Phiên sáng 25/3: Thị trường lao dốc, cổ phiếu của bầu Đức vẫn nổi sóng

Phiên sáng 25/3: Thị trường lao dốc, cổ phiếu của bầu Đức vẫn nổi sóng

(ĐTCK) Trong khi cả 2 chỉ số chính lao dốc do chịu tác động từ thị trường thế giới, thì 2 cổ phiếu của bầu Đức là HAG và HNG lại lội ngược dòng ngoạn mục trong phiên giao dịch sáng nay (25/3).

Đúng như lo ngại của giới phân tích và một số công ty chứng khoán, phiên lao dốc cuối tuần trước của chứng khoán Âu, Mỹ đã tác động tiêu cực tới chứng khoán châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới này.

Theo đó, trong phiên cuối tuần trước, những dữ liệu kinh tế yếu kém từ Nhật Bản, tới châu Âu, rồi đến Mỹ khiến đường cong lãi suất Mỹ đảo ngược khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng cao hơn kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2007 năm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Đây là dấu hiệu cảnh báo tiềm năng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lo ngại này đã khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ bán tháo trong phiên cuối tuần trước và được dự báo sẽ tác động xấu tới chứng khoán châu Á khi mở cửa phiên đầu tuần mới.

Đúng như dự báo, ngay khi mở cửa phiên đầu tuần mới, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã lao dốc giảm hơn 661 điểm, đương đương giảm hơn 3%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng mất gần 470 điểm, tương đương 1,6%, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất gần 1,5% trước khi hồi dần trở lại sau đó, chỉ số Kospi cũng mất hơn 1,5%.

Không nằm ngoài xu hướng chung, chứng khoán Việt Nam cũng chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay với chỉ số VN-Index mất tới hơn 21 điểm với số mã giảm gấp 5 lần số mã tăng. Trong rổ VN30, tất cả đều giảm giá.

Sau khi bị đẩy sát xuống ngưỡng 966 điểm, VN-Index đã hãm đà rơi nhờ lực cầu bắt đáy túc tắc giúp đà giảm của một số mã lớn được hãm lại.

Chốt phiên, VN-Index giảm 18,19 điểm (-1,84%), xuống 970,52 điểm với 68 mã tăng, trong khi có tới 235 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 139 triệu đơn vị, giá trị 2.661,25 tỷ đồng, tăng 30,5% về khối lượng và 13,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47 triệu đơn vị, giá trị 844 tỷ đồng.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất đều chìm trong sắc đỏ với VIC giảm 1,6% xuống 116.700 đồng, VHM giảm 2,63% xuống 88.700 đồng, VCB giảm 1,64% xuống 65.800 đồng, VNM giảm 1,1% xuống 135.000 đồng, GAS giảm tới 3,9% xuống 96.000 đồng, BID giảm 1,85% xuống 34.450 đồng, MSN giảm 1,89% xuống 82.900 đồng, TCB giảm 1,53% xuống 25.700 đồng, CTG giảm 2,22% xuống 22.000 đồng, giảm nhẹ nhất trong nhóm là SAB khi chỉ mất 0,48% xuống 249.800 đồng.

Trong nhóm này, CTG, TCB và BID là 3 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó CTG lớn nhất với 2,99 triệu đơn vị.

Ngoài 10 mã lớn trên, hàng loạt mã bluechip khác cũng giảm giá trong phiên sáng nay, trong đó có những mã giảm mạnh như VRE giảm 5,43% xuống 33.100 đồng, VPB giảm 3,81% xuống 20.200 đồng, POW giảm 2,58% xuống 15.100 đồng, MBB giảm 2,18% xuống 22.400 đồng.  Trong đó, MBB là mã có thanh khoản tốt nhất khi khớp 3,7 triệu đơn vị.

Trong khi sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, thì cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức là HNG và HAG lại bất ngờ nổi sóng, đi ngược lại xu hướng thị trường khi đồng loạt tăng trần lên mức trần.

Cụ thể, HAG tăng trần lên 5.610 đồng với 3,5 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị. HNG tăng trần lên 16.050 đồng với 5,66 triệu đơn vị được khớp và cũng dư mua gí trần.

Cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức lội ngược dòng ấn tượng hôm nay xuất phát từ thông tin Thaco và Hoàng Anh Gia Lai ký kết thêm phần phụ lục hợp đồng của thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong ngày Chủ nhật (24/3) tại lễ khởi công Khu công nghiệp nông - lâm nghiệp ở Quảng Nam.

Trước đó, đầu tháng 8/2018, Thaco đã ký hợp tác chiến lược với HAG và HNG và sở hữu 35% cổ phần của HNG.

Trong hơn 7 tháng qua, Thaco đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp HNG tải cơ cấu nợ và chuyến đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải phảp cơ giới hóa đồng bộ để phù hợp với thực tiễn.

Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khấu cảc sản phẩm chế biến từ trái cây của nhà máy tại khu công nghiệp nông lâm nghiệp, Thaco sẽ xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn một năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn một từ tháng 6/2020 với công suất 200.000 tấn một năm.

Cũng có sắc tím hôm nay là TGG lên 2.970 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp. YEG cũng có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên 117.000 đồng với 279.850 đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, dù có thanh khoản tốt nhất sàn với 6 triệu đơn vị được khớp, nhưng FLC đóng cửa giảm 1,54% xuống 5.120 đồng. Trong khi ITA lại có sắc xanh khi tăng 0,63% lên 3.220 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, HNX-Index cũng lao dốc ngay khi mở cửa phiên, nhưng cũng kịp hãm đà rơi khi xuống ngưỡng 106,22 điểm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,57 điểm (-1,45%), xuống 106,52 điểm với 32 mã tăng, trong khi có tới 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,2 triệu đơn vị, giá trị 331 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,1 triệu đơn vị, giá trị 90 tỷ đồng.

Cũng giống trên HOSE, các mã lớn trên HNX đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, ACB giảm 1,31% xuống 30.100 đồng, VCG giảm 1,41% xuống 27.900 đồng, PVS giảm 3,81% xuống 20.200 đồng, VGC giảm 2,8% xuống 20.800 đồng, SHB giảm 2,6% xuống 7.500 đồng…, ngoại trừ VCS bất ngờ lột ngược dòng khi tăng 1,42% lên 64.500 đồng. Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 6,4 triệu đơn vị được khớp.

Các mã nhỏ có sự phân hóa rõ nét khi VCR, NSH, LIG, PVV, SDD, HKB có sắc tím, trong khi KSQ, SPI, DST, KLF đóng cửa ở mức sàn.

Thị trường UPCoM cũng diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi giảm khá mạnh trong phiên sáng nay. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,73%), xuống 56,81 điểm với 61 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,65 triệu đơn vị, giá trị 216 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 36,87 tỷ đồng.

Trên thị trường này, chỉ có BSR và C4G là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa lại trái chiều nhau về mức giá. Trong khi C4G tăng 3,92%, lên 10.600 đồng, thì BSR lại giảm 2,27% xuống 12.900 đồng.

Tin bài liên quan