Phiên sáng 31/5: Dè dặt bắt đáy

Phiên sáng 31/5: Dè dặt bắt đáy

(ĐTCK) Ngay sau khi bị đẩy xuống dưới mốc 965 điểm, lực cầu bắt đáy đã túc tắc tham gia tại một số mã, giúp VN-Index hãm đà giảm.

Những tưởng thị trường đã hồi phục trở lại sau 4 phiên điều chỉnh liên tiếp nhưng đà tăng khá mong manh trong phiên đầu tuần (27/5) khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu trở lại. Diễn biến 3 phiên giảm vừa qua khá giống nhau khi thị trường đã để lại những tia hy vọng cho nhà đầu tư bằng việc chỉ số VN-Index vẫn chủ yếu được kéo lên mốc tham chiếu trong thời gian dài và bất ngờ bị đánh úp về cuối phiên.

Tuy đà giảm không quá sâu nhưng thị trường liên tiếp thất bại trong những đợt khớp lệnh ATC, đẩy chỉ số VN-Index về dưới mốc 970 điểm khi kết phiên 30/5. Bên cạnh lực cầu trong nước khá yếu, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng không hỗ trợ nhiều cho tâm lý thị trường, đặc biệt trong phiên 30/5 đã bán ròng tới gần 770 tỷ đồng với yếu tố đột biến đến từ cổ phiếu VJC bị bán ròng mạnh thông qua giao dịch thỏa thuận.

Mặc dù vậy, nhìn chung diễn biến thị trường trong tháng 5 diễn ra không quá xấu khi hội chứng “Sell in May” đã không diễn ra. Tính trong tháng 5 (đến phiên 30/5), chỉ số VN-Index chỉ giảm hơn 10 điểm, tương ứng để mất hơn 1%.

Theo nhận định của BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen. Tuy nhiên, cũng lưu ý đến khả có thể xuất hiện nhịp giảm về vùng hỗ trợ 960-965 điểm trong những phiên tới trước khi cho phản ứng hồi phục trở lại.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần và cũng là phiên cuối cùng của tháng 5, thị trường vẫn trong xu hướng điều chỉnh nhẹ.

Sự hồi phục nhẹ của một số mã bluechip và vốn hóa lớn đã giúp VN-Index đảo chiều nhẹ nhẹ ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, lực cầu khá yếu trong khi cung giá thấp vẫn bị tung ra khiến sắc xanh chỉ le lói trong ít phút và nhanh chóng bị dập tắt.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm đang chiếm áp đảo với gần gấp đôi số mã tăng, chỉ số VN-Index đang đe dọa mốc 965 điểm. Trong khi sàn HNX cũng không khấm khá hơn bởi đà giảm diễn ra trên diện rộng bảng điện tử với sức ép chính đến từ nhóm bluechip, nhanh chóng kéo HNX-Index về dưới mốc 105 điểm.

Trên toàn thị trường, ngoài 2 mã họ P là PVD và PVS có khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị, 2 mã thị trường là KBC và HQC khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn lại đều khá thấp.

Thị trường đã bật ngược đi lên sau hơn 1 giờ suy giảm nhờ lực cung giá thấp được tiết chế, tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp thị trường hồi phục. Chỉ số VN-Index chỉ lấy lại mốc 965 điểm và đi ngang trong thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 166 mã giảm và 95 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 2,57 điểm (-0,27%) xuống 966,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,34 triệu đơn vị, giá trị 1.419,81 tỷ đồng, giảm 14,94% về lượng và hơn 7% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 317,5 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 6,44 triệu đơn vị, giá trị 124,61 tỷ đồng.

Bên cạnh dòng bank tiếp tục điều chỉnh nhẹ, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch thiếu tích cực bởi tác động của thông tin giá dầu giảm mạnh với GAS giảm gần 1% xuống 107.100 đồng/CP, PLX giảm 1,7% xuống 63.700 đồng/CP, PVD giảm 2,8% xuống 19.150 đồng/CP…

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như VNM, MWG, ROS, BVH, HVN, VHM…

Trái lại, trong nhóm VN30 chỉ có 8 mã tăng với biên độ khá hẹp như HDB, HPG, SAB, VIC, VJC, ngoại trừ MSN tăng hơn 1%.

Thanh khoản tốt nhất thuộc về PVD với khối lượng khớp 4,14 triệu đơn vị; tiếp theo đó, ROS khớp hơn 3,1 triệu đơn vị, ITA khớp 2,38 triệu đơn vị, HSG khớp 1,96 triệu đơn vị, KBC khớp 1,85 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng phần lớn giao dịch trong sắc đỏ dù đà giảm không quá sâu như ITA, HQC, ASM, HAG, HBC, SCR… Ngược lại, KBC, AA, DLG, HHS… xanh nhạt.

Trên HNX, tuy đà giảm có thu hẹp nhưng HNX-Index vẫn chưa thể dành lại được mỗ 105 điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 53 mã giảm và 30 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,66%) xuống 104,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 156,39 tỷ đồng, tăng 4,59% về lượng và 32,34% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 8,35 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX giao dịch thiếu tích cực, là gánh nặng chính của thị trường như ACB giảm 1% xuống 28.800 đồng/CP, VCG giảm 1,1% xuống 26.100 đồng/CP, PVS giảm 2,5% xuống 23.100 đồng/CP, VCS giảm 0,5% xuống 64.600 đồng/CP, SHB giảm 1,4% xuống 7.100 đồng/CP, DGC giảm 1,3% xuống 30.700 đồng/CP, PHP giảm 6,4% xuống 10.300 đồng/CP.

Ngoại trừ duy nhất NVB tăng 1,2% lên 8.600 đồng/CP, còn PVI và DL1 đứng giá tham chiếu.

Trên sàn HNX chỉ có 2 mã có khối lượng khớp lệnh triệu đơn vị là PVS khớp 2,92 triệu đơn vị và PVX khớp 1,64 triệu đơn vị, chốt phiên PVX giảm xuống mức giá sàn 1.200 đồng/CP và dư bán sàn 102.800 đơn vị, trong khi bên mua trống vắng.

Trái với 2 sàn chính, thị trường UPCoM giao dịch khá tích cực sau ít phút đầu điều chỉnh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,24%) lên 55,18 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 55,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý là VHG. Sau 6 phiên tăng trần liên tiếp để chia tay sàn HOSE, cổ phiếu VHG đã chính thức chuyển sang giao dịch trên UPCoM trong phiên hôm nay tiếp tục duy trì đà khởi sắc.

Hiện VHG tăng 23,1% lên mức giá 1.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 959.800 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản UPCoM.

Trong khi đó, BSR bị đẩy xuống vị trí thứ 2 với khối lượng giao dịch đạt 695.900 đơn vị và chốt phiên giảm 1,45% xuống 13.600 đồng/CP.

Tin bài liên quan