Phiên sáng 19/10: Lực cầu bắt đáy giúp VN-Index hãm đà rơi

Phiên sáng 19/10: Lực cầu bắt đáy giúp VN-Index hãm đà rơi

(ĐTCK) Mở cửa lao mạnh xuống ngưỡng 945 điểm, nhưng nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp VN-Index tránh khỏi phiên lao dốc sáng nay.

Vấn đề ngân sách của Italia, căng thẳng tiềm ẩn giữa 2 đồng minh Mỹ và Ả Rập Xê út, cùng cuộc chiến thương mại khiến giới đầu tư bất an, đã đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Năm khiến các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm hơn 1%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm vào những phút cuối phiên sau khi EC cho rằng, kế hoạch ngân sách năm 2019 của Italia vi phạm các quy định của EU. Ngoài ra, lo ngại về việc lãi suất tăng cũng khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu không dám mạo với chứng khoán.

Chứng khoán châu Á cũng có diễn biến rất xấu. Thậm chí tại Trung Quốc còn bị bán tháo xuống mức thấp nhất 4 năm.

Những diễn biến khá tiêu cực của chứng khoán quốc tế đã tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư trong nước khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 19/10.

Áp lực bán tăng mạnh ngay khi mở cửa khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm VN30 hiện chỉ có duy nhất DHG xanh nhạt, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, đã kéo VN-Index lao mạnh xuống mức 950 điểm.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực bán tiếp tục dâng cao khiến sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng bảng điện tử. Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE và HNX, số mã giảm đã gấp tới gần 4 lần số mã tăng.

Đáng chú ý, trong nhóm bluechip không còn bóng dáng của sắc xanh, toàn bộ 30 mã đã đồng loạt chuyển đỏ, gia tăng gánh nặng thêm cho thị trường.

Thông tin giá dầu ngày 18/10 giảm do nhà đầu tư lo ngại về tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm giảm tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong khi số liệu cho thấy nguồn cung dồi dào. Giá dầu Brent tương lai giảm 76 cent xuống 79,29 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,1 USD, tương đương 1,6%, xuống 68,65 USD/thùng, đã tác động xấu tới diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước.

Hiện tại, GAS đang giảm 3,1% xuống 110.900 đồng/CP, PLX giảm 2,2% xuống 61.600 đồng/CP, PVD giảm 4,5% xuống 18.150 đồng/CP, PVS giảm 1,9% xuống 20.200 đồng/CP, PVC giảm 2,7% xuống 7.100 đồng/CP, PVB giảm 1,5% xuống 20.200 đồng/CP…

Thị trường lao mạnh về vùng 945 điểm thì lực cầu được kích hoạt đã giúp Vn-Index bật ngược đi lên. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn, với gánh nặng chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip trong khi dòng tiền tham gia tiếp tục thận trọng khiến thị trường chưa thể hồi phục.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 66 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index giảm 9,22 điểm (-0,96%), xuống 954,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,38 triệu đơn vị, giá trị 1.874,.19 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% về khối lượng và 19,63% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,14 triệu đơn vị, giá trị 328,27 tỷ đồng.

Nhóm VN30 bớt tiêu cực hơn so với đầu phiên với việc MBB lấy lại thăng bằng, DPM đảo chiều hồi phục với mức tăng 2,5% lên 18.450 đồng/CP. Còn lại vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ.

Các nhóm cổ phiếu cơ bản như ngân hàng, dầu khí đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, dòng bank vẫn thu hút nhà đầu tư với STB dẫn đầu thanh khoản trên sàn khi chuyển nhượng thành công 4,64 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 13.450 đồng/CP, giảm 0,4%.

Tương tự, những người anh em cùng họ như VCB, CTG, BID, TCB, VPB cũng có những giảm nhẹ trên dưới 1%.

Trong khi đó, thông tin không mấy tích cực từ giá dầu thô khiến nhóm cổ phiếu họ P vẫn giảm khá sâu, trong đó GAS duy trì mức giá 111.000 đồng/CP, với mức giảm 3,1%.

Không chỉ nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn giảm, các mã vừa và nhỏ cũng đua nhau chuyển đỏ như FLC, Asm, IDI, HBC, HQC, OGC…

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là cặp đôi cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai lại có diễn biến đi ngược thị trường. Trong đó, HAG tăng 3,53% lên 5.280 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau STB về thanh khoản; còn HNG tăng 4% lên 15.600 đồng/CP và khớp 497.780 đơn vị.

Tương tự, trên sàn HNX đà giảm có phần hãm nhẹ về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 26 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 0,74 điểm (-0,69%), xuống 107,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,1 triệu đơn vị, giá trị 274,25 tỷ đồng, tăng 23,74% về lượng và 30,66% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ gần 350 triệu đồng.

Cũng như sàn HOSE, các mã lớn trên sàn HNX giao dịch thiếu tích cực, vẫn là các nhân tố chính níu chân thị trường như ACB giảm gần 1% xuống 30.700 đồng/CP, VCS giảm 3,78% xuống 68.800 đồng/CP, VGC giảm 1,2% xuống 16.600 đồng/CP, PVS giảm 1,46% xuống 20.300 đồng/CP, PVC giảm 2,82% xuống 7.100 đồng/CP, NTP giảm hơn 6% xuống 45.000 đồng/CP…

Giao dịch sôi động nhất trên sàn HNX là cổ phiếu SHB với 4,64 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên tại mốc tham chiếu 8.100 đồng/CP. Tiếp đó là PVS khớp 2,66 triệu đơn vị, các mã PVX, HUT, ACB và NVB có khối lượng khớp trong khoảng 1-2 triệu đơn vị.

Cũng có diễn biến như trên sàn niêm yết, sau hơn 1 giờ lao dốc, đà giảm trên sàn UPCoM đã được hãm lại nhờ lực cầu hấp thụ gia tăng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,52%), xuống 52,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 105,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 316.999 đơn vị, giá trị 5,49 tỷ đồng.

Trong khi các mã lớn như BSR, VGT, DVN, VEA, MCH đã lấy lại mốc tham chiếu thì POW, HVN, MSR, ACV… vẫn chưa thoát khỏi đà giảm điểm.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM là AVF với 1,56 triệu đơn vị được chuyển nhượng và sau 14 phiên liên tiếp đứng giá tham chiếu, cổ phiếu này đã tăng 33,3% lên 400 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi họ dầu khí. Cụ thể, POW giảm hơn 2% xuống 14.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch 1,16 triệu đơn vị và BSR có khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị.

Còn lại các mã trên sàn giao dịch chưa tới nửa triệu đơn vị.

Tin bài liên quan