Phiên sáng 16/4: Cổ phiếu họ Vin bị bán mạnh, thị trường lao dốc

Phiên sáng 16/4: Cổ phiếu họ Vin bị bán mạnh, thị trường lao dốc

(ĐTCK) Lệnh bán ồ ạt tại nhóm cổ phiếu họ Vin (VIC, VHM và VRE), những trụ cột của thị trường, đã lan ra cả thị trường, kéo các chỉ số chính lao dốc ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (16/4).

Nhóm cổ phiếu Vingroup bao gồm VIC, VHM và VRE nhanh chóng bị xả mạnh và giảm sâu ngay khi mở cửa phiên sáng, khiến VN-Index đổ đèo, mất gần 20 điểm xuống ngưỡng 963 điểm khá chóng vánh, trong đó VHM và VRE có thời điểm đã ở rất gần mức giá sàn.

Lực bán từ nhóm cổ phiếu trụ của thị trường đã ảnh hưởng xấu tới tâm lý nhà đầu tư, khiến lệnh bán mạnh lây lan ra nhiều nhóm cổ phiếu khác, đẩy thị trường chìm trong sắc đỏ.

Sau đó, lực cầu bắt đáy cũng được kích hoạt, kéo chỉ số trở lại ngưỡng 970 điểm và đang có dấu hiệu tích cực khi tịnh tiến dần về mốc tham chiếu.

Bất chấp tâm lý bất an chiếm ưu thế trên thị trường, nhưng  một số mã cố phiểu nhỏ vẫn đi ngược xu hướng khi tăng khá mạnh. Trong đó, VHG tiếp tục có phiên tăng trần thứ 19 liên tiếp, lên 1.500 đồng. So với phiên 18/3, cổ phiếu VHG đã tăng tới 241%.

Ngoài VHG, TGG cũng có lúc đã lên mức giá trần 4.670 đồng trong phiên sáng nay, nhưng lực cầu yếu khiến mã này không thể duy trì sắc tím được lâu.

Một số mã đáng chú ý khác cũng đã dần hồi phục như BID, HDB, VNM, HPX, NTL..., giúp thị trường hãm đà rơi.

Sau khi lực cầu bắt đáy hấp thụ một phần lệnh bán mạnh từ đầu phiên, VN-Index trở lại ngưỡng 970 điểm và cố gắng hồi phục, nhưng tâm lý nhà đầu tư còn rất thận trọng đã khiến chỉ số chỉ đi ngang cho đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 71 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index giảm 12,82 điểm (-1,30%), xuống 970,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 85,22 triệu đơn vị, giá trị 1.804 tỷ đòng, tăng hơn 10% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,92 triệu đơn vị, giá trị 251,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu Vingroup bao gồm VIC, VHM và VRE đã thu hẹp đáng kể đà giảm đà giảm là nguyên nhân chính để VN-Index không giảm sâu.

Cụ thể, VIC -3,1% xuống 109.700 đồng, khớp hơn 780.000 đơn vị; VHM -3,1% xuống 90.400 đồng, khớp gần 750.000 đơn vị; VRE -2,9% xuống 33.950 đồng, khớp gần 1,7 triệu đơn vị.

Các bluechip, cổ phiếu lớn khác cũng theo chân bộ 3 cổ phiếu Vingroup hãm bớt đà rơi, thậm chỉ một số còn xanh trở lại như VNM +0,2% lên 136.000 đông; BID +1% lên 35.100 đồng; HDB +1,6% lên 28.150 đồng.

Nhóm bluechip còn giảm mạnh có ROS -3,2% xuống 30.500 đồng; CTG -2,1% xuống 21.400 đồng; DHG -2,1% xuống 113.600 đồng. Trong khi, mất hơn 1% có VCB -1,5% xuống 67.000 đồng; GAS -1,4% xuống 105.000 đồng; TCB -1,4% xuống 24.550 đồng; VPB -1,5% xuống 19.150 đồng. Còn lại chỉ giảm nhẹ, thậm chí MSN, EIB, BHN, GMD còn trở lại mức tham chiếu từ sắc đỏ.

