Phiên sáng 25/12: Nhà đầu tư ồ ạt xả hàng, VN-Index mất hơn 22 điểm

Phiên sáng 25/12: Nhà đầu tư ồ ạt xả hàng, VN-Index mất hơn 22 điểm

(ĐTCK) Ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch hôm nay (25/12) cũng lao mạnh ngay từ đầu phiên.

Trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giới đầu tư trên thị trường phố Wall đã đồng loạt bán tháo trước nhiều mỗi lo ập đến. Đầu tiên là việc Chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài, tiếp đến là việc có thông tin ông Trump muốn sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell, rồi trong ngày Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tổ chức cuộc họp với 6 ông chủ của 6 nhà băng lớn. Tuy ông Mnuchin nói rằng, thanh khoản của các ngân hàng vẫn đảm bảo để tiếp tục cho vay và rằng, thị trường vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, giới đầu tư lại không cho như vậy khi họ nghi ngờ “phải có việc gì đó đang diễn ra mà mình không biết”, vì vậy lệnh bán tháo đã diễn ra trên diện rộng.

Đà bán tháo trên phố Wall đã lây lan mạnh ra chứng khoán châu Á khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc không phanh khi chỉ số Nikkei 225 mất tới hơn 1.000 điểm (tương đương giảm hơn 5%), Hang Seng tại thị trường Hồng Kông cũng mất hơn 200 điểm trước khi hồi trở lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất hơn 2%...

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, lệnh bán đã ồ ạt được tung vào thị trường, đẩy hàng trăm mã giảm giá, kéo VN-Index mất 18 điểm, lùi sâu về sát ngưỡng 890 điểm trước khi trở lại.

HNX-Index cũng mất gần 2% ngay khi mở cửa trước khi hồi lại nhờ nhà đầu tư bắt đầu trẫn tĩnh, lực cầu bắt đáy cũng đang nhập cuộc khá tốt.

Sau khi hồi nhẹ được 1 bước, cả 2 chỉ số này lại bị đẩy lùi thêm 2 bước, với VN-Index xuống sát ngưỡng 880 điểm, còn HNX-Index cũng lùi xuống ngưỡng 100,8 điểm. Về cuối phiên, nhờ lực cầu bắt đáy, nên đà lao dốc được hãm lại đôi chút. Nhờ lực cầu bắt đáy này, nên thanh khoản thị trường hôm nay Trên 2 bảng điện tử, sắc đỏ tràn ngập, trong khi số mã tăng giá chỉ khoảng 50 mã.

Cụ thể, chốt phiên sáng, sàn HOSE có 34 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index giảm 22,28 điểm (-2,45%), xuống 886,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 148,5 triệu đơn vị, giá trị 3.157,41 tỷ đồng, gấp khoảng 2 lần cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 41,5 triệu đơn vị, giá trị 1.260 tỷ đồng, trong đó đáng kể là 19 triệu cổ phiếu ROS, giá trị 739,1 tỷ đồng.

ROS cũng là mã duy nhất trong rổ VN30 tăng điểm đi ngược thị trường, chốt phiên cổ phiếu này +2,3% lên 42.650 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 2,39 triệu đơn vị.

Còn lại, ngoại trừ NVL đứng giá tham chiếu thì các cổ phiếu vốn hóa lớn, các bluechip khác đều giảm, trong đó nhiều mã lao dốc mạnh như GAS -5,3% xuống 84.300 đồng và nhóm ngân hàng CTG -4,9% xuống 19.350 đồng; BID -4,7% xuống 32.400 đồng; MBB -4,2% xuống 19.600 đồng; TPB -4,7% xuống 19.100 đồng; VPB -3,2% xuống 19.700 đồng; HDB -3,5% xuống 28.000 đồng; VCB -3% xuống 51.300 đồng; STB -2,1% xuống 11.900 đồng…

Mất từ 2% đến hơn 3% khá nhiều, như DHG -3,2%; PLX -3%; VHM -2,4%; VJC -2,3%; HPG -3,3%; MWG -2%; SSI -3,3%; BHN -2,9%; BVH -2,2%...

May mắn không giảm quá sâu là VIC -0,8% xuống 101.200 đồng; MSN -0,8% xuống 78.400 đồng; VRE -1% xuống 29.350 đồng. EIB đi ngược tương tự ROS, khi +0,7% lên 13.950 đồng.

Khớp lệnh cao nhất nhóm đồng thời cũng cao nhất HOSE là MBB với hơn 6,8 triệu đơn vị; STB có 4,89 triệu đơn vị; CTG có 3,4 triệu đơn vị; HPG có 3 triệu đơn vị; VCB, VPB, SSI, HSG có từ 1,36 đến 2,57 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường, vốn hóa vừa và nhỏ le lói tại HNG, FTM, SHI, khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị.

Phần còn lại cũng đều mất điểm, trong đó nhiều mã giảm sàn và giảm sâu như ASM, IDI, TCH, APG, ATG, KRM, PVD, ITA, FLC, DAH…với ITA khớp lệnh đứng đầu với gần 6 triệu đơn vị; FLC có 4,87 triệu đơn vị; PVD có 3,57 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đón nhận ảnh hưởng tiêu cực chung khi gần như toàn bộ các cổ phiếu lớn đều bị bán mạnh và giảm giảm sâu.

Trong đó, ACB -1,7% xuống 28.500 đồng; SHB -1,4% xuống 7.200 đồng; VCG -7,9% xuống 24.500 đồng; VGC -2,7% xuống 18.000 đồng; CEO -5,9% xuống 12.800 đồng; HUT -2,4% xuống 4.000 đồng; PVS -4,6% xuống 16.700 đồng; PVB -5,5% xuống 15.400 đồng; MBS -5,6% xuống 13.400 đồng; SHS -4,5% xuống 12.600 đồng; VCS -2,9% xuống 73.700 đồng…

Đi ngược thị trường chỉ còn NVB +1,2% lên 8.400 đồng; PGS +1,7% lên 30.500 đồng, cùng nhóm cổ phiếu nhỏ tăng trần ACM, SPI, S99, PVL.

Khớp lệnh cao nhất sàn là PVS với hơn 4,1 triệu đơn vị; ACB có 2,8 triệu đơn vị; SHB có 2,78 triệu đơn vị; ART có 2,63 triệu đơn vị, VGC có 2,2 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 17 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 1,99 điểm (-1,92%), xuống 101,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,28 triệu đơn vị, giá trị 359,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,76 triệu đơn vị, giá trị 76,8 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm sâu với tất cả các mã lớn đa số chìm trong sắc đỏ, như BRS, POW, OIL, HVN, QNS, LPB, VIB, LPB, MPC, DVN, VGI, VGT…

Thậm chí 20 mã thanh khoản tốt nhất cũng không có mã nào tăng, chỉ còn 3 cổ phiếu đứng tham chiếu là MIG, TOP và PFL.

Le lói vài sắc xanh bên dưới là KOS +0,4% lên 23.900 đồng; VCP +0,3% lên 35.000 đồng; HC3 +2,5% lên 25.000 đồng…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,15 điểm (-2,19%), xuống 51,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 136,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 210.000 đơn vị, giá trị 4,12 tỷ đồng.

Tin bài liên quan