Phiên sáng 13/3: Thị trường lao dốc, nhiều nhà đầu tư tranh thu gom hàng

Phiên sáng 13/3: Thị trường lao dốc, nhiều nhà đầu tư tranh thu gom hàng

(ĐTCK) Dù được tiếp thêm khá nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên lao dốc mạnh sáng nay (13/3). Tuy nhiên, tận dụng sự sợ hãi của nhiều người, một số nhà đầu tư đã tranh thủ gom hàng giá rẻ.

Thị trường toàn cầu tối qua (theo giờ Việt Nam) chứng kiến phiên bán tháo khiến các chỉ số lao dốc mạnh và xác lập phiên giảm lịch sử.

Trong phiên hôm qua, chứng khoán Việt cũng chứng kiến phiên bán tháo mạnh đẩy VN-Index rơi xuống đáy 2,5 năm với hơn 100 mã nằm sàn.

Như vậy, kể từ sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17, cũng là ca đầu tiên tại Hà Nội cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục lao dốc. Trong 4 phiên giao dịch tuần này (từ đầu tuần đến phiên thứ Năm), chỉ số VN-Index đã mất hơn 122 điểm, tương ứng giảm 13,77%, HNX-Index giảm gần 12 điểm. Qua đó, khiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 552.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 23,8 tỷ USD.

Trước diễn biến này, UBCK đã lên tiếng để trấn an tâm lý nhà đầu tư. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK, thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh nằm trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế.

“Nhà đầu tư hãy bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp và nền kinh tế, không nên bán tháo lúc này”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trong phạm vi thẩm quyền, UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Trước đó, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra, nhiều thành viên thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư… mới đây đã kiến nghị UBCK, Bộ Tài chính xem xét giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài ra, hàng loạt thông tin hỗ trợ khác cũng được được ra chiều qua như Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chuẩn bị hạ lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, bỏ quan hết những thông tin tích cực trong nước, sự sợ hãi vẫn ám ảnh nhà đầu tư và đã được thể hiện bằng hành động bán tháo ngay khi mở cửa phiên sáng nay.

Hàng trăm mã mất điểm cùng toàn bộ bluechip giảm sâu đã khiến chỉ số VN-Index bốc hơi thêm hơn 40 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Trong nhóm VN30 có tới một nửa số mã giao dịch tại mức giá sàn, còn lại cũng giảm khá sâu và đang ngấp nghé nằm sàn khiến VN-Index giảm hơn 45 điểm về vùng 720 - 725 điểm.

Trái với xu hướng chung của thị trường, cặp đôi AMD và QCG vẫn là điểm sáng khi nối dài chuỗi ngày nằm trần. Trong đó, AMD xác lập phiên tăng trần thứ 10 và dư mua trần hơn 8 triệu đơn vị ngay từ đầu phiên, còn QCG có phiên tăng trần thứ 12 và dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Khi lực cung bán tháo diễn ra trên diện rộng, nhiều nhà đầu tư đã tranh thu gom hàng giá rẻ, giúp thị trường hãm bớt đà rơi. Trong đó, nhiều mã lớn thoát khỏi sắc xanh mắt mèo, cùng một số mã đã lấy lại trạng thái cân bằng, tạo đông lực giúp VN-Index bật ngược đi lên gần 10 điểm và đã lấy lại được mốc 935 điểm.

 Đóng cửa, số mã giảm vẫn chiếm áp đảo với 342 mã (90 mã giảm sàn), trong khi chỉ 40 mã tăng, VN-Index giảm 33,32 điểm (-4,33%), xuống 735,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên sáng qua với hơn 210 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.314 tỷ đồng, tăng 15,72% so với phiên sáng hôm qua.

 Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34 triệu đơn vị, giá trị 954,9 tỷ đồng, trong đó đáng kể MSN thỏa thuận hơn 6,7 triệu đơn vị, giá trị 328,5 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 16,33 triệu đơn vị, giá trị 275,43 tỷ đồng.

 Như đã nói ở trên, nhóm VN30 có 2 mã là SAB và STB đã lấy lại mốc tham chiếu, còn lại 28 mã mất điểm. Trong đó, chỉ còn 8 mã giảm sàn là BVH, GAS, HDB, MWG, PLX, PNJ, ROS và SBT.

 Nhiều mã lớn cũng có diễn biến tích cực hơn khi thoát giá sàn và thu hẹp đà giảm đáng kể như VHM -2,1% xuống 70.500 đồng/CP, VNM -2,7% xuống 98.200 đồng/CP (là mức giá cao nhất trong phiên), TCB -3,3% xuống 17.350 đồng/CP…

 Tuy nhiên, nhiều bluechip khác vẫn giảm khá sâu và ngấp nghé sàn như VIC, BID, MSN, VJC, VRE, BID…

 Cổ phiếu STB lấy lại mốc tham chiếu nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Chốt phiên, STB cũng là mã dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE, đạt hơn 9 triệu đơn vị.

 Trong khi hàng loạt mã giảm sâu và nằm sàn thì ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi AMD và QCG vẫn tím đậm. Trong đó AMD dư mua trần 8,91 triệu đơn vị và khớp gần 2,8 triệu đơn vị; còn QCG khớp hơn 0,25 triệu đơn vị và dư mua trần 1,29 triệu đơn vị.

 Trên sàn HNX, lực bán mạnh trên diện rộng tiếp tục khiến HNX-Index giảm sâu về dưới mốc 100 điểm.

 Chốt phiên sáng, sàn HNX có 18 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 3,48 điểm (-3,42%), xuống 98,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,58 triệu đơn vị, giá trị 452,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,84 triệu đơn vị, giá trị 28,82 tỷ đồng.

 Nhóm HNX30 vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi chỉ có mỗi L14 có được sắc xanh nhạt, trong khi nhiều mã lớn giảm khá sâu.

 Cụ thể, ACB -4,5% xuống 21.100 đồng/CP, SHB -4,5% xuống 10.700 đồng/CP, VCS -6,5% xuống 50.500 đồng/CP, VCG -1,2% xuống 24.700 đồng, CP, PVS -4,6% xuống 10.300 đồng/CP, ngoài ra PVB, PVC, HUT, MBS giảm sàn…

 Trong đó, cặp đôi nhà bank là SHB và ACB dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh tương ứng 10,97 triệu đơn vị và 6,33 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, PVS khớp hơn 4 triệu đơn vị.

 Trên UPCoM, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ. 

 Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,19 điểm (-2,34%), xuống 49,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,89 triệu đơn vị, giá trị 117,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 9 tỷ đồng.

 Cũng như thị trường niêm yết, 2 mã ngân hàng trên UPCoM dẫn đầu thanh khoản là LPB đạt khối lượng giao dịch 2,37 triệu đơn vị và VIB với hơn 1,6 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Chốt phiên, LPB -2,82% xuống 6.900 đồng/CP, còn VIB -6,37% xuống 14.700 đồng/CP.

 Ngoài ra, các mã lớn khác như BST, VGI, VGT, ACV, VEA… vẫn giảm sâu.

Tin bài liên quan