Phiên sáng 22/3: Nhọc nhằn hồi phục sau phiên lao dốc

Phiên sáng 22/3: Nhọc nhằn hồi phục sau phiên lao dốc

(ĐTCK) Sau phiên giảm mạnh hôm qua, toàn thị trường đã có phần cân bằng hơn trong phiên sáng nay, trong đó, nhóm cổ phiếu Vingroup là VIC, VHM và VRE đang là động lực khá tốt, đưa chỉ số quay trở lại xu hướng tích cực.

Trong phiên hôm qua, ngay khi mở cửa sự thận trọng khiến VN-Index giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực cung bất tung mạnh khiến hàng trăm mã giảm giá, kéo VN-Index theo đó lao dốc.

Đặc biệt, trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán tiếp tục được tung vào ồ ạt, kéo VN-Index mất hơn 20 điểm và đóng cửa xuống gần ngưỡng 980 điểm.

Tuy vậy, theo nhận định của BVSC thì nhiều nhóm cổ phiếu có dấu hiệu chịu áp lực bán quá đà vào cuối phiên, nên khả năng các mã này sẽ xuất hiện phản ứng hồi phục trở lại.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 22/3, lực mua ồ ạt ngay đổ vào thị trường đã kéo VN-Index lên trên 990 điểm khi mở cửa, tuy nhiên, sau đó áp lực bán đã nhanh chóng theo sau, đưa chỉ số trở lại vùng 985 điểm và rung lắc nhẹ sau hơn 1 giờ giao dịch với sự cân bằng khá lớn, khi mà bảng điện có số mã tăng và giảm là tương đương.

Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ đỡ, vốn hóa lớn và bluechip đang giao dịch trong sắc xanh như VIC, VNM, GAS, và đáng kể là VHM, BID và VRE, khi có dấu hiệu nới rộng đà tăng.

Trong khi, sự sụt giảm không đến từ nhiều mã, và cũng chỉ với biên độ thấp như MSN, PLX, VJC...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoài BID thì còn lại giằng co khá mạnh, nhưng tích cực là thanh khoản đang gia tăng cùng lực mua bắt đầu chiếm ưu thế.

Nhóm cổ phiếu thị trường diễn biến phân hóa, và điểm sáng đáng nhắc đến vẫn là VHG, SZC, DTA khi đồng loạt mang sắc tím.

Cổ phiếu đáng chú ý YEG tiếp tục được kéo lên mức giá trần từ khá sớm +6,9% lên 109.400 đồng, nhưng mới chỉ có gần 80.000 đơn vị được khớp lệnh.

Sau khi rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 985 điểm, lực bán gia tăng khiến sắc đỏ tăng nhanh trên bảng điện tử đã kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu, nhưng một lần nữa, các cổ phiếu lớn lại hoạt động tích cực trở lại, qua đó đưa chỉ số nhanh chóng trở lại và tạm kết phiên trong sắc xanh với thanh khoản được cải thiện.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 116 mã tăng và 156 mã giảm, VN-Index tăng 2,74 điểm (+0,28%), lên 984,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 106,5 triệu đơn vị, giá trị 2.350,38 tỷ đồng, tăng hơn 25% về khối lượng và 46% so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,4 triệu đơn vị, giá trị 439,4 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, nâng đỡ chỉ số đáng kể vẫn là bộ 3 cổ phiếu Vingroup, khi đồng loạt tăng với VIC +0,9% lên 118.000 đồng; VHM +1,5% lên 89.500 đồng; VRE +1,5% lên 35.000 đồng. Bên cạnh đó đó là BID, khi tăng 1,2% lên 35.200 đồng; CTG +0,9% lên 22.300 đồng.

Các mã khác có sắc xanh cũng chỉ là sắc xanh nhạt như GAS +0,1%; VNM +0,5%; BVH +0,1%; MBB +0,2%...

Tương tự, các mã giảm, nhưng cũng chỉ ở mức thấp như SAB -0,2%; MSN -0,1%; TCB -0,2%; PLX -0,3%; HPG -0,5%; VJC -0,4%...trừ phần nào đó là ROS khi mất 2,6% xuống 32.000 đồng và BHN -2,3% xuống 80.100 đồng.

