Phiên sáng 25/1: Đìu hiu

Phiên sáng 25/1: Đìu hiu

(ĐTCK) Diễn biến giao dịch đìu hiu tiếp diễn trong phiên sáng nay (25/1) khiến VN-Index chưa thể chinh phục thành công lại mốc 910 điểm.

Những báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dần hé mở với bức tranh khá tươi sáng, tuy nhiên tâm lý nghỉ Tết sớm của nhà đầu tư như các năm trước đó lại xuất hiện khiến thị trường gần đây giao dịch đìu hiu.

Theo đánh giá của giới phân tích, thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu đã có thể mua khi xét định giá P/E 2018 và càng rẻ hơn khi định giá P/E theo kế hoạch 2019. Tuy nhiên, dòng tiền lớn có lẽ đã nghỉ ngơi du xuân và phòng tránh biến động từ thế giới trong kỳ nghỉ lễ nên sẽ không sớm quay lại.

Diễn biến trong những phiên vừa qua cho thấy, dù thanh khoản khá thấp nhưng sự hỗ trợ khá tích cực của nhóm cổ phiếu vua cùng một số mã lớn đã giúp VN-Index nhích từng bước nhẹ.

Đà tăng điểm nhẹ vẫn được duy trì khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/1 dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip. Trong đó, hầu hết các mã trong nhóm VN30 đều tăng nhẹ đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 910 điểm.

Đà tăng kém bền vững khi các trụ đỡ này dần yếu đi do áp lực bán gia tăng. Sau hơn 1 giờ giằng co níu giữ mốc 910 điểm, chỉ số VN-Index đã bị đẩy về dưới mốc tham chiếu và biến động lên xuống, liên tục đổi sắc.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm của thị trường khi được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài gom mạnh. Hiện STB đang là mã dẫn đầu thanh khoản với gần 2,2 triệu đơn vị và cũng là mã được khối ngoại gom mạnh nhất hơn 1,1 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là CTG có lượng khớp gần 2 triệu đơn vị và khối ngoại cũng mua ròng mạnh thứ 2 với khối lượng 300.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 119 mã tăng và 136 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,02%) xuống 908,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.319 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% về lượng và 5,98% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 14,11 triệu đơn vị, giá trị 360,52 tỷ đồng, trong đó NLG thỏa thuận 3,8 triệu đơn vị, giá trị 96,9 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá phân hóa, trong khi VCB tăng 0,7% lên 55.800 đồng/CP, TCB tăng 0,8% lên 26.850 đồng/CP, STB tăng 1,2% lên 12.350 đồng/CP, trong khi CTG, MBB, VPB đang giảm nhẹ, BID trở lại mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường. Trong đó, cổ phiếu có mức tăng tốt nhất ngành là STB vẫn nhận được sự quan tâm lớn khi dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE, đtạ hơn 3 triệu đơn vị và cũng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gần 1,7 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giữ được sắc xanh dù đà tăng khá khiêm tốn như VNM, VIC, MSN, PLX…, đáng kể VJC sau công bố kết quả kinh doanh khả quan, tiếp tục khởi sắc khi tăng 1,8% và tạm chốt phiên tại mức giá 120.100 đồng/CP.

Trái lại, VHM tiếp tục đóng vai trò là lực cản khi giảm 1,5% xuống 77.600 đồng/CP, ngoài ra GAS, SAB, MWG, HPG, NVL… cũng đều giảm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ASM khởi sắc với mức tăng 1,6% lên 8.130 đồng/CP và thanh khoản đứng thứ 3 với khối lượng khớp lệnh 1,88 triệu đơn vị. Trong khi đó, AMD, DLG, SCR, DXG… giảm nhẹ.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng khá rung lắc, tuy nhiên thị trường đã may mắn hồi phục về cuối phiên nhờ sự khởi sắc ở một số mã buechip.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,12%) lên 102,91 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,72 triệu đơn vị, giá trị 117,34 tỷ đồng, giảm 33% về lượng và 47,93% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.

Các mã trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX hỗ trợ cho sự hồi phục của thị trường như ACB tăng 0,3% lên 29.300 đồng/CP, NTP tăng 2,4% lên 42.000 đồng/CP, PVI tăng 0,3% lên 32.900 đồng/CP, PVS tăng 0,5% lên 18.300 đồng/CP, VCG tăng 1,2% lên 24.400 đồng/CP, DGC tăng 2,2% lên 42.500 đồng/CP.

Trong khi đó, SHB và PHP đứng giá tham chiếu, VCS giảm 0,5% xuống 62.700 đồng/CP và VGC giảm 0,5% xuống 19.200 đồng/CP.

Trên sàn HNX chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị gồm ART khớp 1,86 triệu đơn vị, VCG khớp 1,54 triệu đơn vị, SHB khớp 1,27 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giao dịch cũng giằng co quanh mốc tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%) xuống 53,73 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,69 triệu đơn vị, giá trị 45,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 69 tỷ đồng, trong đó BAB thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 20,5 tỷ đồng; VIB thỏa thuận 2,33 triệu đơn vị, giá trị 35,72 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB giao dịch sôi động nhất với khối lượng giao dịch đạt 608.200 đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 8.600 đồng/CP.

Trong khi đó, BSR vẫn giữ được sắc xanh dù đà tăng đã hạ nhiệt với mức tăng 0,8% lên 12.200 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 302.600 đơn vị.

Tin bài liên quan