Phiên sáng 12/2: Nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi sóng

Phiên sáng 12/2: Nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi sóng

(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản thị trường suy giảm mạnh khi kỳ nghỉ Tết đang đến gần, nhưng nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh bên cạnh các bluechip khác giữ vững đà tăng, VN-Index tăng gần 10 điểm khi chốt phiên sáng nay.

Tuần giao dịch vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 4 phiêm giảm sâu, và chỉ 1 phiên hồi phục, VN-Index đánh mất hơn 100 điểm, với hàng loạt các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán thế giới cũng như các yếu tố trong nước như tỷ lệ ký quỹ mới, tâm lý chốt lời đón Tết.

Trong phiên cuối tuần trước, phải rất cố gắng VN-Index mới lấy lại được mốc 1.000 điểm, sau khi đã có thời điểm bốc hơi gần 50 điểm, khiến cơn hoảng loạn đầu tuần đe dọa quay lại, nhưng với lực cầu khá tốt vào cuối phiên sáng đã khiến tâm lý thị trường nhờ đó cũng được ổn định hơn.

Tuy vậy, theo một số công ty chứng khoán, xu hướng chủ đạo của VN-Index vẫn sẽ là điều chỉnh, đà hồi phục lấy lại xu hướng tăng của chỉ số vẫn cần phải được test lại sau nhiều phiên với những tín hiệu về xu hướng rõ ràng hơn.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (12/2), do thị trường sẽ chỉ còn giao dịch trong hôm nay và ngày mai (13/2), nên dòng tiền có phần rè rặt, thanh khoản sụt giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị giao dịch so với phiên sáng cuối tuần trước.

Tuy nhiên, điểm đáng mừng là VN-Index đã ngay lập tức tăng gần 16 điểm lên sát ngưỡng 1.020 điểm chỉ sau vài phút mở cửa, sắc xanh phủ tràn bảng điện tử, các mã vốn hóa lớn và bluechip tăng điểm mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Nhóm cổ phiếu thị trường ngoài HAG, HNG thì tất cả cũng nhận được dòng tiền tích cực.

Nhưng cũng tại đỉnh này, áp lực bán diễn tại một số cổ phiếu có thanh khoản khá như NVL, SBT, VRE, cùng đà giảm của VNM đã khiến chỉ số rung lắc và chốt phiên chỉ còn tăng gần 10 điểm.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh nhất là VRE khi mất 2,5% xuống 46.550 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 1,47 triệu đơn vị; NVL giảm 0,9% xuống 79.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,86 triệu đơn vị; VNM giảm 0,2% xuống 190.600 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh chỉ có hơn 200.000 đơn vị.

Các mã còn lại đều tăng, trong đó VIC đi ngược dòng với cổ phiếu anh em VRE, khi tăng 3,2% lên 80.700 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 730.000 đơn vị; GAS sau tuần vừa qua mất 20% thì sáng nay đã tăng nhẹ 0,2% lên 97.000 đồng/cổ phiếu; PLX cũng tăng hơn 2% lên 74.700 đồng/cổ phiếu; SAB tăng 1,4% lên 228.100 đồng/cổ phiếu.

Như đã nêu trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên sáng nay đồng loạt tăng mạnh và là động lực tích cực cho thị trường.

Trong đó, CTG tăng 4,7% lên 25.650 đồng/cổ phiếu, khớp 2 triệu đơn vị; VPB tăng 3,2% lên 54.200 đồng/cổ phiếu, khớp 3,9 triệu đơn vị; MBB tăng 3,1% lên 29.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,77 triệu đơn vị; STB tăng 3% lên 15.400 đồng/cổ phiếu, khớp 3,7 triệu đơn vị; BID tăng 1,4% lên 32.750 đồng/cổ phiếu, khớp gần 700.000 đơn vị; VCB tăng khiêm tốn hơn với 0,3% lên 61.100 đồng/cổ phiếu, khớp gần 600.000 đơn vị; HDB tăng 0,2% lên 44.700 đồng/cổ phiếu, khớp 1,17 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên HNX cũng giao dịch tích cực với ACB tăng 2,5% lên 40.900 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 860.000 đơn vị; SHB tăng 4,1% lên 12.700 đồng/cổ phiếu.

Nhóm VN30 chốt phiên cũng chỉ có 5 mã giảm là KDC, NVL, VNM, SBT và DPM, còn lại đều tăng, chỉ có HPG đứng tham chiếu do khối ngoại bán hơn 2 triệu đơn vị.

Một số mã tăng tốt đáng kể có CTD khi tăng 2,8% lên 186.000 đồng/cổ phiếu; MSN tăng 1,5% lên 83.400 đồng/cổ phiếu, khớp hơn nửa triệu đơn vị; SSI tăng 2,8% lên 32.500 đồng/cổ phiếu, khớp 2,56 triệu đơn vị; NT2 tăng 3,2% lên 32.000 đồng/cổ phiếu; GDM tăng 2,4% lên 39.950 đồng/cổ phiếu…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, hầu hết tất cả đều có màu xanh như IDI, FLC, SCR, OGC, HQC, FIT, HAR, ASM… nhưng thanh khoản cũng đi xuống cùng đà chung của thị trường, khớp lệnh trong số này cao nhất là IDI có hơn 2,6 triệu đơn vị; FLC có 1,75 triệu đơn vị…

Ngược lại, cặp đôi HAG và HNG chia sẻ 2 vị trí dẫn đầu thanh khoản toàn sàn và đều bị bán mạnh, trong đó HNG trắng bên mua và giảm sàn về 6.140 đồng/cổ phiếu, khớp gần 8 triệu đơn vị.

HAG tuy may mắn hơn, thoát mức giá sàn, nhưng chốt phiên vẫn giảm mạnh 6,8% xuống 6.060 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 11,88 triệu đơn vị.

Chốt phiên, sàn HOSE có 177 mã tăng và 83 mã giảm, VN-Index tăng 9,96 điểm (+0,99%), lên 1.013,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 90,7 triệu đơn vị, giá trị 2.428,61 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,58 triệu đơn vị, giá trị 232,14 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng mạnh ngay từ sớm với 8 mã lớn thanh khoản cao nhất nhóm HNX30 đều tăng hỗ trợ khá tích cực cho thị trường.

Trong đó, ngoài 2 mã ngân hàng SHB và ACB nêu trên thì nhóm này đáng kể còn có PVS, SHS, VCG, HUT, PVI…

PVS tăng 2,9% lên 21.200 đồng/cổ phiếu, khớp gần 2 triệu đơn vị; SHS tăng 2,4% lên 21.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 700.000 đơn vị; VCG tăng 2,3% lên 22.100 đồng/cổ phiếu, khớp 590.000 đơn vị…

Một số mã nhỏ có thanh khoản cao, rung lắc mạnh nhưng chốt phiên đã không phá hỏng ngày vui, khi PVX, SHN, KLF đều đứng tham chiếu và có từ 600.000 đến 1,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 61 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index tăng 2,03 điểm (+1,73%), lên 119,53 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 22,9 triệu đơn vị, giá trị 318,43 tỷ đồng, giảm 46% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 680.000 đơn vị, giá trị 4,66 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh, toàn sàn chưa đến 3 triệu đơn vị khớp lệnh, chỉ số UpCoM-Index chỉ tăng nhẹ 0,32%.

Các mã khớp lệnh cao nhất đáng kể chỉ có LPB, SBS và HNN. Trong đó, LPB tăng 5,3% lên 14.600 đồng/cổ phiếu, khớp 1 triệu đơn vị; SBS đứng tham chiếu 2.800 đồng/cổ phiếu, khớp 468.000 đơn vị; HVN tăng 8,2% lên 47.600 đồng/cổ phiếu, khớp gần 400.000 đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác như DVN, ART, ATB, QNS, MSR, VIB, cũng đều tăng và có từ 50.000 đến gần 200.000 đơn vị khớp lệnh.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,32%), lên 56,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ hơn 2,91 triệu đơn vị, giá trị 50,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 577.000 đơn vị, giá trị 25 tỷ đồng.

Tin bài liên quan