Phiên sáng 24/7: Dòng bank bị chốt lời

Phiên sáng 24/7: Dòng bank bị chốt lời

(ĐTCK) Sau khi hụt mốc 990 điểm trong phiên chiều qua (23/7) do áp lực chốt lời ngắn hạn, VN-Index đã lấy lại được mốc này, tiến lên ngưỡng 995 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời diễn ra mạnh ở nhóm ngân hàng khiến VN-Index bị đẩy ngược trở lại, đóng cửa dưới tham chiếu.

Trong phiên giao dịch hôm qua, với sự hỗ trợ của nhóm bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu “họ nhà Vin”, VN-Index đã tăng mạnh vượt qua ngưỡng 990 điểm khi chốt đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán chốt lời khiến VN-Index không thể giữ được mốc điểm tâm lý này.

Trong phiên giao dịch sáng nay, cùng với sự hứng khởi của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sắc xanh ngay khi mở cửa và VN-Index dễ dàng vượt qua ngưỡng 990 điểm, tiến lên chinh phục mốc 995 điểm.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời tại vùng điểm này khá lớn, nhất là tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại.

Trong nhóm ngân hàng, dù nhận thông tin tích cực từ thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại với giá tương đương 33.640 đồng/cổ phiếu, nhưng BID tiếp tục giảm giá. Trong khi đó, VCB sau chuỗi tăng giá ấn tượng đang chịu áp lực chốt lời và quay đầu điều chỉnh, gây áp lực cho thị trường.

Một mã ngân hàng lớn khác trong nhóm là CTG cũng đang giảm giá. Ngoài ra, VPB, HDB, EIB, STB cũng đang chìm trong sắc đỏ, chỉ có TCB và MBB le lói sắc xanh.

Trong khi đó, màu xanh của VN-Index còn duy trì được là nhờ sự hỗ trợ của VIC và một số mã lớn khác như VHM, VNM, GAS, SAB…

Trước áp lực chốt lời mạnh khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh đến khi chốt phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,05 điểm (-0,11%) xuống 988,41 điểm với 102 mã tăng và 180 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt 91,2 triệu đơn vị, giá trị 2.092 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 17 triệu đơn vị, giá trị 445,5 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã lớn, may mắn còn VIC, MSN và SAB tăng giá, trong đó VIC duy trì đà tăng tốt 1,67% lên 121.800 đồng, MSN tăng 1,01% lên 80.400 đồng và SAB tăng nhẹ 0,29% lên 278.100 đồng. Sắc xanh của VHM không giữ được khi lùi về mức tham chiếu 85.800 đồng.

Trong khi đó, áp lực chốt lời khiến VCB bị đẩy lùi về mức 77.200 đồng, giảm 2,15%, BID thậm chí còn giảm mạnh hơn 2,13% xuống 34.500 đồng. CTG cũng giảm 1,39% xuống 21.350 đồng. Ngoài ra, sắc đỏ cũng xuất hiện tại VNM, GAS, VRE dù mức giảm khiêm tốn.

Trong Top 30 mã vốn hóa, ngoài PLX tăng tốt 2,49% lên 65.800 đồng, BHN tăng 1,18% lên 94.000 đồng, ROS lại giảm mạnh 3,75% xuống 26.950 đồng, còn lại biến động trong biên độ hẹp.

Có thanh khoản tốt nhất trong nhóm này là STB với 2,98 triệu đơn vị, MBB với 2,97 triệu đơn vị, tiếp đến là CTG 2,87 triệu đơn vị, ROS và HPG trên 2,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, 3 mã nhỏ DLG, ASM và ITA là các mã có thanh khoản tốt nhất với trên 3 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức giá khác nhau. DLG ở mức tham chiếu 1.450 đồng, ASM giảm nhẹ xuống 6.960 đồng, còn ITA tăng nhẹ lên 3.070 đồng.

Tương tự, HNX sau khi tăng tốt đầu phiên đã nhanh chóng bị đẩy thẳng xuống dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,56%), xuống 106,12 điểm với 48 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,87 triệu đơn vị, giá trị 279 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,27 triệu đơn vị, giá trị 21,4 tỷ đồng.

Trên sàn này, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất và vượt trôi so với phần còn lại, đạt 6,2 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa ở tham chiếu 6.800 đồng.

Cũng đóng cửa ở tham chiếu và có thanh khoản tốt là PVX với 2,51 triệu đơn vi, đóng cửa ở mức 1.200 đồng.

Trong khi đó, ACB là tác nhân gây ảnh hưởng nhất tới đà giảm của HNX-Index khi đóng cửa giảm 0,97% xuống 30.500 đồng với 1,92 triệu đơn vị được khớp.

Ngoài ra, còn có VCG giảm 0,38% xuống 26.300 đồng, DGC giảm 2,74% xuống 31.900 đồng.

Trong khi đó, UPCoM lại duy trì đà tăng tốt trong suốt phiên giao dịch sáng. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (+1,02%), lên 59,06 điểm với 69 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,65 triệu đơn vị, giá trị 301 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,88 triệu đơn vị, giá trị 122 tỷ đồng.

Trên sàn này, GVR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,2% lên 14.900 đồng. Tiếp đến là BSR với 1,5 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3,57% xuống 10.800 đồng.

Trên thị trường phái sinh, chỉ có hợp đồng VN30F2003 tăng giá, còn lại đều giảm.

Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã tăng, 10 mã giảm, nhưng mức biến động giá không lớn với thanh khoản lớn nhất thuộc về CVVNM1901 với 216.720 đơn vị.

Tin bài liên quan