Phiên sáng 23/1: HOSE sập sàn, tiền chảy mạnh sang HNX

Phiên sáng 23/1: HOSE sập sàn, tiền chảy mạnh sang HNX

(ĐTCK) Sự cố kỹ thuật trong đợt khớp lệnh ATC chiều qua (22/1) khiến sàn HOSE phải ngừng giao dịch trong phiên hôm nay (23/1) và dòng tiền đã hướng sang HNX, giúp sàn này bùng nổ cả điểm số và thanh khoản trong phiên sáng nay.

Trong phiên hôm qua, VN-Index bứt tốc mạnh với mức tăng hơn 25 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC. Với những con sóng lớn tại nhóm dầu khí, VJC và nhiều mã lớn khác, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số này sẽ bứt qua ngưỡng 1.090 điểm khi chốt phiên.

Tuy nhiên, tại phiên ATC, hệ thống giao dịch của HOSE bất ngờ gặp sự cố, các lệnh mua bán tại HOSE được gửi đi nhưng không có dữ liệu gửi về hiện thị trạng thái lệnh. 

Tình trạng này diễn ra cho đến hết giờ giao dịch ngày 22/1 và dữ liệu kết quả giao dịch không được trả về cho các công ty chứng khoán.

Đến cuối giờ chiều, HOSE thông báo, giá đóng cửa của chỉ số VN-Index ngày 22/01/2018 sẽ là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày. (Tại thời điểm 14 giờ 29 phút và 28s, trước khi bước vào phiên ATC ít giây, VN-Index đứng ở mức 1.087,89 điểm).

Sáng sớm hôm nay, HOSE đã thông báo ngừng giao dịch phiên 23/1 do chưa thể khắc phục xong lỗi.

Ngay sau sự cố lớn này, trên các diễn đàn, nhà đầu tư đã có nhiều ý kiến. 

Một số những ý kiến lạc quan cho rằng, không cần quá lo lắng khi thị trường vẫn đang tăng tốt cùng thanh khoản cao. Thậm chí, một số cho rằng, phiên nghỉ này có thể mang đến sự tích cực nhất định, khi tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư sẽ bình tĩnh trở lại, trong bối cảnh thị trường đang tăng nóng gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều câu hỏi đặt ra về hậu quả của đợt lỗi này như tiền phí margin, lưu ký, thanh toán bù trừ sẽ được khắc phục ra sao ? T+ liệu có về đúng ngày ??

Trước sự cố phải ngừng giao dịch ngày hôm nay, nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng đề nghị HOSE xin lỗi vì Sở giao dịch là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, có thu phí. Việc chỉ giải thích mà không xin lỗi là chưa đúng với văn hóa phục vụ.

Một số còn đưa ra "thuyết âm mưu", rằng đây là lỗi có chủ ý để hướng dòng tiền đang quá nóng trên HOSE, sang HNX và UPCoM!? 

Dù đó chỉ là dự đoán thiếu căn cứ và chỉ mang tính suy đoán cá nhân, nhưng rõ ràng, với việc sàn HOSE ngừng giao dịch, dòng tiền đã chảy mạnh sang HNX và UPCoM trong phiên sáng nay, giúp giao dịch trên 2 sàn này sôi động ngay từ đầu.

Chỉ sau hơn một giờ mở cửa, giá trị giao dịch của HNX đã vượt qua phiên sáng hôm qua, chỉ số HNX-Index theo đó tăng gần 2,5%.

Dòng tiền chảy khá tốt vào nhóm HNX30 với tâm điểm quen thuộc vẫn là SHB, KLF, ACB,VCG, VGC, HUT..

Đáng lưu ý, nhóm cổ phiếu dầu khí đang có diễn biến khá tích cực khi đều được phủ màu xanh như PVS, PGS, PVC, thậm chí PGS mở cửa trong sắc đỏ đã nhanh chóng được kéo lên kịch trần.

Trên toàn sàn HNX, cổ phiếu dòng P tăng điểm còn có SDP, PVB, PEN, PVB, PVG và PXA (tăng trần), duy chỉ có PVX giảm điểm...

Dòng tiền chảy mạnh, nhất là nhóm HNX30, khi nhóm này chiếm tới 85% về giá trị giao dịch và 68% về khối lượng trên toàn sàn HNX khi kết thúc phiên sáng nay.

Nhóm HNX30 có 18 mã tăng và chỉ 5 mã giảm, trong đó 15 mã thanh khoản tốt nhất nhóm chỉ duy nhất có DCS đứng tham chiếu, còn lại đều tăng, có thể kể đến như SHB, PVS, ACB, HUT, VCG, VGC, CEO...

