Phiên sáng 26/2: VN-Index hồi nhẹ, BGM tăng trần phiên thứ 11 liên tiếp

Phiên sáng 26/2: VN-Index hồi nhẹ, BGM tăng trần phiên thứ 11 liên tiếp

(ĐTCK) Thị trường đang giằng co khá mạnh quanh mốc tham chiếu khi 2 bên mua-bán có sự so kè. Tuy nhiên, bất chấp diễn biến của thị trường, BGM vẫn duy trì sắc tím phiên thứ 11 liên tiếp.

Sau phiên giảm điểm khá mạnh hôm qua (25/2), thị trường bất ngờ có được sắc xanh trong phiên ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (26/2). Giúp thị trường sớm tăng điểm có lẽ một phần đến từ những diễn biến tích cực trên thị trường tài chính thế giới khi các TTCK đồng loạt tăng điểm cũng như giá dầu vọt tăng trở lại 3% sau khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn dự kiến nhóm họp vào đầu tháng 3 tới.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,79 điểm (+0,5%) lên 565,61 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 3,52 triệu đơn vị, giá trị 32,73 tỷ đồng.

Phản ứng tích cực theo giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí lên trên TTCK Việt Nam như GAS, PVD, PVS, PVC, PVB… đồng loạt tăng điểm, trong đó GAS đang tăng 500 đồng, PVD tăng 400 đồng, PVC tăng 200 đồng…

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bệ đỡ chính giúp thị trường bay cao trong phiên giao dịch hôm qua 25/2, đang chịu sức ép bán ra nên đa phần giảm điểm trở lại. Các mã như VCB, STB, MBB, CTG giảm điểm nhẹ, ACB đứng giá tham chiếu. Ngược lại EIB, BID và SHB tăng nhẹ.

Sự yếu đà của nhóm ngân hàng phần nào kìm hãm đà tăng của thị trường, khi mà các nhóm cổ phiếu chủ chủ chốt khác như chứng khoán, bảo hiểm hay dầu khí tăng điểm.

Bên cạnh đó, sức cầu cũng đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều so với cùng thời điểm của phiên trước. Điều này thể hiện ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt thanh khoản là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hiện đang giao dịch rất chậm.

Toàn thị trường hiện chỉ có khoảng 5,6 mã là khớp được 1-2 triệu đơn vị là HQC, HNG, SBT, BHS, TSC, SCR…

Trong khi các con sóng ngành hay mã cổ phiếu khác chỉ kéo dài trong thời gian ngắn T+3, thậm chí là T+1, thì BGM lại duy trì sắc tím trong 11 phiên liên tiếp, bất chấp diễn biến chung của thị trường như thế nào.
Thông tin giúp cổ phiếu này tăng hơn 58,8% trong 11 phiên vừa qua với lượng dư mua trần lúc nào cũng trên 1 triệu đơn vị là nhờ kết quả kinh doanh 2015 khả quan.
Cụ thể, theo công bố của BGM, quý IV/2015, Công ty đạt doanh thu 49 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2,9 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 2,3 tỷ đồng, gấp 3,9 lần cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2015, doanh thu BGM đạt kỷ lục nhất kể từ năm 2008, tương ứng 116,86 tỷ đồng, gấp tới 11,86 lần so với năm trước (9,85 tỷ đồng). Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 8,84 tỷ đồng và hơn 7 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ hơn 77 triệu đồng và gần 56 triệu đồng.

Trở lại với diễn biến thị trường, dù sắc xanh chiếm thể áp đảo, nhưng đà tăng của các mã không quá lớn do áp lực bán ra luôn túc trực, trong khi bên mua đang tỏ ra thận trọng sau chuỗi tăng dài của thị trường, khiến VN-Index lình xinh quanh ngưỡng 565 điểm.

Kết thúc phiên sáng, với 107 mã tăng và 82 mã giảm, VN-Index tăng 0,9 điểm (+0,16%) lên 563,72 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 0,42 điểm (+0,07%) lên 573,44 điểm với 12 mã tăng và 11 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch đạt 58,22 triệu đơn vị, giá trị gần 1.107 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,7 triệu đơn vị, giá trị 242,52 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của hơn 5,54 triệu cổ phiếu KSB, giá trị gần 208 tỷ đồng.

Tương tự, với 87 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,38%) lên 78,81 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,45 điểm (+0,32%) lên 139,97 điểm với 12 mã tăng và 5 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch đạt 20,78 triệu đơn vị, giá trị 218,83 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn 4 tỷ đồng.

Sự thận trọng khiến hoạt động giao dịch trong nửa cuối phiên khá nhạt nhẽo. Ngoại trừ giao dịch đáng chú ý của nhóm cổ phiếu khoáng sản, với thỏa thuận mạnh của “ông lớn”  KSB như đã nêu ở trên, thị trường không còn điểm nhấn khác.

Ngay cả với cặp đôi HNG – HAG sau chuỗi phiên “làm mưa làm gió” cũng đã “lặng tiếng” trong phiên giao dịch sáng nay. Cả 2 mã này đều giảm điểm nhẹ, thanh khoản khá yếu, từ 1-2 triệu đơn vị.

Với KSB, kết quả kinh doanh khả quan là một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu này tăng điểm khá tốt trong thời gian gần đây. Vì vậy, SCIC đã tranh thủ đăng ký thoái toàn bộ hơn 11,71 triệu cổ phiếu KSB, tương đương hơn 50% tổng số cổ phiếu KSB đang lưu hành trong thời gian từ 23/2 đến 23/3 qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Nhiều khả năng, lượng cổ phiếu KSB thỏa thuận trong phiên sáng nay từ SCIC đã được sang tay chủ mới. KSB kết phiên sáng nay đang tăng mạnh 2.100 đồng lên 39.100 đồng/CP, có lúc đã chạm mức trần 39.500 đồng/CP, nhưng chỉ khớp lệnh hơn 290.000 đơn vị.

Với BGM, kết quả kinh doanh khả quan cũng là nguyên nhân chính giúp mã này có phiên tăng trần thứ 11 liên tục. Ngoài ra, một số mã khoáng sản nhỏ khác trên 2 sàn cũng có được sắc tím như LCM, BAM, KSK.

Đối với các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, giao dịch không có nhiều diễn biến đáng chú ý.

HQC dẫn đầu thanh khoản HOSE với chỉ hơn 3,2 triệu đơn vị được khớp, còn trên HNX là mã SCR với hơn 2 triệu đơn vị được sang tên. Kết phiên, cả 2 mã này cùng đứng giá tham chiếu.

Tin bài liên quan