Phiên sáng 26/10: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index chưa thể trở lại

Phiên sáng 26/10: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index chưa thể trở lại

(ĐTCK) Những tưởng với sự hứng khởi của chứng khoán Mỹ sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đảo chiều tăng điểm sau 6 phiên giảm liên tiếp, nhưng dòng tiền tham gia thiếu tự tin khiến sắc xanh chỉ tồn tại ít phút ngắn ngủi trong phiên giao dịch sáng nay (26/10).

Thị trường chứng khoán Việt đã đón nhận 6 phiên liên tiếp giảm điểm và trung bình mỗi phiên để mất khoảng 10 điểm. Tuy mức điều chỉnh không quá sâu, nhưng nhìn cụ thể từng phiên giao dịch, thị trường đã chứng kiến những màn lao dốc không phanh khi chịu tác động tiêu cực của thị trường thế giới.

Điển hình như phiên 23/10, lực bán tháo đồng loạt diễn ra khi bước vào phiên giao dịch chiều, khiến VN-Index có lúc mất 28 điểm, hay mới đây trong phiên hôm qua (25/10), thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi bước vào phiên giao dịch đã lấy đi hơn 37 điểm, đẩy VN-Index xuống ngưỡng 885 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc giúp các phiên đều hãm đà rơi mạnh.

Bên cạnh tâm lý bất an khiến nhà đầu tư trong nước bán ra mạnh, việc khối ngoại liên tục bán ròng trong những phiên gần đây với giá trị trên dưới 100 tỷ đồng và danh mục bán ra chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip cũng tác động tiêu cực tới thị trường.

Tuy nhiên, với điểm tích cực trong phiên hôm qua là việc thị trường rơi về đáy cũ đã kích hoạt được dòng tiền nhảy vào bắt đáy giúp chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm đáng kể. Một số công ty chứng khoán tin tưởng, thị trường có thể sẽ xuất hiện những nhịp hồi phục trong các phiên tới. Tuy nhiên, đây chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật trước khi VN-Index giảm điểm trở lại và quay về vùng đáy cũ quanh 885 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 26/10, tác động tích cực từ sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ, thị trường trong nước đã đồng loạt đi lên khi mở cửa. Số mã tăng điểm vượt trội với phần lớn các mã bluechip đã hồi phục, hỗ trợ tốt giúp VN-Index tiến sát ngưỡng 920 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, dòng tiền tham gia thiếu tự tin trước áp lực bán thường trực khiến thị trường tăng kém bền vững. Chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch, các chỉ số đều lùi về dưới tham chiếu khi lực bán gia tăng.

Tại thời điểm này, nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch thiếu tích cực và trở nên phân hóa. Trong đó, dòng bank đang gia tăng sức ép lên thị trường khi phần lớn đã chuyển sang sắc đỏ.

Mặc dù không lao mạnh như những phiên trước nhưng gánh nặng nhóm cổ phiếu bluechip càng gia tăng hơn về cuối phiên khiến thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đang đi ngược thị trường và giao dịch khá khởi sắc.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index giảm 4,25 điểm (-0,47%) xuống 905,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,31 triệu đơn vị, giá trị 1.617,95 tỷ đồng, giảm 26,52% về lượng và 31,37% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,92 triệu đơn vị, giá trị 176,38 tỷ đồng.

Tương tự, lực bán gia tăng về cuối phiên cũng khiến sàn HNX đổi sắc. Chốt phiên, sàn HNX có 39 mã tăng và 50 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,55%) xuống 102,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,18 triệu đơn vị, giá trị 216,18 tỷ đồng, giảm 44,74% về lượng và 47,62% về giá trị so với phiên sáng qua.

Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 36,63 tỷ đồng. Trong đó riêng NVB thỏa thuận 3,5 triệu đơn vị, giá trị 29,75 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 9 mã giữ được đà tăng, còn lại có tới 18 mã giảm. Trong đó, bên cạnh các mã ngân hàng như VCB, CTG, STB, VPB đều quay đầu đi xuống, các mã lớn khác như MSN, VJC, NVL, SAB cũng giảm trên dưới 1-2%.

Ngoại trừ “anh cả” VIC tăng nhẹ chỉ hơn 0,4%, còn 2 mã cùng họ Vingroup đều giảm. Trong đó, VRE giảm 0,3% xuống 35.500 đồng/CP, đáng kể VHM giảm 4,4% xuống 65.500 đồng/CP.

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đang giao dịch tích cực với GAS tăng 0,7% lên 102.500 đồng/CP, PLX tăng1,6 % lên 58.200 đồng/CP, PXS đảo chiều sau 4 phiên giảm sâu với mức tăng 6,8% lên mức giá trần 5.180 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý TTF chịu áp lực bán mạnh và lùi về mức giá sàn 4.750 đồng/CP, giảm 6,9% với khối lượng khớp chưa tới nửa triệu đơn vị và dư bán sàn 2,73 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CMX có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp cùng 2 phiên tăng khá mạnh trước đó đã kéo giá cổ phiếu vượt qua mệnh giá và chốt phiên tăng 7% lên 10.700 đồng/CP. Thông tin hỗ trợ tích cực là kết quả kinh doanh quý III/2018 khả quan với lợi nhuận ghi nhận hơn 41 tỷ đồng, gấp tới hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên sàn HNX, trong nhóm HNX30 cũng chỉ có 3 mã giữ được sắc xanh gồm BVS, DGC và SHS với mức tăng khá hạn chế chỉ 100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, VCG, VGC, NTP, PVC… đứng giá tham chiếu, các mã lớn khác đang giao dịch thiếu tích cực như ACB giảm 0,7% xuống 28.700 đồng/CP, PVI giảm 2,2% xuống 31.200 đồng/CP, PVS giảm 0,5% xuống 19.000 đồng/CP, SHB giảm 1,3% xuống 7.600 đồng/CP, VCS giảm 1,8% xuống 72.500 đồng/CP…

Cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch sôi động với STB dẫn đầu sàn HOSE khi khớp 3,38 triệu đơn vị, còn trên sàn HNX là SHB khớp lệnh 3,75 triệu đơn vị. Các mã ngân hàng khác như MBB, VPB, BID, ACB cũng có lượng khớp 1-2 triệu đơn vị.

Cũng giống 2 sàn niêm yết, giao dịch trên UPCoM khá giằng co và chốt phiên trong sắc đỏ do áp lực bán gia tăng về cuối phiên.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,16%) xuống 51,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 79,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 455.067 đơn vị, giá trị 15,95 tỷ đồng.

Các cổ phiếu dầu khí cũng là điểm sáng trên sàn UPCoM khi hầu hết đều tăng khá tốt. Cụ thể, BSR tăng 1,3% lên 15.800 đồng/CP, OIL tăng 4,4% lên 14.300 đồng/CP, POW tăng 2,2% lên 13.700 đồng/CP.

Thanh khoản trên sàn UPCoM cũng giảm mạnh, không có mã nào có khối lượng giao dịch đến 1 triệu đơn vị. Dẫn đầu thanh khoản là LPB khi chuyển nhượng thành công 873.700 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 9.200 đồng/CP, tăng 1,1%.

Tin bài liên quan