Phiên sáng 28/6: Sắc đỏ áp đảo, VN-Index tiếp tục lùi bước

Phiên sáng 28/6: Sắc đỏ áp đảo, VN-Index tiếp tục lùi bước

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư thời gian gần đây rõ ràng là đang phân vân và chán nản rõ rệt, khi thiếu thông tin hỗ trợ và xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới là khó đoán định cũng tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán trong nước, khi những phiên tăng/giảm với mức điểm 10-15 điểm luôn diễn ra luân phiên.

Trong phiên sáng hôm qua, sau khi giảm xuống dưới 980 điểm, lực cầu bắt đáy tại một số bluechip đã giúp thị trường hồi phục, tạm nghỉ trưa gần như không đổi.

Trong phiên chiều, sau khi chớm sắc xanh, lực cung đã gia tăng mạnh không chỉ ở nhóm bluechip, mà cả lực chốt lời sớm ở các mã penny đã khiến thị trường quay đầu và lao mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

SHS nhận định, thị trường cơ sở giao dịch kịch bản khá nhàm chán, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tiếp tục suy giảm với chỉ hơn 2.100 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc dòng tiền chuyển hướng sang thị trường phái sinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đã khiến kỳ hạn gần nhất lập kỷ lục mới với hơn 120.000 hợp đồng khớp lệnh.

Nếu loại bỏ thỏa thuận lớn của YEG thì khối ngoại đã bán ròng khoảng 135 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Tất cả những điều trên cho thấy một thực tế là thị trường đang biến động tích lũy với thanh khoản cạn kiệt.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (28/6), diễn biến VN-Index có phần giống sáng hôm qua trong những phút đầu, khi rung lắc quanh tham chiếu 1 nhịp và sau đó bắt đầu chịu sức ép bán, và dần thoái lui.

Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn như CTB, VCB, CTG, BID, hay cả VPB tiếp tục đồng loạt thoái lui, thì bất ngờ VIC lại tăng vọt, chỉ sau hơn 30 phút giao dịch đã + hơn 4,3% trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:210, tuy nhiên đà tăng này của VIC không giữ được lâu, khi đi xuống chung theo thị trường.

Top 10 mã vốn hoá lớn nhất thị trường cũng đồng loạt mất điểm trừ phần nào đó là GAS, nhưng cũng chỉ tăng nhẹ trên 1%.

Còn nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa đã chính thức đỏ sàn, khi áp lực chốt lời đồng loạt diễn ra, 10 mã thanh khoản tốt nhất HOSE đều mất điểm, với những cái tên như FLC, DXG, HQC, MBB, HAG, ASM…sắc xanh chỉ còn hiện diện tại ITA, QBS, FTM, BCG và AAA.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, mặc dù chỉ số VN-Index đã dần đi lên sau khi thủng mốc 960 điểm, nhưng trên bảng điện tử, số mã giảm vẫn chiếm đa số với hơn 180 mã, trong khi chỉ hơn 50 mã tăng, còn nhóm bluechip VN30 cũng có tới 25 mã đang mất điểm.

Sau khi cố gắng trở lại vùng 965 điểm, VN-Index một lần nữa gặp áp lực bán gia tăng, và lùi dần mất ngưỡng 955 điểm, trước khi một lần nữa cố gắng trở lại, nhưng thời gian là không đủ, VN-Index tạm nghỉ giờ trưa tại 960 điểm với sắc đỏ áp đảo trên bảng điện tử và thanh khoản sụt giảm.

Cụ thể, chốt phiên sáng, sàn HOSE có 55 mã tăng và 198 mã giảm, VN-Index giảm 8,26 điểm (-0,85%), xuống 960,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 88,27 triệu đơn vị, giá trị 2.037,56 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 48% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 20,87 triệu đơn vị, giá trị 421,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tiếp tục nằm trong số những nhóm mất điểm mạnh, trừ EIB +0,3% lên 14.500 đồng, thì phần còn lại hầy hết mất hơn 2%.

