Phiên sáng 30/3: Bán tháo mạnh, VN-Index thử thách mốc 660 điểm

Phiên sáng 30/3: Bán tháo mạnh, VN-Index thử thách mốc 660 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến hàng trăm mã mất điểm, trong đó hàng loạt mã lớn đua nhau nằm sàn, đã khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số thử thách vùng giá 660 điểm trong phiên sáng đầu tuần 30/3.

Mặc dù chưa thoát khỏi đà giảm nhưng tuần vừa qua, thị trường đã có những nhịp hồi, thậm chí ghi nhận tăng điểm mạnh trong ngày 25/3, khi chỉ số VN-Index xác lập mức tăng về biên độ % đạt mức cao nhất trong khoảng 11 năm qua.

Trong 2 phiên cuối tuần (26-27/3), dù VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhưng diễn biến thị trường thấy rõ tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng cao độ, áp lực bán cổ phiếu để chuyển sang nắm giữ tiền mặt luôn ở mức cao khiến bảng điện tử luôn chìm trong sắc đỏ khi phần lớn các mã vẫn mất điểm.

Một trong những điểm tích cực của thị trường tuần qua là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. Sau chuỗi ngày dài bán ròng ồ ạt hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên, khối ngoại đã giảm mạnh và chuyển sang trạng thái mua ròng trong phiên cuối tuần 27/3.

Nhận định về thị trường trong những phiên gần đây, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, tranh thủ việc khối ngoại dừng đà bán ròng thì khối nội quay lại phản công mặc dù vẫn khá yếu. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn quay lại tăng trần với thanh khoản thấp, gây nên hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”.

Theo ông Khoa, thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục giảm mạnh theo biến động của chứng khoán thế giới, trong khi ở Việt Nam vốn có rủi ro T+3 hàng chưa kịp về tài khoản để hành động trước các diễn biến khó lường.

Mặt khác, tại thị trường quốc tế, “liều thuốc” kích thích bởi gói hỗ trợ kinh tế 2.200 tỷ USD đã không còn tác dụng trước mối lo ngại về đại dịch đang diễn biến phức tạp khi tại Mỹ, số ca nhiễm đã vượt 100.000, cùng với Thủ tướng Anh cũng đã dương tính khiến chứng khoán Ây, Mỹ giảm mạnh.

Với những phân tích và nhận định trên, cùng ảnh hưởng từ chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Việt đã bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 30/3 khá tiêu cực. Áp lực bán ồ ạt trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục trở lại trạng thái lao dốc mạnh. Chỉ số VN-Index bốc hơi khoảng 30 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Đà giảm tiếp tục nới rộng khi hàng loạt mã lớn bé đua nhau giảm sàn. Chỉ số VN-Index rung lắc và thử thách quanh vùng giá 660 điểm trong đợt khớp lệnh liên tục.

Sau khoảng  giờ giao dịch, toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều mất điểm, trong đó đã có 7 mã tạm đứng tại mức giá sàn.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi AMD và HAI vẫn trong trạng thái dư bán sàn chất đống, đều trên 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác trong họ FLC là FLC, ROS, KLF cũng đều giảm sàn và dư bán sàn.

Lực bán không có dấu hiệu suy giảm khiến thị trường duy trì đà giảm sâu trước áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 37 mã tăng và có tới 325 mã giảm (85 mã giảm sàn), VN-Index giảm 36,89 điểm (-5,3%), xuống 659,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 137,25 triệu đơn vị, giá trị 1.717,2 tỷ đồng, tăng 57,69% về khối lượng nhưng giảm 7,19% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,82 triệu đơn vị, giá trị 375,16 tỷ đồng.

Toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm Vn30 đều giảm sâu, trong đó có 7 mã nằm sàn là MWG, PNJ, ROS, VHM, VIC, VRE, VPB.

Ngoài VPB, các mã khác trong nhóm cổ phiếu ngân hàng là VCB, TCB, BID, CTG, MBB, STB, HDB cũng đều giảm trên dưới 6% và ngấp nghé mức giá sàn.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, hàng loạt mã quen thuộc như FLC, ITA, DLG, ASM, TSC, FIT, JVC… đồng loạt chốt phiên sáng tại mức giá sàn và hầu hết trong trạng thái dư bán sàn. Trong đó, DLG dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 9 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đáng kể HAI và AMD chỉ khớp vài chục đến hơn trăm nghìn đơn vị nhưng lượng dư bán sàn lần lượt 11,8 triệu đơn vị và hơn 13 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, các mã cũng la liệt giảm sàn khiến HNX-Index lao dốc mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 11 mã tăng và 72 mã giảm (47 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 4,53 điểm (-4,66%), xuống 92,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,11 triệu đơn vị, giá trị 203,75 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận có thêm 3,13 triệu đơn vị, giá trị 32,61 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 có 4 mã là HUT, KLF, SHS và VGS giảm sàn, tuy nhiên gánh nặng chính lên thị trường đến từ các mã lớn.

Cụ thể, ACB -7,6% xuống 18.200 đồng/CP, SHB -4,8% xuống 11.800 đồng/CP, DGC -4,3% xuống 20.100 đồng/CP, PVS -6,9% xuống 9.500 đồng/CP, PVI -2,2% xuống 27.100 đồng/CP, PVB -8,6% xuống 8.500 đồng/CP, VCS -2,1% xuống 51.400 đồng/CP…

Top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều giảm sâu hoặc nằm sàn. Trong đó ART giảm sàn và có khối lượng khớp lệnh hớn nhất, đạt 3,92 triệu đơn vị; tiếp theo là ACB khớp 3,29 triệu đơn vị; HUT khớp 2,86 triệu đơn vị, PVS khớp 2,49 triệu đơn vị…

Thị trường UPCoM cũng không ngoại trừ khi chứng kiến đà giảm sâu bởi áp lực bán mạnh trên diện rộng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,14 điểm (-2,34%), xuống 47,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,48 triệu đơn vị, giá trị 64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,61 triệu đơn vị, giá trị 74,89 tỷ đồng.

Cũng như sàn niêm yết, nhiều mã lớn đăng ký giao dịch trên UPCoM cũng giảm sâu như BSR -10,9% xuống 4.900 đồng/CP, VIB -8% xuống 12.700 đồng/CP, VGI -5,4% xuống 19.100 đồng/CP, VEA -7,2% xuống 28.500 đồng/CP, ACV -6,5% xuống 42.000 đồng/CP…

Trong đó, LPB dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM, với gần 1,6 triệu đơn vị được giao dịch thành công; tiếp theo đó là BSR và TOP lần lượt khớp 1,43 triệu đơn vị và 1,34 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan