Phiên sáng 19/11: Mọi ánh mắt đều dồn vào FLC

Phiên sáng 19/11: Mọi ánh mắt đều dồn vào FLC

(ĐTCK) Thông tin từ sự kiện Tập đoàn FLC tổ chức lễ giới thiệu cơ hội đầu tư vào FLCHomes - Công ty con của FLC, đặc biệt là phát biểu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC tại sự kiến đã khiến FLC nổi sóng lớn trong phiên sáng nay.

Trong phiên hôm qua, việc vận hành bộ chỉ số chưa đem đến hiệu ứng tích cực, khi thị trường tiếp tục chịu sức ép.

VN-Index chỉ giữ được sắc xanh nhạt sau nửa phiên sáng, sau đó dần thoái lui và về mức gần thấp nhất ngày khi đóng cửa gần 1.003 điểm, chủ yếu do các bluechip, cổ phiếu lớn cùng nhóm ngân hàng gây ảnh hưởng.

Theo MBS nhận định, VN-Index đã mất 4 phiên tăng kể từ khi bứt phá khỏi vùng tích lũy 1.000 điểm để tiệm cận vùng 1.030 điểm, và 7/8 phiên giảm vừa qua đã đưa chỉ số này về vị trí xuất phát. Chuỗi giảm điểm mang tính kỹ thuật và có thể chững lại ở mốc 1.000 điểm, khi ở mốc này có sự góp mặt của nhiều trendline hỗ trợ.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 19/11, diễn biến thị trường có phần giống với phiên sáng hôm qua, khi chỉ số VN-Index chỉ giữ được sắc xanh nhạt không lâu và đã lùi xuống dưới tham chiếu sau đó, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.

Diễn biến đáng chú ý sáng nay thuộc về nhóm cổ phiếu thị trường và có câu chuyện riêng, với TSC tiếp tục bị chốt lời mạnh và giảm sàn ngay khi mở cửa.

Bên cạnh đó là FRT và TTB cũng giảm hết biên độ từ sớm, trong đó TTB tiếp tục mất thanh khoản và dư bán sàn khá lớn, bất chấp chiều muộn hôm qua có thông tin giải trình đến HOSE từ Ban lãnh đạo về việc giảm sàn gần đây của cổ phiếu.

Ngược lại, FLC, DIC, TLH tăng kịch trần. Trong đó, FLC khớp hơn 2,3 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch và dư mua giá trần lên tới hơn 9,1 triệu đơn vị.

Thông tin khiến FLC nổi sóng lớn có lẽ đến từ buổi lễ ra mắt và giới thiệu cơ hội đầu tư CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes) - Công ty con của Tập đoàn FLC, diễn ra vào tối hôm qua.

Tại đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của FLC khẳng định sẽ bỏ ra 1.500 - 2.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu FLC trong năm 2020 tới.

Sau khi võng nhẹ xuống dưới tham chiếu, chỉ số nhanh chóng bật trở lại và leo lên 1.005 điểm nhờ những cổ phiếu lớn nhất sàn hồi phục, nhưng lực bán trong những phút cuối đã khiến chỉ số chưa thể giữ được mốc điểm trên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 140 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 1,91 điểm (+0,19%), lên 1.004,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 117 triệu đơn vị, giá trị 2.217,6 tỷ đồng, tăng hơn 48% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37 triệu đơn vị, giá trị gần 590 tỷ đồng.

Như đã đề cập, một số cổ phiếu lớn hồi phục giúp chỉ số trở lại, trong đó sức mạnh chủ yếu đến từ 3 mã VCB +1% lên 88.500 đồng; VHM +1% lên 97.300 đồng; VNM +1,4% lên 122.500 đồng.

Cùng với đó là 11 sắc xanh khác trong rổ VN30, tuy nhiên ngoài REE tăng hơn 1% và TCB +0,8% lên 24.650 đồng, thì còn lại cũng chỉ nhích nhẹ như BID +0,1%, SAB +0,2%; VRE +0,4%; CTG +0,2%; HDB +0,4%; MWG +0,4%...

