Phiên sáng 29/8: Áp lực bán gia tăng, VN-Index điều chỉnh

Phiên sáng 29/8: Áp lực bán gia tăng, VN-Index điều chỉnh

(ĐTCK) Việc VN-Index tiến vào vùng 1.000 điểm khiến áp lực bán gia tăng, đẩy chỉ số này quay đầu điều chỉnh trong phiên sáng nay.

Trong phiên sáng hôm qua, mặc dù kết phiên vẫn tăng điểm, song phần lớn thời gian VN-Index giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Một trong những nguyên nhân là nhóm bluechips bị bán khá mạnh, nhưng VN-Index đã hồi phục về cuối phiên nhờ lực cầu tích cực của khối ngoại.

Trong phiên chiều, tuy giao dịch trong sắc xanh, nhưng VN-Index chủ yếu lình xình quanh 995 điểm do dòng tiền trở nên thận trọng hơn.

Có thời điểm, VN-Index đã lùi về mốc tham chiếu 992 điểm và sự tích cực từ khối ngoại một lần nữa đóng vai trò bệ đỡ đưa VN-Index trở lại 955 điểm.

Theo SHS nhận định thì ngưỡng tâm lý mạnh 1.000 điểm đang ở khá gần, nhưng đây cũng là nơi mà sự giằng co trong cung-cầu là mạnh mẽ nhất do sự thiếu nhất quán trong kỳ vọng của nhà đầu tư đối với thị trường trong ngắn hạn.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 29/8, áp lực bán xuất hiện ngay khi mở cửa đã khiến VN-Index lùi xuống dưới tham chiếu, và chỉ trong ít phút sau, lực bán bất ngờ dồn mạnh hơn, đẩy chỉ số tiếp tục thoái lui xuống dưới mốc 990 điểm, với sắc đỏ bao chùm phần lớn các bluechip, trong đó tác động lớn nhất là 3 ông lớn VIC, VHM và GAS.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số chỉ kịp lấy lại ngưỡng điểm 990 nhờ GAS và VHM hãm được đà giảm, trong khi MSN nới đà tăng đôi chút, còn lại diễn biến thị trường cũng không có nhiều biến chuyển đáng kể nào, khi sự phân hóa mạnh vẫn là chủ đạo.

Theo đó, một số bluechip và cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn hút dòng tiền là HPG, SBT, HDB, BID cùng DXG, SCR, HAG, OGC, HHS… trong khi bị bán từ sớm là CTG, MBB, HQC, VPB, GEX…

Khớp lệnh tốt nhất vẫn thuộc về FLC với hơn 5 triệu đơn vị; nhóm HAG, DXG, HPG có hơn 3 triệu đơn vị, trong đó HPG đang tiếp tục có thêm 1 phiên được khối ngoại mua bán sôi động từ khá sớm, hiện đã có hơn 750.000 cổ phiếu được sang tay.

Trong thời gian còn lại của phiên sáng, diễn biến thị trường không có nhiều điểm đáng kể, VN-Index vẫn rung lắc dưới tham chiếu, với thanh khoản tương đương so với phiên sáng hôm qua và phân hóa mạnh, nhưng dù sao chỉ số vẫn chưa đánh mất ngưỡng 990 điểm khi tạm nghỉ giờ trưa.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 109 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index giảm 3,87 điểm (-0,39%), xuống 991,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 99,48 triệu đơn vị, giá trị 2.093,02 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 5% về khối lượng nhưng giảm hơn 4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15 triệu đơn vị, giá trị 261,4 tỷ đồng.

Hầu hết các bluechip đều giảm, nhưng mức giảm cũng không sâu, mất điểm nhiều nhất cũng chỉ là ROS -2,7% xuống 41.850 đồng; CII -2,4% xuống 26.350 đồng; KDC -2% xuống 29.300 đồng, cùng 2 cổ phiếu lớn VHM -2,1% xuống 108.700 đồng và GAS -1,2% xuống 101.000 đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn còn lại chỉ mất điểm nhẹ như VIC -0,2%; VNM -0,75%; SAB -0,45%; VCB -0,75%; CTG -0,2%.

