Phiên sáng 22/2: Lực chốt lời gia tăng, VN-Index quay đầu điều chỉnh

Phiên sáng 22/2: Lực chốt lời gia tăng, VN-Index quay đầu điều chỉnh

(ĐTCK) Sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay (22/2) khiến thị trường rung lắc mạnh.

Trong phiên giao dịch đầu năm mới Mậu Tuất hôm qua, thị trường tiếp tục chứng kiến đà hứng khởi của nhà đầu tư sau 2 phiên tăng mạnh cuối năm Đinh Dậu.

Trong phiên đầu năm mới Mậu Tuất, dòng tiền đã chảy mạnh ngay từ đầu phiên, giúp thị trường tăng mạnh cả về chỉ số và thanh khoản. Trong đó, đáng chú ý là sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính và các trụ đỡ là nhóm vốn hóa lớn như VNM, SAB, GAS, VIC, VRE… 

Tuy nhiên, theo các công ty chứng khoán, với việc thị trường có 3 phiên tăng mạnh liên tiếp, nhiều cổ phiếu dẫn dắt đều đã quay trở lại vùng đỉnh, vùng rất nhạy cảm. Do đó, hoàn toàn có khả năng xuất hiện áp lực chốt lời tại vùng giá cao sẽ xảy ra.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (22/2), đúng như dự đoán, lệnh bán khá lớn ngay từ khi mở cửa thị trường đã khiến VN-Index giảm hơn 9 điểm xuống dưới 1.078 điểm, với hàng loạt các mã ngân hàng và vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ như CTG, STB, MBB, VCB, SAB, VNM, VJC, GAS, VRE, NVL, HPG, HSG, MWG…

Nhưng cũng rất nhanh sau đó, lực cầu mạnh xuất hiện, giúp thị trường dần lấy lại sự cân bằng với nhiều mã lớn đã “xanh” trở lại. Dù vậy, áp lực chốt lời phiên sáng nay khá lớn, nên VN-Index chưa thể bứt lên, mà đang giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ. 

Nhóm ngành dẫn dắt là tài chính (ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) phân hóa và chỉ còn vài mã tăng điểm như CTG, VCB, ACB, BIB, BVH, VCI, VDS…, còn lại đều suy giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 82 mã tăng và 168 mã giảm, VN-Index giảm 3,25 điểm (-0,3%), xuống 1.083,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 117,8 triệu đơn vị, giá trị 3.497,87 tỷ đồng, tăng 22% về giá trị và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,65 triệu đơn vị, giá trị 271,5 tỷ đồng.

Gánh nặng lên thị trường còn đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giao dịch phần lớn trong sắc đỏ hoặc biên độ tăng bị hãm lại, như VNM giảm 0,4% xuống 202.400 đồng/cổ phiếu; GAS giảm 2,6% xuống 109.100 đồng/cổ phiếu; PLX giảm 0,9% xuống 79.000 đồng/cổ phiếu; HPG bị khối ngoại bán hơn 1,21 triệu đơn vị trong khi số lượng mua chỉ có hơn 234.000, nên đã giảm từ sớm, chốt phiên mất 1,3% xuống 59.200 đồng/cổ phiếu; HDB giảm 1,9% xuống 45.800 đồng/cổ phiếu; VJC giảm 1,3% xuống 196.500 đồng/cổ phiếu; VPB giảm 1,2% xuống 57.700 đồng/cổ phiếu…

Điểm sáng nhất trong top 20 mã vốn hóa lớn nhất thị trường hôm nay là CTG, khi tăng 3,1% lên 28.700 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 12,46 triệu đơn vị, và dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE.

Trong nhóm ngân hàng ngoài CTG các cổ phiếu khác cũng tăng nhưng không mạnh như hôm qua có VCB tăng 0,3% lên 66.400 đồng/cổ phiếu; BID tăng 0,1% lên 37.450 đồng/cổ phiếu.

BVH cũng rất đáng chú ý sau phiên tăng trần hôm qua đã duy trì đà tăng khi cộng thêm 2,2% khi chốt phiên sáng nay lên 82.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng chỉ có hơn 370.000 đơn vị khớp lệnh.

