Phiên sáng 29/11: Tăng trong nghi ngờ

Phiên sáng 29/11: Tăng trong nghi ngờ

(ĐTCK) Sau khi bị đẩy về mốc 968 điểm, chỉ số VN-Index đã chậm rãi đi lên dưới sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip, tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn khá thấp.

Sau tuần lao dốc mạnh, thị trường đã có những phiên hồi nhẹ nhưng dường như đây chỉ là nhịp hồi kỹ thuật. Đà giảm khá sâu nhanh chóng quay lại trong phiên hôm qua (28/11) do nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục giao dịch thiếu tích cực, tạo sức ép lên thị trường, khiến chỉ số VN-Index có thời điểm thủng mốc 970 điểm.

Mặc dù may mắn giữ được mốc 970 điểm nhưng việc để thủng đáy gần nhất 971 và thiết lập đáy 2 tháng mới khiến công ty chứng khoán cho rằng tín hiệu xu hướng giảm ngắn hạn hiện hữu vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, việc khối lượng không gia tăng và vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy áp lực bán không còn mạnh.

Theo TVSI, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh, tuy nhiên xu hướng giảm điểm mạnh vẫn được đánh giá khó hình thành ở thời điểm hiện tại. Vùng giá 940-950 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh giúp nâng đỡ chỉ số nếu kịch bản trên xảy ra.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 29/11, dù tâm lý giao dịch thận trọng cao độ nhưng sự hồi phục của một số mã lớn đã giúp sức đưa thị trường trở lại với sắc xanh.

Tuy nhiên, sự thiếu đồng lòng của nhóm bluechip nói riêng và của thị trường nói chung, khiến đà tăng kém bền vững. Chỉ sau chưa đầy 30 phút giao dịch, áp lực bán gia tăng, đẩy nhiều mã lùi về dưới mốc tham chiếu và chỉ số VN-Index cũng để mất “áo xanh”.

Phần lớn cổ phiếu trong nhóm VN30 đều điều chỉnh nhưng với biên độ khá hẹp khiến thị trường không quá giảm sâu. Dù vậy, chỉ số VN-Index tiếp tục thủng mốc 970 điểm là điều hiển nhiên khi thị trường đảo chiều giảm.

Điều đáng chú ý là dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt. Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 40 triệu đơn vị, giá trị hơn 750 tỷ đồng. Trong đó, ROS có đóng góp lớn nhất với hơn 5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Tuy nhiên, về cuối phiên, lực cầu cải thiện đã tiếp sức giúp thị trường hồi phục thành công. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip có công khá lớn với nhiều mã đã lấy lại sắc xanh dù biên độ tăng vẫn còn hạn chế.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 161 mã tăng và 124 mã giảm, VN-Index tăng 2,14 điểm (+0,22%), lên 972,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,42 triệu đơn vị, giá trị 1.727,2 tỷ đồng, tăng 9,8% về khối lượng và tăng gần 3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua (28/11). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,44 triệu đơn vị, giá trị hơn 290 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 9 mã giảm và có tới 19 mã tăng, trong đó, nhiều mã lớn như VHM, VIC, VCB, TCB, BID, MSN, GAS đều tăng nhẹ trên dưới 0,5%, đáng kể VRE nổi bật hơn với +1,6% lên mức 34.050 đồng/CP, FPT +1,4% lên 56.800 đồng/CP.

Trái lại, các mã giảm như VNM, MWG, HPG, CTG, PLX cũng chỉ biến động nhẹ, hầu hết chưa tới 0,5%.

Cổ phiếu ROS vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 15,93 triệu đơn vị được khớp lệnh nhưng tiếp tục để mất -2%, tạm chốt tại mức giá 24.350 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thị trường, FLC hồi nhẹ khi +0,6% lên 4.730 đồng/CP và đã khớp lệnh gần 3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau ROS; HAI cũng khởi sắc +4,8% lên 2.410 đồng/CP và khớp 2,88 triệu đơn vị…

Trong khi đó, TSC chốt phiên tại mức giá sàn 7.320 đồng/CP với khối lượng khớp 39.020 đơn vị và dư bán sàn hơn 3,55 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch về cuối phiên khá giằng co nhưng chỉ số HNX-Index đã may mắn chốt phiên trong sắc xanh.

Cụ thể, với 41 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,23%), lên 102,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,62 triệu đơn vị, giá trị 102,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,77 triệu đơn vị, giá trị 28,87 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ có VCS -0,37% xuống 80.200 đồng/CP, PVI -0,32% xuống 31.500 đồng/CP; còn SHB, VCG, PHP, NVB đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, ACB +0,44% lên 23.000 đồng/CP, PVS +1,16% lên 17.500 đồng/CP, DGC +0,37% lên 27.100 đồng/CP.

Cổ phiếu SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 1,27 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là HBE khớp 1,18 triệu đơn vị, tuy nhiên đáng chú ý, sau phiên tăng trần hôm qua, cổ phiếu này đã bị bán mạnh và rơi xuống mức giá sàn khi chốt phiên sáng 29/11 tại mức 11.700 đồng/CP, giảm 10%.

Trên UPCoM, sau phút le lói xanh đầu phiên, thị trường đã quay đầu và giao dịch dưới mốc tham chiếu đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,34%), xuống 55,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 4,14 triệu đơn vị, giá trị 47,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,53 triệu đơn vị, giá trị 55,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục có phiên giao dịch không mấy tích cực khi để mất 1,1% xuống 9.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 387.500 đơn vị. Ngoài ra, một số mã lớn khác như ACV, GVR, OIL, VEA… cũng giao dịch trong sắc đỏ.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ KSH dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM với 729.200 đơn vị được giao dịch và chốt phiên đứng tại mức giá tham chiếu 400 đồng/CP.

Tin bài liên quan