Ngược lại, tăng điểm lác đác chỉ có MSN, BID cùng HPG, HDB, TPB, PNJ, BVH…trong đó, HDB tăng tốt nhất khi +2,1% lên 36.800 đồng, khớp hơn 1,46 triệu đơn vị và cổ phiếu lớn MSN +1,9% lên 93.100 đồng, khớp gần nửa triệu đơn vị.

Còn lại 2 bluechip khác là HPG +0,1% lên 39.950 đồng, khớp lệnh khá tốt với gần 4,5 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại trao tay hơn 900.000 đơn vị; PNJ +1,2% lên 104.200 đồng, khớp hơn 277.000 đơn vị.

Sự thận trọng của dòng tiền khi đa phần chảy vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã kéo một số đi lên và tăng khá tốt cùng thanh khoản cao, đơn cử như OGC và TTF, khi cả 2 đều có thời điểm vọt lên mức giá trần.

Kết phiên, OGC +6,4% lên 2.650 đồng, TTF +6,3% lên 3.540 đồng, khớp lệnh OGC hơn 3,2 triệu đơn vị; TTF có hơn 2,77 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu quen thuộc khác như FLC, HAG, HQC, SCR, DXG, HHS, HNG, DIG, LDG, MCH…giữ được sắc xanh cho đến hết phiên với biên độ tăng nhẹ, và thanh khoản khớp lệnh từ hơn nửa triệu đến 4,6 triệu đơn vị, riêng FLC cao nhất sàn với hơn 6,5 triệu đơn vị, trừ DXG +3,8% lên 28.700 đồng và HHS +3,2% lên 4.230 đồng.

Trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khác bị sắc đỏ bao chùm như GEX, PVD, GTN, HBC, AAA, VND, PDR, FTM, KBC, DLG…khớp lệnh trên dưới 500.000 đến 1,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giữ được sắc xanh sau gần 1 giờ đồng hồ giao dịch cũng đã lao xuống dưới tham chiếu và may mắn hồi trở lại trong ít phút cuối phiên với sự hồi phục của ACB.

Theo đó, ACB +0,8% lên 39.200 đồng, khớp hơn 2,2 triệu đơn vị, và gần như là mã lớn duy nhất tăng.

Phần còn lại mất điểm như PVS -0,5% xuống 20.700 đồng; VCG -0,5% xuống 18.500 đồng; CEO -2,9% xuống 13.500 đồng; MBS -0,6% xuống 16.500 đồng; SHS -1,3% xuống 15.400 đồng; VCS -0,7% xuống 88.500 đồng; PVI -1,4% xuống 29.100 đồng, cùng hàng loạt mã đứng tham chiếu là SHB, KLF, VGC, L14…

Khớp lệnh cao nhất sàn là KLF với gần 3,5 triệu đơn vị; PVS và SHB có hơn 2 triệu đơn vị; VCG có hơn 1 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 33 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,11%), lên 112,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,59 triệu đơn vị, giá trị 281,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa, nhưng sau đó đã vọt lên và kết phiên trong sắc xanh nhờ 3 ông lớn dầu khí đồng thuận.

Theo đó, POW +5,3% lên 13.900 đồng; OIL +1,4% lên 14.500 đồng; BSR +1,2% lên 17.000 đồng. Ngoài ra còn phải kể đến MSR +3% lên 27.500 đồng.

Trong khi, HVN -0,5%; VGT -1%; VEA -1%; VIB -0,4%; QNS -0,5%; ACV -1,2%, cùng LPB, ART và DVN đứng tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,44%), lên 51,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,3 triệu đơn vị, giá trị 101,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị gần 18 tỷ đồng.

Tin bài liên quan