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,39 điểm (+1,93%), lên 126,27 điểm với 78 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp đạt 54,65 triệu đơn vị, giá trị khớp 863,99 tỷ đồng, tăng 18,3% về lượng, và 28% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 558.000 đơn vị triệu đơn vị, giá trị 2,01 tỷ đồng.

Đáng chú ý, “con sóng” PVS chưa ngừng lại, sau phiên hôm qua tăng mạnh 6% và khớp hơn 12,5 triệu đơn vị, thì phiên sáng nay tiếp tục nhận được lực cầu lớn, tăng 4% lên 31.100 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 4,3 triệu đơn vị.

Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng, từ giữ tháng 11 năm ngoái đến nay, PVS đã tăng vọt hơn 94% (từ mức 16.000 đồng/cổ phiếu).

Không chỉ PVS, nhóm cổ phiếu dòng P trong phiên hôm nay cũng đồng loạt tăng, trong đó PGS và PVG tăng kịch trần, nhưng thanh khoản không quá sôi động, khi PVG chỉ có hơn 570.000 đơn vị khớp lệnh, tăng lên 9.700 đồng/cổ phiếu, PGS có hơn 236.000 đơn vị khớp lệnh, tăng 9% lên 33.400 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại cũng chỉ có từ 100.000 -  400.000 đơn vị khớp lệnh.

Tuy nhiên, PVX lại đi ngược với nhóm P, khi giảm điểm, mất 3,8% xuống 2.500 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 2,2 triệu đơn vị.

Hôm nay SHB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 17,2 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng mạnh 4,4% lên 11.900 đồng/cổ phiếu.

ACB có hơn 4,1 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng 3% lên 41.400 đồng/cổ phiếu; KLF tăng 3,2% lên 3.200 đồng/cổ phiếu, khớp 2,72 triệu đơn vị; SHS tăng 2,6% lên 23.400 đồng/cổ phiếu, khớp 2,62 triệu đơn vị; HUT tăng 0,9% lên 11.100 đồng/cổ phiếu, khớp 2,48 triệu đơn vị; VCG tăng 2,9% lên 25.100 đồng/cổ phiếu, khớp 2,08 triệu đơn vị; ACM đứng tham chiếu 1.500 đồng/cổ phiếu, khớp 1,45 triệu đơn vị..

Các mã khác tăng điểm còn có VGC, MBS, VC3, TTB, PHC, CEO, PVE...có từ 400.000 đến hơn 900.000 đơn vị khớp lệnh.

Giảm điểm ngoài PVX nêu trên còn có SDD, HKB, DST (giảm sàn), nhưng thanh khoản cũng không lớn.

Trên sàn UpCoM, thanh khoản cũng vượt trội so với phiên sáng hôm qua với mức tăng rất tốt sáng nay.

Chốt phiên sáng, với 59 mã tăng và 40 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,75 điểm (+1,28%) lên 58,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12,32 triệu đơn vị, giá trị 232,04 tỷ đồng, tăng 60% về khối lượng và 97% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 57.000 đơn vị, giá trị 1,67 tỷ đồng.

Diễn biến UpCoM-Index cũng khá giống với HNX-Index, khi hàng loạt mã lớn nhỏ nhận được dòng tiền nhàn rỗi, hầu hết các mã có giao dịch trên 100.000 đơn vị đều tăng, một số còn tăng kịch trần.

Trong đó, DVN khớp lệnh tốt nhất sàn với hơn 3,2 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 8,8% lên 27.300 đồng/cổ phiếu; LPB tăng 3,8% lên 16.300 đồng/cổ phiếu, khớp 2,62 triệu đơn vị; HVN tăng 7,6% lên 66.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,61 triệu đơn vị (HVN cũng đang là cổ phiếu HOT trên UpCoM, khi cũng chỉ 3 tháng nay đã tăng hơn gấp đôi thị giá, từ vùng 30.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên 21/11/2017).

Khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị còn có ATB, tăng trần 14,3% lên 2.400 đồng/cổ phiếu và SBS tăng 5,7% lên 3.700 đồng/cổ phiếu.

Một số mã đáng chú ý khác cũng nới rộng đà tăng là ART (12.100 đồng/cổ phiếu); PVO (19.300 đồng/cổ phiếu); ACV (115.200 đồng/cổ phiếu); TVN (12.100 đồng/cổ phiếu); MSR (30.900 đồng/cổ phiếu)…

Tin bài liên quan