Khớp lệnh cao nhất là CTG với hơn 4,27 triệu đơn vị; ROS có 3 triệu đơn vị; MBB có 2,85 triệu đơn vị; HPG có 2,17 triệu đơn vị. Các mã VRE, VPB, TCB, STB có từ 1,3 đến 2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa với áp lực chốt lời đã đẩy các mã DLG, ITA, TTF, FTM, HQC, LCG, AMD, SCR, IDI, DIG giảm điểm, khớp lệnh từ 0,5 triệu đến 2,36 triệu đơn vị.

Một số còn tăng điểm có PVD, HSG, HHS, HAG, CEE, IJC, và SZC cùng VHG tăng kịch trần, khớp lệnh có từ 0,2 triệu đến 2,9 triệu đơn vị.

FLC phiên sáng có thanh khoản tốt nhất HOSE với gần 5,9 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chỉ có được mức tham chiếu tại 5.200 đồng.

Một số mã khác như YEG, vẫn giữ sắc tím +6,9% lên 109.400 đồng, tuy nhiên thanh khoản đã chững lại, khi vẫn chỉ có gần 80.000 đơn vị được khớp lệnh.

CTF giảm sàn -6,9% xuống 22.350 đồng; PHR -3% xuống 54.500 đồng; DPR -3,4% xuống 39.800 đồng; DPG -2,6% xuống 60.000 đồng…

Trên sàn HNX, HNX-Index tăng từ sớm, sau đó cũng gần như rung lắc nhẹ với sự cân bằng trên thị trường, nhưng đáng tiếc lại bị đẩy nhẹ xuống tham chiếu trong ít phút cuối phiên.

Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa, với nhóm tăng điểm có ACB +0,3% lên 30.500 đồng; PVS + 1,4% lên 21.100 đồng; PVI +1,4% lên 36.500 đồng; TNG +0,5% lên 21.600 đồng

Trong khi đó, VCS -0,5% xuống 63.400 đồng; SHB -1,3% xuống 7.600 đồng; DGC -0,7% xuống 42.200 đồng; NVB -2,3% xuống 8.400 đồng.

Khá nhiều cổ phiếu đứng tham chiếu như VGC, VCG, CEO, NTP, TV2, HUT…

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex, khi tiếp tục tăng kịch trần +9,4% lên 13.900 đồng, khớp lệnh gần 0,4 triệu đơn vị.

Nếu giữ nguyên được sắc tím cho đến hết phiên chiều, thì mã này sẽ có phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp.

Thông tin mới nhất liên quan đến VCR là việc thống nhất phát hành 3 triệu trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng. Số tiền thu được để sử dụng thực hiện Dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá – Cát Bà.

Về dự án trên, vào cuối năm 2018, UBND TP. Hải Phòng đã có quyết định hủy bỏ việc thu hồi khu đất do VCR quản lý tại Cát Bà, khôi phục tình trạng đầu tư cho dự án.

Điểm đáng chú ý khác đến VCR là việc chưa thể trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15% theo nghị quyết HĐQT năm 2012.

Chốt phiên sáng nay, sàn HNX có 44 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%), xuống 107,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,15 triệu đơn vị, giá trị 254 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 61,1 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tăng tốt từ sớm, nhưng áp lực bán sau đó cũng khiến chỉ số thoái lui, nhưng giao dịch vẫn ở trên tham chiếu và kết phiên trong sắc xanh.

Tuy vậy, khá nhiều mã lớn lại giảm như BSR, HVN, VGT, LPB, VGI, MSR, MCH, OIL, VEA, VIB, QNS, ACV, DVN…

Ngược lại, tăng điểm đáng kể chỉ có  GVR, MPC, NTC, KLB, CSI, cùng nhóm cổ phiếu nhỏ G36, DRI,PIV, EVF…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,12%), lên 56,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,63 triệu đơn vị, giá trị 142,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,33 triệu đơn vị, giá trị 45 tỷ đồng.

Tin bài liên quan