Các mã lớn khác như VCB, SAB, VIC, VRE, MSN, ROS chỉ tăng nhẹ, trong đó ROS tăng mạnh nhất cũng chỉ có 1,3% lên 141.800 đồng/cổ phiếu.

Nhóm VN30 cũng gặp khá nhiều khó khăn khi chỉ có 11 mã tăng, 18 mã giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thanh khoản vượt trội, ngoài CTG nêu trên tăng điểm thì 2 mã STB và MBB lại bị bán mạnh.

STB giảm 0,3% xuống 16.250 đồng/cổ phiếu, khớp 11,85 triệu đơn vị; MBB cũng giảm 0,3% xuống 31.600 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3,9 triệu đơn vị.

Có hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh trong nhóm còn có SBT, HSG, nhưng 2 mã này đã đảo chiều tăng thành công. SBT tăng 2,5% lên 18.400 đồng/cổ phiếu; HSG tăng 1,9% lên 24.650 đồng/cổ phiếu.

Các mã thị trường hầu hết chìm trong sắc đỏ như FLC, HAG, HNG, ASM, IDI, HQC, ITA… và có từ 1 triệu đến gần 3 triệu cổ phiếu được sang tay.

Sắc tím hiếm hoi chỉ có ở VHG, khi tăng lên 990 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng rung lắc dữ dội khi nhiều cổ phiếu dẫn dắt liên tục đảo chiều, thanh khoản suy giảm, và chốt phiên dưới tham chiếu theo đà giảm chung của thị trường.

Nhóm cổ phiếu thuộc HNX30 cũng chỉ còn vài mã tăng là ACB, VGC, LAS, HHG, MAS, PLC cũng đã không bù đắp được cho phần lớn số mã giảm còn lại như SHB, ACB, SHS, VCG...

Trong đó, SHB giảm 0,8% xuống 13.000 đồng/cổ phiếu, khớp 12,71 triệu đơn vị, lớn nhất sàn HNX; PVS giảm 2,6% xuống 22.100 đồng/cổ phiếu, khớp 3,11 triệu đơn vị; VCG giảm 1,2% xuống 23.700 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 2,2% xuống 22.100 đồng/cổ phiếu, khớp 1,14 triệu đơn vị…

Trong khi đó, ACB tăng 0,2% 44.600 đồng/cổ phiếu, khớp 1,93 triệu đơn vị; VGC tăng 1,3% lên 24.200 đồng/cổ phiếu, khớp gần 190.000 đơn vị. Các mã khác như LAS, HHG, MAS khớp lệnh không đáng kể.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,42%), xuống 125,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 28,32 triệu đơn vị, giá trị 471,15 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 330.000 đơn vị, giá trị 11,9 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, mặc dù số mã tăng và giảm khá cân bằng (49 mã tăng và 46 mã giảm), nhưng việc những cổ phiếu lớn và thanh khoản cao chi phối như HVN, LPB, DVN, VIB suy giảm cũng kéo chỉ số đi xuống trong phần lớn thời gian giao dịch, mặc dù vẫn còn những điểm xanh đáng chú ý như QNS, ART, PLF hay ACV.

Cụ thể, LPB giảm 1,3% xuống 15.600 đồng/cổ phiếu, khớp 1,1 triệu đơn vị; HVN giảm 3,3% xuống 52.800 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 750.000 đơn vị; DVN giảm 4% xuống 21.700 đồng/cổ phiếu; VIB giảm 2,2% xuống 31.000 đồng/cổ phiếu…

Ngược lại, QNS tiếp tục đà tăng từ sớm, chốt phiên cộng thêm 3,4% lên 60.300 đồng/cổ phiếu; ART tăng 2% lên 10.200 đồng/cổ phiếu; ACV tăng 0,4% lên 93.000 đồng/cổ phiếu; PFL tăng kịch trần 7,7% lên 1.400 đồng/cổ phiếu…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,41%), xuống 59,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4,58 triệu đơn vị, giá trị 73,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 237.640 đơn vị, giá trị 3,23 tỷ đồng.

Tin bài liên quan