn vị, giá trị 71,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,14 triệu đơn vị, giá trị 5,56 tỷ đồng.

Mặc dù trong nhóm cổ phiếu cần quan tâm, VCSC đã đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho ACV với giá mục tiêu 90.100 đồng/CP, nhưng cổ phiếu này đã giao dịch không mấy tích cực. Tạm chốt phiên sáng, ACV đảo chiều giảm nhẹ 0,1% xuống 79.700 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như BSR, LPB, GVR, VGI…

Cổ phiếu SGP dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch chỉ đạt 370.500 cổ phiếu và chốt phiên giảm 9,84% xuống 11.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan