Phiên sáng 12/4: PDR tiếp tục bứt phá, VN-Index quay đầu giảm mạnh

Phiên sáng 12/4: PDR tiếp tục bứt phá, VN-Index quay đầu giảm mạnh

(ĐTCK) Trong khi PDR có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp và tăng 88,7% kể từ giữa tháng 3, thì áp lực bán lại diễn ra ở nhiều mã lớn, nhỏ khác, khiến VN-Index quay đầu giảm mạnh trong phiên sáng nay, chia tay mốc 730 điểm vừa chinh phục được phiên trước.

Thị trường vẫn tiếp tục với những bước tiến thận trọng đi lên sau khi VN-Index đã chinh phục được ngưỡng 730 điểm. Trong phiên giao dịch hôm qua, thanh khoản tiếp tục suy giảm bởi giao dịch hạn chế, tuy nhiên, điểm tích cực của phiên là bên cạnh đà tăng nhẹ của các chỉ số được duy trì, dòng vốn ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng với tổng giá trị lên tới 325 tỷ đồng.

Với những diễn biến trên, nhiều nhà phân tích đã đánh giá xu hướng thị trường vẫn sẽ duy trì tích cực. Theo MSI dự báo, trong phiên 12/4, VN-Index sẽ dao động trong biên độ hẹp, có thể tăng nhẹ tiến gần về cùng kháng cự 735 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng 12/4, dù nhiều cổ phiếu trong nhóm bluechip đảo chiều nhưng đà giảm không quá lớn trong khi cặp đôi trụ cột chính VNM và VIC vẫn duy trì sắc xanh đã giúp VN-Index bảo toàn đà tăng nhẹ khi mở cửa.

Chính độ rộng không mấy an toàn này khiến VN-Index rung lắc nhẹ khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục, bởi sự điều chỉnh của phần lớn các mã trong nhóm VN30. Tương tự, sau phiên khởi sắc hôm qua, các cổ phiếu trong nhóm HNX30 đã chịu áp lực bán ra trong phiên sáng nay khiến HNX-Index cũng khá rung lắc.

Ngay sau nhịp rung lắc nhẹ, VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh bởi sự trở lại của một số mã ngân hàng, tuy nhiên, đà tăng không mấy bền vững. Bên cạnh các mã lớn VIC, VNM, MSN, MWG, ROS tăng nhẹ, cổ phiếu ngân hàng gồm BID và CTG cũng đã đảo chiều tăng nhẹ 100-200 đồng/CP, VCB và STB quay trở lại mốc tham chiếu.

Điểm nóng trong 2 phiên vừa qua là SHB đã bị dập tắt trong phiên sáng nay khi áp lực bán gia tăng mạnh. SHB đang rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu và đã chuyển nhượng thành công 3,74 triệu đơn vị sau gần 1 giờ giao dịch.

Trong khi đó, dù nhóm cổ phiếu dầu khí mở cửa vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng thông tin giá dầu thô thế giới tiếp tục có phiên tăng giá thứ 4 đã bắt đầu tác động giúp các mã này dần chuyển biến. Bên cạnh GAS và PVC còn giảm 1,1-1,3%, các mã khác như PVD, PVS, PGS, PVB đã dầu đảo chiều tăng.

Trong khi FLC đã hồi phục thì cặp đôi HQC và ITA vẫn chịu áp lực bán ra và duy trì giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh lần lượt hơn 9 triệu đơn vị và 5,82 triệu đơn vị. Đáng chú ý, ITA tiếp tục bị bán ra ồ ạt và ghi nhận phiên giảm thứ 8 liên tiếp, xuống mức giá thấp nhất lịch sử 3.140 đồng/CP.

Lực cầu thận trọng trong khi bên bán đang chiếm ưu thế khiến đà tăng dần thu hẹp và VN-Index bắt đầu xuất hiện tín hiệu đảo chiều dau khoảng 90 phút giao dịch của phiên sáng.

Đà bán ra càng tăng tốc hơn về cuối phiên khiến sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng đồng loạt đảo chiều, đã khiến VN-Index quay đầu giảm mạnh, chia tay mốc 730 vừa đạt được phiên trước, trong khi HNX-Index cũng thủng ngưỡng 90 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 94 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index giảm 4,04 điểm (-0,55%) xuống 727,29 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 132,7 triệu đơn vị, giá trị 2.147,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 15,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 228 tỷ đồng. VN30-Index giảm 5,02 điểm xuống 692,91 điểm khi có tới 23 mã giảm, chỉ 5 mã tăng và 2 mã đứng giá.

Tương tự, sàn HNX cũng có tới 90 mã giảm và 48 mã tăng, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,76%) xuống 89,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 32,47 triệu đơn vị, giá trị 342,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 391 triệu đồng. HNX30-Index giảm 1,21 điểm xuống 167,25 điểm với 6 mã tăng, 14 mã giảm và 9 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau tín hiệu le lói sắc xanh đã nhanh chóng quay đầu đi xuống. Chỉ còn STB giữ mốc tham chiếu, còn lại VCB, BID, CTG, MBB cùng đảo chiều giảm từ 0,4-1%. Trên sàn HNX, SHB chốt phiên ở mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh 8,57 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản nhưng ACB lại quay đầu giảm khá mạnh, xuống mức giá thấp nhất phiên 23.200 đồng/CP, giảm 2,11%.

Các mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực, bên cạnh GAS giảm 1,1%, còn có MSN giảm 1,3%, KDC giảm 1,55%, HSG giảm 3,3%, HPG giảm 1,1%, SAB giảm 1,69%, VIC quay đầu giảm 0,4%, còn VNM trở lại mốc tham chiếu…

Bên cạnh các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu thị trường quen thuộc cũng đồng loạt kết phiên trong sắc đỏ như FLC, HQC, ITA, KBC, DXG, FIT, VHG, HAG, HNG, OGC…

Trái ngược với các mã trên, PDR lại tiếp tục duy trì sắc tím phiên thứ 3 liên tiếp, lên mức 25.100 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 157.000 đơn vị. Tính từ ngày 15/3 tới phiên sáng nay, PDR đã có mức tăng tới 88,7%.

Cùng có sắc tím như PDR còn có CIG, ATG, 2 mã khoáng sản DHM, LCM.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản sau phiên khởi sắc hôm qua cũng đều điều chỉnh như HUT giảm 1,43%, VCG giảm 0,64%, VC3 giảm 1,6%...

Trái với diễn biến tiêu cực trên 2 sàn chính, chỉ số trên sàn UPCoM vẫn giữ được đà tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điển (+0,34%) lên 57,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,13 triệu đơn vị, giá trị 41,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 0,6 triệu đơn vị, giá trị 11,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đóng vai trò là lực đỡ thị trường như GEX tăng 1,42%, VGT tăng 2,5%, FOX tăng 0,44%, VIB tăng 1,06%, MSR tăng 1,88%...

Trong khi đó, HVN chưa thoát khỏi sắc đỏ và ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Với mức giảm 1,9%, HVN chốt phiên tại mức giá 25.200 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 315.900 đơn vị. Ngoài ra, ACV cũng giảm gần 1%.

Cổ phiếu đáng chú ý trên sàn UPCoM là HNF. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp HNF tăng vọt từ dưới mốc tham chiếu lên thẳng và chốt phiên tại mức giá 28.200 đồng/CP, tăng 14,63% với khối lượng giao dịch 170.100 đơn vị và dư mua trần gần 4,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan