Phiên sáng 14/11: Dòng tiền yếu ớt, VN-Index chưa thể trở lại

Phiên sáng 14/11: Dòng tiền yếu ớt, VN-Index chưa thể trở lại

(ĐTCK) Nỗ lực hồi phục sau phiên giảm sâu hôm qua (13/11), nhưng dòng tiền yếu ớt khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh khi chốt cửa phiên sáng nay (14/11).

Trong phiên sáng hôm qua, đà giảm của TTCK thế giới trước đó, khiến VN-Index lao dốc ngay từ khi mở cửa và chịu áp lực lớn nhất vẫn là nhóm bluechips.

Sự tích cực không được duy trì trong suốt phiên giao dịch, cộng thêm tâm lý nhà đầu tư khá dè dặt. Bởi vậy, thêm một nhịp đẩy bán trong thời điểm cuối phiên đã dễ dàng khiến đà giảm của VN-Index nới rộng thêm.

Theo SHS nhận định, thời gian gần đây thị trường trong nước chịu khá nhiều tác động từ thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên trước đó. Sự đồng thuận này đã tạo ra những khoảng gap up hoặc down so với phiên hôm trước.

Việc này khiến cho những giao dịch ngắn hạn trở nên rất rủi ro, nhất là trên thị trường hợp đồng tương lai đối với những nhà đầu tư giữ vị thế qua đêm. Xu hướng thị trường tiếp tục trở nên vô cùng khó đoán với thiên hướng tiêu cực vẫn chiếm chủ đạo.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay ngày 14/11, ngay khi mở cửa, VN-Index đã chớm đỏ, nhưng may mắn sắc đỏ này chỉ diễn ra trong vài phút, và sau đó bật mạnh lên trên 910 điểm.

Mặc dù số mã tăng trên bảng điện tử đang chiếm ưu thế rõ ràng, và điều tương tự cũng diễn ra ở rổ VN30.

Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn khá cao, dòng tiền có xu hướng tìm đến nhóm cổ phiếu có thị giá vừa và nhỏ như FLC, IDI, ASM, HCD, HAG, PDR, CMX, …và đáng chú ý có KMR, khi bất ngờ tăng kịch trần lên 3.650 đồng từ sớm, khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao địch đã có gần 800.000 đơn vị, gấp 10 lần khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất.

Ngược lại thì 3 mã khớp lệnh tốt nhất là HNG, HPG và PVD chịu áp lực bán ngay từ khi mở cửa.

Trong khi đó, các bluechip lại khá hờ hững, với mức tăng với biên độ nhỏ, trong khi các mã giảm cũng không mất điểm sâu.

Nhưng đáng kể nhất là GAS giảm hơn 2% sau hơn 1 giờ giao dịch là nguyên nhân khá lớn khiến VN-Index bị đẩy lui xuống ngưỡng 910 điểm đôi chút.

Thông tin mới nhất đáng chú ý là việc DHG, VGC và YEG được thêm vào rổ MSCI Frontier Markets Small Cap, NTP bị loại kể từ ngày 30/11 tới trong đợt tái cơ cấu danh mục quý IV/2018.

Nửa đầu phiên sáng nay thì VGC và YEG đang tăng khá tốt, trong khi DHG và NTP chỉ lình xình quanh mức tham chiếu.

Sau khi đi ngang quanh ngưỡng 908 điểm trong phần lớn thời gian, VN-Index bất ngờ đổ đèo trong 30 phút cuối của phiên sáng và xuyên thủng tham chiếu với đà giảm nới rộng của 2 ông lớn dầu khí GAS, PLX cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 142 mã tăng và 116 mã giảm, VN-Index giảm 1,71 điểm (-0,19%), xuống 903,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 67,5 triệu đơn vị, giá trị 1.566,33 tỷ đồng, giảm gần 13% về khối lượng nhưng tăng nhẹ hơn 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 342,9 tỷ đồng.

Việc giá dầu thô thế giới phiên đêm qua mất hơn 7%, đánh dấu phiên giảm thứ 12 liên tiếp, chuỗi giảm dài chưa từng thấy kể từ khi loại dầu này bắt đầu được giao dịch trên thị trường hàng hóa giao sau ở New York vào năm 1983, cùng thông tin OPEC đã đồng ý có nhu cầu cắt giảm nguồn cung trong năm tới khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 10 để ngăn chặn cung vượt cầu đã thực sự ảnh hưởng mạnh đến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước, đặc biệt là 2 cổ phiếu lớn GAS và PLX nêu trên.

Theo đó, GAS giảm 3,1% xuống 91.000 đồng; PLX giảm 2,1% xuống 55.300 đồng. Các mã nhỏ hơn như PVD -3,1% xuống 15.400 đồng; PGC -2,8% xuống 14.000 đồng PVT -1,2% xuống 16.300 đồng; PXS -1,3% xuống 5.180 đồng…

Không chỉ nhóm dầu khí, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đồng loạt đi xuống với VCB -1,1% xuống 53.000 đồng; BID -0,3% xuống 30.900 đồng; TCB -0,6% xuống 25.600 đồng; CTG -1,4% xuống 21.700 đồng; VPB -0,7% xuống 20.050 đồng; MBB -0,2% xuống 20.500 đồng; HDB giảm mạnh nhất khi -4,7% xuống 28.600 đồng.

Đi ngược lại nhóm chỉ còn STB +0,4% lên 12.050 đồng; TPB +0,2% lên 25.500 đồng; EIB +1,1% lên 13.500 đồng.

Các cổ phiếu lớn đáng chú ý khác là VIC +1,4%; VNM +1,3%; SAB +1,3%, MSN +0,7%; VJC +0,5%, còn lại cũng đều chìm trong sắc đỏ như HPG -2,2% xuống 36.100 đồng; BVH -2% xuống 97.000 đồng; ROS -1,4% xuống 36.400 đồng…

Khớp lệnh cao nhất có HPG với hơn 3,2 triệu đơn vị, và cũng là mã khớp lệnh cao nhất HOSE. Nhóm MBB, VPB, STB, CTG, HSG, SBT có từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu đơn vị, trong đó SBT cùng STB nêu trên có sắc xanh nhạt.

Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa nhưng các mã đỏ chiếm ưu thế. Chỉ còn ASM, HCD, ITA,, KMR, CMX, PHR, DRH, NTL tăng điểm, khớp từ hơn nửa triệu đến 1,5 triệu đơn vị, trong đó KMR giữ vững sắc tím cho đến hết phiên, khớp hơn 930.000 đơn vị.

Các mã đáng chú ý là TGG -5% xuống 6.500 đồng; ANV -4,3% xuống 28.800 đồng; tân binh HTN giảm 3,7% xuống 28.800 đồng; TCH -2,2% xuống 19.650 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc và giằng co quanh tham chiếu là diễn biến chủ đạo trong phần lớn thời gian phiên sáng nay, nhưng cũng tương tự như trên HOSE, chỉ số cũng bị đẩy khá dứt khoát xuống dưới tham chiếu trong ít phút cuối.

Điểm sáng chỉ còn le lói tại VGC +1,9% lên 15.800 đồng; DBC +1,4% lên 28.200 đồng, cùng vài mã nhỏ tăng trần như MPT, VIG, HKB, PVX.

Còn lại đều giảm như ACB -0,7% xuống 28.100 đồng; MBS -1,3% xuống 15.000 đồng; SHS -0,7% xuống 13.700 đồng; VCS -0,1% xuống 72.800 đồng…

Cùng chung ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm dầu khí thì PVS -3,7% xuống 18.000 đồng; PVB -2,2% xuống 17.400 đồng; PVC -1,6% xuống 6.100 đồng và PGS đứng tham chiếu.

Các mã khác đứng tham chiếu là SHB, NVB, HUT, VCG, VGS, TV2…

Khớp lệnh cao nhất sàn là PVS vơi 3,1 triệu đơn vị; SHB có 1,68 triệu đơn vị; TTH có 1,1 triệu đơn vị, tăng 7,3% lên 5.900 đồng; TNG có 1 triệu đơn vị; VGC có hơn 970.000 đơn vị…

Cổ phiếu đáng chú ý là SRA, khi giảm mạnh 7,8% xuống 47.000 đồng, khớp lệnh hơn 26.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 40 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,46%), xuống 102 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,19 triệu đơn vị, giá trị 231,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,19 triệu đơn vị, giá trị 20,9 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến dao động, giằng co quanh tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ cũng diễn ra.

Sự phân hóa mạnh mẽ là điều dễ dàng nhận thấy trên bảng điện tử, trong đó nhóm dầu khí không tránh khỏi việc mất điểm như các cổ phiếu khác trên HOSE và HXN với BSR -1,9%; OIL -0,7%; POW -0,7%. Cùng với đó là sắc đỏ của HVN, ACV, QNS, DVN…

Ngược lại thì MPC, VIB, GVR, MCH, MSR, GEG, NTC tăng điểm. Trong khi VGT, LPB, VEA, CEN, VGI đứng giá tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,1%), xuống 51,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,11 triệu đơn vị, giá trị 93,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,1 triệu đơn vị, giá trị 7,58 tỷ đồng.

Tin bài liên quan