Phiên sáng 13/11: VN-Index quay đầu, khối ngoại bán mạnh CTG

Phiên sáng 13/11: VN-Index quay đầu, khối ngoại bán mạnh CTG

(ĐTCK) Dù không sôi động như một số mã cổ phiếu thị trường trong giao dịch khớp lệnh, nhưng cổ phiếu CTG của VietinBank có đột biến trong giao dịch thỏa thuận của nhà đầu tư nước ngoài.
 

Các thương vụ M&A ngân hàng đang gây chú ý lớn trên thị trường. Sau thương vụ 20.300 tỷ đồng giữa KEB Hana Bank và BIDV (BID), thị trường đang chờ đợi các thương vụ khủng khác, trong đó đáng chú ý là Vietcombank (VCB).

Trong 3 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối đang niêm yết trên sàn, VietinBank đã cạn room ngoại, nên không thể kỳ vọng vào thương vụ rót tiền ngàn tỷ từ khối ngoại vào ngân hàng này. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu CTG đã có đột biến trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra hơn 18 triệu cổ phiếu CTG, trong đó sang tay cho các nhà đầu tư nước ngoài khác hơn 11,6 triệu cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch khớp lệnh, cổ phiếu CTG cũng có giao dịch khá sôi động với gần 1,7 triệu cổ phiếu được khớp sau 75 phút giao dịch và đang 1,59% lên 22.350 đồng.

Một số mã ngân hàng khác như MBB, HDB cũng có giao dịch khá sôi động, nhưng về mức giá lại không được tích cực như CTG.

Về diễn biến chung của thị trường, sau khi mở cửa với sắc xanh và leo lên lấy lại mốc 1.020 điểm, VN-Index đã bị đẩy ngược trở lại xuống dưới mốc 1.015 điểm, đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,16 điểm (-0,41%), xuống 1.014,17 điểm với 103 mã tăng và 187 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 140 triệu đơn vị, giá trị 3.128,6 tỷ đồng, tăng 36% về khối lượng và 59% về giá trị so với phiên sáng qua. Tuy nhiên, sự tăng mạnh về thanh khoản sáng nay đến từ giao dịch thỏa thuận của CTG, chủ yếu là của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, sáng nay có 54 triệu đơn vị, giá trị 1.387 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận, trong đó CTG đóng góp 24,9 triệu đơn vị, giá trị 535 tỷ đồng. Tiếp đến là FPT với 3,3 triệu đơn vị, giá trị 215,6 tỷ đồng, GEX với 8,2 triệu đơn vị, giá trị 170,6 tỷ đồng.

Giao dịch đột biến của CTG đến từ nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại bán ra tới 24,9 triệu cổ phiếu CTG và mua vào 12,16 triệu đơn vị. Như vậy, khối ngoại bán ròng 12,7 triệu cổ phiếu CTG.

Không chỉ trong phiên thỏa thuận, CTG cũng có giao dịch khá sôi động trong phiên khớp lệnh với 4,1 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 trên sàn. Tuy nhiên, mức giá không còn giữ được đà tăng tốt như đầu phiên khi đóng cửa chỉ còn tăng 0,45% lên 22.100 đồng. Có lúc CTG lên mức giá 22.450 đồng, tăng hơn 2%.

Ngoài CTG, 2 mã ngân hàng khác cũng có giao dịch sôi động sáng nay là MBB và HDB, nhưng cả 2 đều đóng cửa trong sắc đỏ, dù chỉ giảm nhẹ.

Trong khi đó, ngoài CTG, trong Top 10 mã vốn hóa lớn chỉ có thêm BID có sắc xanh khi đóng cửa tăng 1,9% lên 42.900 đồng. Còn lại đều giảm, trong đó VHM, VNM và SAB giảm trên 1%, còn lại giảm nhẹ.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, sau khi khởi sắc đầu phiên, đã có sự phân hóa, đà tăng của một số mã cũng hãm bớt.

Trong đó, HAI, TNT còn dư mua giá trần, trong khi TSC mất sắc tím, FLC cũng chỉ giảm nhẹ, còn ROS giảm. Trong đó, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 4,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,8% xuống 24.950 đồng. TSC khớp 4,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,35% lên 4.020 đồng. FLC tăng 0,89% lên 4.530 đồng với hơn 4 triệu đơn vị.

Trong các mã bluechip khác, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, chỉ có BHN tăng tốt 3,84% lên 78.500 đồng, còn ở chiều ngược lại thì NVL giảm mạnh nhất khi mất hơn 2% xuống 56.900 đồng, còn lại chỉ tăng giảm nhẹ.

Trên HNX, với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng với bộ 3 ACB, SHB, NVB, nhất là ACB, HNX-Index có mức tăng khá tốt. Về cuối phiên, NVB về tham chiếu và ACB lùi 1 bước chỉ làm hãm đà tăng của HNX, chứ không lấy đi sắc xanh của chỉ số này.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,62%), lên 107,63 điểm với 44 mã tăng và 45 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,94 triệu đơn vị, giá trị 202 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 34 tỷ đồng.

ACB đóng cửa tăng 1,62% lên 25.100 đồng với 2,44 triệu đơn vị, dẫn đầu trên sàn HNX. Tiếp đó là HUT với 1,88 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 2.700 đồng. SHB đứng thứ 3 về thanh khoản với 1,75 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,49% lên 6.800 đồng. NVB là mã còn lại có tổng khớp trên 1 triên đơn vị trên HNX sáng nay với khối lượng 1,2 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 9.000 đồng.

Trong khi đó, các mã lớn khác trên sàn như VCS, VCG, PVS, PVI đều giảm giá.

Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường chủ yếu lình xình dưới tham chiếu suốt phiên sáng và đóng cửa giảm nhẹ.

Chót phiên, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,06%), xuống 56,77 điểm với 69 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,2 triệu đơn vị, giá trị 152 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,49 triệu đơn vị, giá trị 79,7 tỷ đồng.

BSR là mã duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM sáng nay (1,14 triệu đơn vị), đóng cửa tăng 1% lên 10.100 đồng. Các mã khác có thanh khoản thấp và phân hóa về giá, nhưng mức biến động không lớn.

Tin bài liên quan