Phiên sáng 21/10: Nhóm FLC tiếp tục nổi sóng lớn

Phiên sáng 21/10: Nhóm FLC tiếp tục nổi sóng lớn

(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp diễn trạng thái phân hóa trong biên độ hẹp và chỉ số chung của thị trường vẫn lình xình dưới mốc tham chiếu, thì nhóm cổ phiếu nhà FLC tiếp tục nổi sóng lớn.

Mặc dù diễn biến chỉ số chung vẫn lình xình giằng co và trở lại điều chỉnh nhẹ trong tuần vừa qua, nhưng thị trường đã đón nhận những đợt sóng cổ phiếu vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngay cả những lúc nhóm này dậy sóng thì cũng có sự phân hóa sâu, cơ hội không dành cho tất cả. Đồng thời, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2019 dần hé mở cũng không phải là chất xúc tác đưa thị trường tăng điểm mà có thể làm thị trường phân hóa ở mặt bằng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng, xu hướng chủ đạo của thị trường trong cả giai đoạn vừa qua là dao động trong biên độ hẹp dần. Thị trường vẫn có thể còn tiếp tục biến động như vậy thêm một thời gian nữa trước khi có biến động mang tính xác nhận xu thế mới.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, thị trường vẫn duy trì trạng thái điều chỉnh nhẹ trong bối cảnh dòng tiền khá yếu.

Chỉ sau hơn 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index bị đẩy xuống sát mốc 985 điểm do sức ép gia tăng từ nhóm cổ phiếu bluechip. Ngay khi ngưỡng kháng cự này bị đe dọa, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trước áp lực bán thường trực khiến VN-Index chưa thể hồi phục.

Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi hầu hết đều giảm, thì “trụ cột” VNM tiếp tục là “má phanh” giúp thị trường không giảm quá sâu. Sau diễn biến giằng co đầu phiên, hiện VNM đã khởi sắc khi tăng 1,4%, tạm đứng tại mức giá 134.400 đồng/CP.

Bên cạnh nhóm bluechip tiếp diễn xu hướng biên động trong biên độ hẹp, ở nhóm cổ phiếu nhà FLC tiếp tục nổi sóng lớn khi đồng hoạt FLC, HAI, AMD đều được kéo lên kịch trần. Trong đó, FLC vẫn chưa giảm sức nóng với gần 9 triệu đơn vị đã được chuyển nhượng và còn dư mua trần 11,56 triệu đơn vị.

Thị trường vẫn giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên, trên sàn HOSE, với 128 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,89 điểm (-0,09%), xuống 988,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 99 triệu đơn vị, giá trị 1.806,56 tỷ đồng, tăng 18,25% về khối lượng và tăng hơn 27% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 14 triệu đơn vị, giá trị 342,4 tỷ đồng.

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều nới rộng biên độ giảm như BID giảm 1,4% xuống mức thấp nhất ngày 39.550 đồng/CP, CTG giảm 0,9% xuống 21.400 đồng/CP, VCB giảm 0,8% xuống 84.300 đồng/CP, TCB giảm 1,2% xuống 24.100 đồng/CP, VPB giảm 2,5% xuống 21.850 đồng/CP…

Bên cạnh đó, thị trường còn chịu thêm sức ép đến từ một số mã lớn khác như VHM giảm 1,4% xuống thấp nhất 85.800 đồng/CP, MSN giảm 1,6% xuống 74.800 đồng/CP.

Trái lại, VIC đã hồi phục thành công sau những phiên điều chỉnh giảm nhẹ, với mức tăng 0,7% và tạm chốt phiên sáng tại mức giá 117.800 đồng/CP; đáng chú ý, cổ phiếu lớn VNM tiếp tục lên cao với mức tăng 1,9% lên 135.000 đồng/CP, tuy nhiên chưa đủ sức để giúp thị trường khởi sắc trước áp lực bán thường trực.

Nhóm cổ phiếu FLC vẫn là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh các mã FLC, HAI, AMD trên sàn HOSE bảo toàn sắc tím với lượng dư mua trần lớn, trên HNX, các thành viên khác như KLF, ART cũng được kéo lên mức giá trần.

Trong đó, FLC có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp và sức nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lượng dư mua trần vẫn chất đống với 12,92 triệu đơn vị và đã khớp hơn 9,55 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Ngoài ra, các mã đầu cơ quen thuộc khác như ASM, HQC, FTM, GTN, ITA, KBC… cũng chốt phiên trong sắc xanh.

Trên sàn HNX, sau khi để mất mốc 105 điểm, HNX-Index đã duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm đi ngang trong suốt thời gian còn lại.

Các mã lớn đóng vai trò là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống như ACB giảm 1,2% xuống 23.800 đồng/CP, SHB giảm 1,5% xuống 6.500 đồng/CP, PVS giảm 0,5% xuống 18.400 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.400 đồng/CP, CEO giảm 1% xuống 9.500 đồng/CP, BVS giảm 2% xuống 10.500 đồng/CP…

Trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX, ngoại trừ cặp đôi nhà FLC là KLF và ART tăng trần cùng lượng dư mua trần khá lớn, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, HUT dẫn đầu với hơn 3,13 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên giảm 3,85% xuống 2.500 đồng/CP.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 34 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,77%), xuống 104,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,36 triệu đơn vị, giá trị 142,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 32,41 tỷ đồng.

Trái lại, thị trường UPCoM duy trì sắc xanh trong suốt cả phiên sáng.

Một số mã lớn tăng khá tốt, đóng vai trò hỗ trợ chính cho thị trường như BCM tăng 2,3% lên 30.600 đồng/CP, VEF tăng 0,6% lên 113.000 đồng/CP…

Cổ phiếu BSR đứng giá tham chiếu 9.500 đồng/CP và là mã giao dịch tốt nhất thị trường UPCoM với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,23%), lên 56,59 tỷ đồng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,84 triệu đơn vị, giá trị 76,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm hơn 2 tỷ đồng.

Tin bài liên quan