Phiên sáng 2/1: Dòng bank khởi sắc, VN-Index lấy lại sắc xanh

Phiên sáng 2/1: Dòng bank khởi sắc, VN-Index lấy lại sắc xanh

(ĐTCK) Nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã lớn khác, VN-Index đã trở lại sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2020 sau khi giảm điểm phiên cuối năm ngoái.

Kết thúc phiên cuối cùng của năm ngoái 31/12, VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm nhưng may mắn vẫn chốt ngày ở mức trên 960 điểm, và như vậy, tính trong năm qua, VN-Index đã tăng hơn 68 điểm, tương ứng tăng 7,67% từ mức 892,54 lên 960,99 điểm.

Nhận định về triển vọng trong năm 2020, MBS đánh giá, đã có một số tổ chức trong và ngoài nước nhận định tích cực, điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi nền tảng vĩ mô vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường.

Bên cạnh đó, rủi ro bên ngoài cũng giảm đi so với năm vừa qua và dòng vốn đầu tư quốc tế có thể quay trở lại đối với các thị trường mới nổi cũng như Việt Nam.

Trong ngắn hạn, chu kỳ tăng tốt của thị trường thường rơi vào quý I, sau đó thị trường sẽ có xu hướng rõ hơn khi có thêm các thông tin mới.

Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2020 ngày 2/1, áp lực bán nhẹ trong đợt khớp lệnh ATO đã khiến VN-Index thủng tham chiếu, nhưng cũng nhanh chóng xanh trở lại nhờ lực cầu tham gia tại nhóm cổ phiếu bluechip, nhưng dòng tiền chỉ nhúc nhắc mua thăm dò là chủ yếu, nên đà đi lên của chỉ số không bền vững và lùi về trở lại gần tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Diễn biến cổ phiếu ROS vẫn đáng chú ý nhất trên thị trường, khi mở cửa bị đẩy nhanh xuống mức giá sàn với lệnh bán lấn át, mặc dù sau đó lượng cổ phiếu giá sàn được hấp thụ khá mạnh, nhưng quyết tâm xả hàng của nhà đầu tư vẫn chiếm ưu thế hơn khiến cổ phiếu này vẫn đang giảm hết biên độ, thanh khoản vượt trội phần còn lại trên bảng điện tử với hơn 19 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, giao dịch thỏa thuận của ROS cũng chiếm tới hơn một nửa giá trị với 255,6 tỷ đồng cho 14,2 triệu cổ phiếu tại mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu.

Một mã khác vẫn khiến nhà đầu tư lo lắng là VRC, khi tiếp tục mất thanh khoản, giảm xuống mức giá sàn và dư bán sàn khối lượng lớn.

Tích cực hơn đang là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi đồng loạt tăng và những mã đang có khối lượng giao dịch nhiều nhất trên HOSE đều thuộc nhóm này như DLG, FLC, HQC, HSG, HAI, AMD, AAA…

Chớm đỏ thêm một lần vào giữa phiên, nhưng sau đó, nhờ nhóm bluechip hoạt động tốt hơn, đặc biệt là sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã kéo VN-Index tăng trở lại, mặc dù vậy khi kết phiên chỉ số chỉ có được mức tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 146 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 2,04 điểm (+2,01%), lên 963,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 106,5 triệu đơn vị, giá trị 1.844,3 tỷ đồng, tương đương về khối lượng nhưng tăng 13% về giá trị so với phiên sáng cuối năm ngoái. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35,3 triệu đơn vị, giá trị 663,4 tỷ đồng, trong đó, ROS chiếm phần lớn với 26,64 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 479,5 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng, trong đó, nổi bật có VPB +3% lên 20.600 đồng; CTG +1,9% lên 21.300 đồng; BID +1,8% lên 47.000 đồng; MBB +1,2% lên 21.050 đồng; TPB +1,7% lên 21.400 đồng; TCB +0,9% lên 23.750 đồng, 2 mã VCB, STB tăng thấp hơn lần lượt +0,4% và 0,5%, chỉ còn 2 mã giảm là EIB -0,6% và HDB -1,5%.

Đây cũng là nhóm cổ phiếu có thanh khoản chiếm ưu thế trong rổ VN30, trong đó, VPB có 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh; MBB có 1,2 triệu đơn vị; CTG có 1,1 triệu đơn vị. Nhóm BID, HDB, TCB, STB có từ 0,4 triệu đến 0,7 triệu đơn vị.

Ngoài dòng bank, hỗ trợ chỉ số đáng kể còn có MSN +1,2% lên 57.200 đồng; HPG +1,1% lên 23.750 đồng; BVH +1,3% lên 69.500 đồng; POW +2,6% lên 11.750 đồng…

Một số cổ phiếu cản bước thị trường có NVL -2,7% xuống 57.900 đồng; SAB -1,2% xuống 225.300 đồng, cùng bộ 3 cổ phiếu Vingroup, nhưng mức giảm thấp với VIC -0,6%; VHM -0,2%; VRE -0,2%...

ROS vẫn là cổ phiếu được quan tâm nhất trong rổ VN30 cũng như trên toàn thị trường, khi giảm sàn -6,9% xuống 16.100 đồng, khớp hơn 20,2 triệu đơn vị, còn dư bán giá sàn gần 2,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thanh khoản cao đa số tăng như DLG, FLC, HQC, HSG, HAI, AMD, HBC… với DLG khớp hơn 3,3 triệu đơn vị; FLC khớp hơn 2,77 triệu đơn vị…

Nhóm giảm đáng kể có HVH -3,7% xuống 14.300 đồng; DRH -5,3% xuống 3.770 đồng; VRC nằm sàn -6,9% xuống 15.600 đồng, khớp chỉ hơn 1.800 đơn vị, dư bán sàn hơn 4,56 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có một phiên sáng năm mới khó khăn, khi chỉ giữ được sắc xanh trong nửa đầu phiên, sau đó xuống dưới tham chiếu và dù có nhịp nảy trở lại sau đó, nhưng áp lực bán sau đó trở lại đẩy chỉ số thoái lui.

Ngoài sắc tím tại một vài mã nhỏ như ART, ACM, DST, VKC và tăng như SHB +3,1% lên 6.700 đồng; VCS +2% lên 71.500 đồng; MBS +2,1% lên 14.700 đồng; TAR +0,4% lên 28.500 đồng; TNG +0,7% lên 15.000 đồng, thì còn lại giảm hoặc đứng tham chiếu.

Theo đó, ACB -0,4% xuống 22.700 đồng; VCG -0,7% xuống 26.700 đồng; IDC -2,7% xuống 18.400 đồng; NVB -1,1% xuống 9.300 đồng; MBG -5,4% xuống 19.400 đồng; C69 giảm sàn -9% xuống 7.100 đồng..cùng PVS, NDN, HUT, KLF, CEO, DGC đứng giá.

Thanh khoản SHB cao nhất sàn và vượt xa phần còn lại với 3,89 triệu đơn vị khớp lệnh; MBG có 0,69 triệu đơn vị; ART có 0,61 triệu đơn vị; KLF có 0,42 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 30 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%), xuống 102,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,96 triệu đơn vị, giá trị 98,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,33 triệu đơn vị, giá trị 34,9 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh, nhưng nhìn chung cũng gặp khó khi một vài đợt chớm đỏ.

Những cổ phiếu thanh khoản tốt đa số giảm như LPB, QNS, C4G, DVN, TPD, OIL, G36…trong khi GVR, PLX, MPC có sắc xanh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,15%), lên 56,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,92 triệu đơn vị, giá trị 39,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Tin bài liên quan