Phiên sáng 5/9: Thiếu lực đỡ, VN-Index chưa thể gượng dậy

Phiên sáng 5/9: Thiếu lực đỡ, VN-Index chưa thể gượng dậy

(ĐTCK) Nỗ lực hồi phục trở lại sau phiên lao mạnh hôm qua (4/9), nhưng do thiếu lực đỡ và dòng tiền còn tỏ ra dè dặt, VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa tiếp tục giảm nhẹ trong phiên sáng nay (5/9).

Thị trường giao dịch khá thành công trong tháng 8 khi các chỉ số liên tiếp tăng điểm và lần lượt chinh phục các mốc điểm cao hơn. Trong những phiên cuối tháng, chỉ số VN-Index cũng đã tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm nhưng “giấc mơ” đã không thành hiện thực do áp lực bán tại đây khá lớn. Tổng kết tháng qua, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 33 điểm (+3,47%) và đóng cửa phiên cuối tháng tại mốc 989,54 điểm.

Sau khi thủng mốc 990 điểm và bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, thị trường đã trở lại giao dịch trong phiên đầu tiên của tháng 9 khá buồn tẻ. Tâm lý thận trọng theo suốt cả phiên khiến dòng tiền tham gia hạn chế, thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh. Trong khi đó, lực cung ồ ạt tung ra và ngày càng gia tăng, đặc biệt trong đợt khớp ATC đã khiến thị trường lao mạnh, chỉ số VN-Index mất 13,6 điểm và lùi về mốc 975 điểm.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ 970 điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, thị trường sẽ có phản ứng hồi phục trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ trên.

Bước vào phiên giao dịch sáng 5/9, lượng dư bán giá thấp của phiên hôm qua khiến VN-Index tiếp tục giảm nhẹ khi mở cửa. Tuy nhiên, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã lớn như VNM, VHM, VJC, VIC đã giúp thị trường đảo chiều thành công. Chỉ số VN-Index vượt qua mốc 975 điểm chỉ sau khoảng 20 phút giao dịch.

Đà tăng của các mã lớn dần thu hẹp, thậm chí quay đầu giảm điểm trước áp lực bán vẫn dâng cao khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều và trở lại giao dịch trong sắc đỏ.

Hôm nay, cổ phiếu VNM điều chính giá để thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 với tỷ lệ 20% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 5:1. Mặc dù mở cửa khá thuận lợi đã tiếp sức giúp thị trường khởi sắc nhưng đà tăng dần thu hẹp và VNM đã quay đầu lùi về dưới mốc tham chiếu, là một trong những tác nhân khiến VN-Index hụt hơi và đảo chiều. Sau hơn 1 giờ giao dịch, VNM giảm 0,1% xuống 128.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn khác như MSN, GAS, SAB, TCB hay các bluechip như HPG, PLX, VRE… cũng đều giảm, gia tăng thêm gánh nặng cho thị trường.

Trái lại, điểm sáng thị trường là VJC. Ngay sau phiên giảm sàn hôm qua, VJC đã hồi mạnh trong phiên sáng nay khi tăng 3,9%, tạm đứng tại mức giá 148.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 367.620 đơn vị.

Cổ phiếu YEG cũng có thêm 1 ngày vui khi sắc tím tiếp tục được bảo toàn. Sau thông tin nới room ngoại lên 100%, cổ phiếu YEG đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp và hiện đang đứng tại mức giá 224.300 đồng/CP, tăng 7%.

Tuy nhiên, lực cầu đã quay trở lại khá tốt sau hơn 80 phút giao dịch, giúp các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, VPB... cùng các mã VJC, VIC, VHM... nới rộng đà tăng, đã kéo thị trường bật lên. Chỉ số VN-Index vượt qua mốc tham chiếu và tiến gần hơn với mốc 980 điểm.

Mặc dù có thời điểm hồi phục nhưng áp lực bán khá lớn khiến thị trường rung lắc mạnh quanh mốc 975 điểm và đã bị nhấn chìm trong sắc đỏ về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 171 mã giảm và 99 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 1,23 điểm (-0,13%) xuống 974,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch hơn 80 triệu đơn vị, giá trị 1.839,41 tỷ đồng, giảm 13,62% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,21% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,36 triệu đơn vị, giá trị 96,97 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX cũng diễn biến giằng co mạnh mà đã lùi về dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán dâng cao về cuối phiên. Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã giảm và 34 mã tăng, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,35%) xuống 110,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,45 triệu đơn vị, giá trị 293,93 tỷ đồng, giảm 3,54% về lượng và 20,29% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,42 triệu đơn vị, giá trị 28,9 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, các mã tăng khá hạn chế như VHM tăng nhẹ 0,8% lên 105.700 đồng/CP; CTG tăng 0,2% lên 25.950 đồng/CP, VIC tăng 0,4% lên 102.500 đồng/CP, VCB tăng 0,3% lên 61.200 đồng/CP; MSN đứng giá tham chiếu; còn lại VNM giảm 0,9% xuống 127.800 đồng/CP, SAB giảm 0,4% xuống 222.900 đồng/CP, GAS giảm 0,6% xuống 102.400 đồng/CP, TCB giảm 0,2% xuống 26.050 đồng/CP, HPG giảm 0,1% xuống 38.950 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã bluechip khác như VRE, VPB, PLX, NVL, MWG cũng đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Không chỉ CTG và VCB hãm đà tăng, BID cũng lùi về mức giá 32.700 đồng/CP, chỉ tăng 0,6%; còn lại các mã ngân hàng khác như MBB, VPB, STB, HDB tiếp tục nới rộng biên độ giảm.

Trái với diễn biến thiếu tích cực ở nhiều mã bluechip, cổ phiếu VJC đã duy trì đà tăng khá tốt trong phiên sáng nay sau khi lao dốc ngày hôm qua. Với mức tăng 4,1%, VJC chốt phiên tại mức giá 149.000 đồng/CP và khớp gần 0,55 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thị trường FLC dẫn đầu thanh khoản với 4,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên sáng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 0,5% xuống 6.240 đồng/CP.

Trên sàn HNX, các mã lớn tạo gánh nặng cho thị trường phải kể đến ACB giảm 0,8% xuống 37.700 đồng/CP, PVS giảm 1,8% xuống 21.400 đồng/CP, VCG giảm 0,6% xuống 17.400 đồng/CP, VCS giảm 0,2% xuống 90.900 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trên sàn gồm SHB dẫn đầu với 3,55 triệu đơn vị; tiếp đến là PVS với 2,63 triệu đơn vị, ACB với hơn 2 triệu đơn vị, KLF với 1,58 triệu đơn vị, VGC đạt 1,1 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà giảm ngày càng sâu về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,85%) xuống 51,11 điểm với tổng khối lượng giao dịch 4,9 triệu đơn vị, giá trị 60,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 619.182 đơn vị, giá trị 11,62 tỷ đồng.

Hầu hết các mã lớn đều giao dịch dưới mốc tham chiếu như POW, BSR, HVN, OIL, DVN, VEA…

Cổ phiếu LPB dẫn đầu thanh khoản trên sàn với chỉ 612.600 đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên tại mốc tham chiếu 9.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan