Phiên sáng 15/3: Cổ phiếu lớn đồng loạt giảm, VN-Index đe dọa ngưỡng 1.130 điểm

Phiên sáng 15/3: Cổ phiếu lớn đồng loạt giảm, VN-Index đe dọa ngưỡng 1.130 điểm

(ĐTCK) Lực nâng đỡ trong cuối phiên hôm qua từ một số cổ phiếu lớn đã không còn trong phiên sáng nay. Áp lực chốt lời diễn ra ở các mã lớn khiến VN-Index giảm khá mạnh và đe dọa mốc 1.130 điểm.

Hai điểm nhấn trong phiên giao dịch hôm qua là việc VN-Index đã vài lần tiến lên thử thách ngưỡng cản tiếp theo tại 1.140 điểm nhưng đã không thành công, và lực đỡ mạnh bất ngờ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vào cuối phiên, giúp chỉ số vẫn có được sắc xanh khi đóng cửa, bấp chấp áp lực chốt lời mạnh diễn ra.

FPTS đánh giá cao tín hiệu tăng giá và củng cố cho trạng thái breakout của VN-Index trong phiên hôm nay bởi đây có thể là cơ hội để giúp thị trường giải tỏa trạng thái tâm lý dồn nén duy trì trong gần 3 tuần vừa qua.

Rung lắc có thể sẽ vẫn xảy ra nhưng xu hướng tổng thể sẽ là tăng giá nhằm giúp thị trường hoàn thiện tín hiệu cho chu kỳ vận động mới.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (15/3), áp lực chốt lời trong phiên chiều qua đã xuất hiện ngay từ khi mở cửa, VN-Index lao xuống ngưỡng hỗ trợ gần nhất vừa vượt qua là 1.130 điểm.

Các mã cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời, đang cố gắn bứt lên chỉ còn MBB và HDB.

Nhóm bluechip VN30 cũng chỉ còn vài mã tăng giá sau gần 1 giờ giao dịch như BVH, DHG, MSN, REE, NT2, nhưng thanh khoản khá thấp, còn lại đều giảm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu hút dòng tiền gần đây như STB, CTG, NVL, SSI...Các trụ đỡ về cuối phiên hôm qua như VNM, VCB và GAS cũng đã lùi dần xuống sắc đỏ.

Ngược lại, dòng tiền lại đang dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như SCR, HAG, HNG, IDI, QCG và đặc biệt là 2 mã VHG và EMC, khi tăng trần từ khá sớm.

VN-Index giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên sáng, thậm chí trong những phút cuối, chỉ số này còn nới rộng đà giảm và đe dọa mốc 1.130 điểm khi các mã lớn bị chốt lời mạnh, trong khi bên nắm giữ tiền mặt lại tỏ ra rụt rè,

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 111 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index giảm 7,18 điểm (-0,63%), xuống 1.310,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 125,53 triệu đơn vị, giá trị 3.284,06 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng và 22,3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,26 triệu đơn vị, giá trị 302,2 tỷ đồng.

Hẩu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường và VN30 đều suy giảm với 20 mã mang sắc đỏ. TOP 10 mã lớn nhất còn BID và VRE tăng, nhưng cũng chỉ cộng thêm 1% lên 39.400 đồng/cổ phiếu, VRE tăng nhẹ 0,2% lên 53.600 đồng/cổ phiếu và MSN đứng tham chiếu, còn lại đều giảm.

VNM giảm 1,2% xuống 21.400 đồng/cổ phiếu; VIC giảm 1,5% xuống 101.000 đồng/cổ phiếu; VCB giảm 0,7% xuống 73.300 đồng/cổ phiếu; GAS giảm 1,2% xuống 116.800 đồng/cổ phiếu; SAB giảm 2,6% xuống 209.100 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 0,1% xuống 35.500 đồng/cổ phiếu; VPB giảm 1,4% xuống 63.600 đồng/cổ phiếu.

Nhóm tăng điểm đáng kể trong VN30 kèm thanh khoản tốt, chỉ còn SBT, REE và một cổ phiếu ngân hàng là MBB.

Trong đó, SBT tăng 0,4% lên 19.400 đồng/cổ phiếu, khớp 5,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản VN30. REE tăng 0,7% lên 41.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,15 triệu đơn vị; MBB tăng 0,6% lên 35.000 đồng/cổ phiếu, khớp 3,2 triệu đơn vị, trong khi STB lao về tham chiếu 16.050 đồng/cổ phiếu, khớp 5,1 triệu đơn vị.

Tăng mạnh nhất là DHG, khi + 3,6% lên 102.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ có gần 250.000 đơn vị khớp lệnh; các mã khác tăng khiêm tốn hơn có CII(+1,8%); NT2 (+1,7%); BVH (+0,6%).

Nhóm mất điểm lớn nhất ngoài SAB còn có CTD mất 2,2% xuống 163.500 đồng/cổ phiếu; BMP giảm 3,3% xuống 76.300 đồng/cổ phiếu; VJC mất 1% xuống 204.500 đồng/cổ phiếu.

Những mã khác bị chốt lời kèm thanh khoản cao như NVL, có 2,5 triệu đơn vị khớp, chốt phiên giảm 0,1% xuống 78.800 đồng/cổ phiếu; SSI giảm 0,5% xuống 39.900 đồng/cổ phiếu; HPG giảm 1,6% xuống 60.800 đồng/cổ phiếu, khớp 2,04 triệu đơn vị; HSG giảm 2,1% xuống 23.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,28 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường lại nhận được lực cầu khá lớn như SCR. Phiên sáng nay, cổ phiếu vươn lên dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 10,1 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 4,1% lên 12.650 đồng/cổ phiếu. Có lẽ sau thông tin CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre đã hoàn tất việc mua vào hơn 21,72 triệu cổ phiếu SCR, tỷ lệ 8,91%.