Theo đó, VCB -0,3% xuống 57.800 đồng; TCB -2,8% xuống 91.000 đồng; CTG -0,8% xuống 24.800 đồng; BID -2,2% xuống 26.200 đồng; VPB -2,5% xuống 29.850 đồng; MBB -2% xuống 26.750 đồng; HDB -2,8% xuống 35.200 đồng; TPB -2,4% xuống 27.000 đồng.

Khớp lệnh nhóm này cao nhất là VPB với hơn 3 triệu đơn vị; MBB có 2,8 triệu đơn vị; CTG có 2,5 triệu đơn vị; BID có 2,1 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn ngoài đà giảm của 4 mã ngân hàng lớn thì còn có VHM -0,9% xuống 109.000 đồng; VNM -2,3% xuống 171.000 đồng; SAB -1,6% xuống 219.100 đồng; HPG -0,8% xuống 39.200 đồng.

2 điểm sáng và là trụ đỡ cho chỉ số không giảm quá sâu là GAS +1,5% lên 89.500 đồng, trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%.

Và đặc biệt là VIC, cũng trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu đã tăng tốt +4% lên 107.600 đồng, khớp lệnh hơn 750.000 đơn vị.

Nhóm bluechip VN30 ngoài GAS và VIC tăng thì chỉ còn duy nhất BMP +0,7% lên 60.000 đồng, còn lại cũng đều giảm. Trong đó, mất điểm lớn nhất là ROS khi -6,4% xuống 40.200 đồng; CII -4,4% xuống 25.100 đồng, tiếp theo là FPT -2,9% xuống 43.000 đồng; DHG -2,7% xuống 100.700 đồng; MSN -2,5% xuống 79.000 đồng; SSI -2,4% xuống 29.000 đồng…

Nhóm cổ phiếu thị trường, vốn hoá vừa thì sắc xanh vẫn chỉ còn hiện diện ở ITA, AAA, TLD, FTM, TNI, khớp lệnh từ 500.000 đến 2,2 triệu đơn vị.

Phần còn lại bị chốt lời sau vài phiên nhận được dòng tiền khá mạnh gần đây như FLC, HAG, DXG, HQC, ASM, HNG…khớp lệnh cao nhất nhóm này, đồng thời cũng lớn nhất HOSE là FLC với hơn 4,6 triệu đơn vị, chốt phiên sáng -2,1% xuống 5.210 đồng.

Tân binh YEG tiếp tục tăng trần +7% lên 343.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh tăng vọt so với 2 phiên trước đó với 75.200 đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ từ sớm và liên tục đi xuống, chốt phiên sáng nay mất hơn 1,5% với các mã lớn hầu như không có mã nào tăng để níu kéo.

Cụ thể, SHB -1,2% xuống 8.400 đồng; ACB -1,6% xuống 36.900 đồng; PVS -0,6% xuống 17.600 đồng; VGC -4,2% xuống 22.800 đồng; HUT -1,6% xuống 6.100 đồng. Đây cũng là 4 mã thanh khoản tốt nhất khi có từ hơn 1 triệu đến hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm còn lại như CEO, SHS, VCS, VCG, PVI cũng chìm trong sắc đỏ, khớp lệnh từ hơn 200.000 đến hơn 500.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HXN có 31 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 1,69 điểm (-1,54%), xuống 107,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 292,41 tỷ đồng,  tăng 8% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thoả thuận có thêm gần 7 triệu đơn vị, giá trị 261 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, tương tự phiên sáng hôm qua, khi chỉ số UpCoM-Index cũng mở cửa trong sắc xanh, nhưng sau đó cũng lùi dần và chốt ở mức điểm thấp nhất phiên.

Nhóm cổ phiếu tăng điểm chỉ duy nhất là ACV tăng đáng kể +0,2% lên 92.600 đồng, còn lại cũng đồng loạt giảm gồm OIL, BSR, LPB, POW, HVN, QNS, DVN, VIB….Khớp lệnh cao nhất sàn là OIL với hơn 1,36 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,63%), xuống 51,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh từ 4,98 triệu đơn vị, giá trị 65,75 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm gần 500.000 đơn vị, giá trị 6,74 tỷ đồng.

Tin bài liên quan