Các mã mang sắc đỏ phần lớn giảm nhẹ, trừ ROS khi mất 2% xuống 24.700 đồng và GAS -0,8% xuống 107.600 đồng; thì VIC -0,5%; MSN -0,3%; VJC -0,1%; HPG -0,4%; PNJ -0,7%...

Trong khi đó, MBB, STB, SBT, VPB, NVL, GMD dừng lại ở mức giá tham chiếu.

Thanh khoản cao nhất vẫn là ROS với hơn 11,1 triệu đơn vị khớp lệnh, và cũng là mã khớp lệnh lớn nhất HOSE; VRE ở vị trí tiếp theo với hơn 3,77 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 1 triệu đơn vị; HPG có 2,74 triệu đơn vị; CTG và VHM có trên dưới 1,78 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường TSC giảm sàn về 3.460 đồng, khớp hơn 4,5 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ROS về thanh khoản.

FLC vẫn được nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Kết phiên tăng trần +6,9% lên 4.310 đồng, khớp hơn 2,37 triệu đơn vị và dư mua giá trần lên đến gần 9,5 triệu đơn vị.

Một số mã tăng khá và thanh khoản cao có HSG, AMD, DLG, TTF, HAI, JVC, SCR, khớp từ 0,7 triệu đến 1,7 triệu đơn vị, riêng HSG có 4,3 triệu đơn vị.

2 cổ phiếu đáng chú ý khac có FRT, mặc dù thoát mức giá sàn, nhưng vẫn giảm sâu -6,5% xuống 32.200 đồng, khớp hơn 130.000 đơn vị.

Còn TTB vẫn nằm ở mức giá sàn -6,9% xuống 10.750 đồng, và chỉ có hơn 8.000 cổ phiếu được sang tay, dư bán sàn hơn 5,9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến vẫn là giằng co nhẹ quanh tham chiếu và tạm thời kết phiên trong sắc xanh nhạt.

Giao dịch khá ảm đạm, khi chỉ duy nhất NVB có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, tăng 1,1% lên 9.100 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu khác như VCS +1,6% lên 86.600 đồng; SHB +1,5% lên 6.600 đồng; SHS +1,2% lên 8.300 đồng; TNG +0,7% lên 14.300 đồng; AMV +5,6% lên 20.900 đồng, cùng các mã nhỏ ACM và BII tăng kịch trần.

Trái lại, VCG -0,4% xuống 27.300 đồng; PVS -0,5% xuống 18.700 đồng; PVI -0,6% xuống 31.800 đồng; DGC -0,4% xuống 26.400 đồng; MBS -1,4% xuống 13.900 đồng. Đặc biệt, MBG giảm sàn -10% xuống 42.300 đồng...

Trong khi đó, cổ phiếu lớn nhất sàn là ACB lùi về tham chiếu. Cùng chung số phận còn có CEO và nhóm cổ phiếu nhỏ HUT, KLF, ART, MST, SPP...

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 105,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,6 triệu đơn vị, giá trị 102,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 30,2 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mất điểm ngay khi mở cửa và tiếp tục lùi dần về các mức điểm thấp hơn.

Các cổ phiếu thanh khoản tốt đa số giảm như BSR, NHH, GVR, VCP, LPB, QNS, VEA, KHD, MSR...Trong đó, BSR khớp lệnh tốt nhất, nhưng cũng chỉ hơn 0,5 triệu đơn vị, giảm 1% xuống 10.100 đồng.

Lác đác vài mã tăng là VGT, CTR, VTD và 2 mã nhỏ tăng trần PVV, TOP. Trong khi OIL, VIB, VGI, MPC, LTG đứng tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,3%), xuống 56,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,35 triệu đơn vị, giá trị 40,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị 18,4 tỷ đồng.

Tin bài liên quan