Một số mã thị trường còn lại cũng có lực cầu khá tốt như cặp đôi HAG và HNG, FLC, IDI, FIT, HQC, HAI, AMD, HVG, NVT, EMC khi có từ khoảng 1 triệu đến 4,7 triệu đơn vị khớp lệnh và cùng tăng, thậm chí HVG, NVT và EMC tăng kịch trần.

Trong khi đó, ASM, TLD, EVG, và APC tiếp tục giảm. Trong đó TLD có diễn biến khá giống với phiên sáng hôm qua, khi tiếp tục giảm sàn; EVG cũng có 4 phiên tăng liên tiếp, 3 phiên tăng trần đã giảm sàn xuống 5.960 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Đặc biệt là APC, khi mã này trước phiên sáng nay cũng đã có 6 phiên liên tiếp giảm sàn, lao 1 mạch từ vùng 77.200 đồng/cổ phiếu xuống còn 50.200 đồng/cổ phiếu và tiếp tục mất tối đa 7% xuống 46.700 đồng/cổ phiếu chốt phiên sáng nay, khớp hơn 944.000 đơn vị.

Trái lại, trên sàn HNX, sau ít phút rung lắc đầu phiên, HNX-Index đã nhanh chóng lấy lại đà tăng và giao dịch với sắc xanh trong suốt thời gian còn lại. Về cuối phiên, dù chỉ số này bị đẩy lại gần tham chiếu do ACB đảo chiều, VCS giảm giá, nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của SHB, VCG, VGC, PVS.

Cụ thể, chốt phiên sáng nay, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,1%), lên 130,56 điểm với 64 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44 triệu đơn vị, giá trị 623 tỷ đồng, giảm 9,1% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 18,96 tỷ đồng.

Trong Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn, có 6 mã giảm và 4 mã tăng. Trong đó, ACB giảm nhẹ 0,2%, xuống 49.100 đồng với 1,54 triệu đơn vị được khớp. VCS giảm 1,08%, xuống 246.700 đồng với chỉ hơn 12.700 đơn vị được khớp. PVI sau phiên khởi sắc hôm qua cũng quay đầu giảm 1,18%, xuống 41.800 đồng với 0,67 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, VPI giảm 1,06%, xuống 37.400 đồng, NTP giảm 1,22%, xuống 65.000 đồng, DL1 giảm 0,66%, xuống 45.200 đồng.

Trong khi đó, SHB lại duy trì được sắc xanh, dù đà tăng không lớn, chỉ 0,77%, lên 13.100 đồng với 16,2 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX. VCG cũng tăng nhẹ 0,41%, lên 24.500 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. VGC tăng 0,84%, lên 24.100 đồng với 1,13 triệu đơn vị được khớp. PVS cũng hồi phục 0,44%, lên 22.900 đồng với 1,74 triệu đơn vị được khớp.

Đặc biệt, sáng nay ghi nhận sự khởi sắc bất ngờ của NVB khi tăng 6,9%, lên 9.300 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp, có lúc thậm chí đã lên mức trần 9.500 đồng. Đây là mức thanh khoản tốt nhất kể từ ngày 12/1/2018 của NVB, nhiều khả năng khi hết phiên giao dịch hôm nay, kỷ lục thời gian này có thể phá vỡ, lên mức cao nhất kể từ ngày 17/8/2017.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán đã có sự phân hóa sau khi tăng mạnh trước đó. Trong khi SHS tiếp tục giữ đà tăng 2,11%, lên 24.200 đồng với 2,19 triệu đơn vị được khớp, thì MBS đảo chiều giảm 0,54%, xuống 18.300 đồng, IVS giảm 4,55%, xuống 8.400 đồng, VIX giảm 0,95%, xuống 10.400 đồng, VIG ở mức tham chiếu 3.400 đồng…

KLF sau phiên sôi động hôm qua cũng nhanh chóng hạ nhiệt khi giảm 3,85%, xuống 2.500 đồng sáng nay với lượng khớp chỉ hơn 0,74 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn UPCoM sau ít phút khó khăn đầu phiên đã lấy lại sắc xanh và nới rộng dần đà tăng trong thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,56%), lên 61,64 điểm với 77 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12 triệu đơn vị, giá trị 307 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,19 triệu đơn vị, giá trị 50 tỷ đồng.

Đà tăng của UPCoM-Index nhờ sự hồi phục của BSR, HVN, VGT, LTG, cùng đà tăng vững của VIB, MCH. Trong khi POW, OIL, ACV, SDI, MSR, DVN vẫn giảm giá, cùng LPB đảo chiều giảm. Tuy nhiên, giao dịch trong phiên sáng nay không quá sôi động khi chỉ có 3 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Cụ thể, POW có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 2 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,17%, xuống 16.900 đồng. BSR đứng thứ 2 với 1,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3%, lên 27.400 đồng. Tiếp đến là LPB với 1,36 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,25%, xuống 15.800 đồng.

HVN tăng 3,98%, lên 52.300 đồng với 0,85 triệu đơn vị được khớp; VIB tăng 4,33%, lên 43.400 đồng, VGT tăng 6,16%, lên 15.500 đồng… Trong khi OIL giảm 2,2%, xuống 22.200 đồng với gần 0,8 triệu đơn vị được khớp. DVN giảm 1,39%, xuống 21.300 đồng. SDI giảm 2,71%, xuống 97.000 đồng…

Tin bài liên quan