Khớp lệnh cao nhất là ROS với gần 2,8 triệu đơn vị; CTG có 2,4 triệu đơn vị; STB có 1,82 triệu đơn vị; VPB có 1,67 triệu đơn vị; MBB có 1,6 triệu đơn vị.

Ảnh hưởng chung, nhóm cổ phiếu nhỏ đa số cũng đã giảm điểm, trong đó có nhiều mã thanh khoản cao như FLC, lớn nhất HOSE với hơn 5,38 triệu đơn vị cùng AAA, HSG, ITA, PVD, LCG, SCR, QCG, DLG…

Tăng điểm và cũng là đáng chú ý nhất là VHG, khi tiếp tục tăng trần +6,4% lên 1.500 đồng, khớp hơn 0,8 triệu đơn vị. Cùng một vài mã xanh như LDG, TNI, NTL, EVG, CCL…khớp lệnh từ 0,4 triệu đến 0,9 triệu đơn vị.

Đi ngược xu hướng thị trường là một số khác như CMX +5%; NBB +4,6%; CTF +3,5%; ACL +3,4%; VSH +2,9%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã giảm mạnh khi mở cửa, sau đó cũng được nhanh chóng kéo lên, nhưng tương tự trên HOSE, chỉ số chỉ hồi nhẹ và đi ngang tại vùng giá thấp cho đến hết phiên.

Hầu hết các mã lớn cũng đồng loạt giảm như ACB -1% xuống 29.900 đồng; VCG -2,2% xuống 26.300 đồng; PVS -1,7% xuống 22.900 đồng; VCS -2,1% xuống 66.000 đồng; VGC -1,5% xuống 19.600 đồng; NVB -2,3% xuống 8.700 đồng; CEO -1,7% xuống 11.800 đồng; SHS -1,7% xuống 11.400 đồng; MBS -2% xuống 14.900 đồng.

Trong khi, một số gắng trở lại tham chiếu là SHB, PVI, NTP, TNG, NDN..cùng các mã nhỏ PVX, DCS, DPS, HUT…

Khớp lệnh cao nhất là SHB với hơn 3,1 triệu đơn vị; PVS có 2,7 triệu đơn vị; ART có 1,37 triệu đơn vị, giảm 3,2% xuống 3.000 đồng; PVX có 1,24 triệu đơn vị; ACB có 0,9 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,93 điểm (-0,86%), xuống 106,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,87 triệu đơn vị, giá trị 219,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,63 triệu đơn vị, giá trị 25,2 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm xanh khi mở cửa, sau đó cũng bị hiệu ứng tiêu cực trên toàn thị trường ảnh hưởng và nhanh chóng bị đẩy xuống dưới tham chiếu, và diễn biến chạm đáy và hồi dần cũng xuất hiện tương tự như 2 sàn chính.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trên UpCoM là SBS, khi bất ngờ thanh khoản tăng vọt với hơn 2,14 triệu đơn vị, tăng kịch trần +12,5% lên 1.800 đồng. Có lẽ thông tin xin ý kiến cổ đông về việc hợp nhất với CTCP Chứng khoán HVS Việt Nam đã kích hoạt lệnh mua mạnh.

Nhóm cổ phiếu tăng điểm đáng kể khác chỉ còn HVN, MPC, GVR. Cùng với đó là tân binh MFS của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone, bắt đầu giao dịch phiên đầu tiên hôm nay với hơn 7,06 triệu cổ phiếu với giá tham chiếu 26.300 đồng đã biến động khá mạnh, khi có thời điểm đã tăng kịch trần, nhưng kết phiên chỉ còn +0,4% lên 26.400 đồng, khớp lệnh hơn 0,3 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,26%), xuống 56,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,65 triệu đơn vị, giá trị 110,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Tin bài liên quan