Phiên sáng 11/3: Lực bán bất ngờ gia tăng, VN-Index quay đầu giảm sâu

Phiên sáng 11/3: Lực bán bất ngờ gia tăng, VN-Index quay đầu giảm sâu

(ĐTCK) Với đà hồi phục mạnh của phố Wall đêm qua, tưởng chừng chứng khoán Việt Nam sẽ nối gót để có phiên hồi phục tiếp theo, nhưng lực cung bất ngờ gia tăng, đẩy VN-Index quay đầu giảm mạnh trong phiên sáng nay (11/3).

Trong phiên đầu tuần mới (9/3), thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đợt bán tháo kỷ lục trong nhiều năm, khiến VN-Index mất gần 56 điểm do lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19, cùng sự sụp đổ của giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là dòng tiền bắt đáy lại chảy mạnh, giúp thanh khoản thị trường tăng vọt hơn 40% so với phiên cuối tuần trước.

Trong phiên hôm qua (10/3), ngay sau khi mở cửa phiên, VN-Index tiếp tục giảm gần 29 điểm, đe dọa mốc 800 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy vẫn mạnh dạn nhập cuộc, kéo VN-Index trở lại và đóng cửa phiên chiều có sắc xanh nhạt, có lúc đã kéo VN-Index tăng hơn 7 điểm đầu phiên chiều.

Thanh khoản tiếp tục duy trì như phiên đầu tuần, nhất là ở các mã cổ phiếu thị trường. Trong khi cặp đôi AMD - QCG tiếp tục duy trì sắc tím, thì HAI lại đảo chiều ngoạn mục từ sàn lên trần khi chốt phiên.

HQC cũng đảo chiều từ mức giảm khá mạnh trước đó đóng cửa ở mức trần, còn FLC tuy không lên trần, nhưng cũng đảo chiều ngoại mục từ mức giảm sàn thành tăng 1,06% khi chốt phiên.

Việc đảo chiều ngoạn mục của các mã thị trường là nhờ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh khi các mã này đều nằm trong top các mã có thanh khoản tốt nhất thị trường. Trong đó, FLC khớp hơn 16,5 triệu đơn vị, HAI khớp gần 16 triệu đơn vị, HQC khớp hơn 10 triệu đơn vị, chưa kể lượng dư mua trần tới hơn 1 triệu đơn vị…

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường Việt Nam đón nhận tin tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới khi phố Wall đảo chiều tăng mạnh trở lại trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, lấy lại được hơn phân nửa những gì đã mất trong phiên đầu tuần nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế.

Do đó, mở cửa, VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh, nhưng đà tăng nhanh chóng biến mất khi lực cung luôn chực chờ. VN-Index sau đó đảo chiều giảm sâu về vùng 820 điểm khi lực cung bất ngờ gia tăng, trong khi bên mua chùn tay, khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, VN-Index mất hơn 16 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 16,15 điểm (-1,93%), xuống 821,35 điểm với 86 mã tăng, trong khi có tới 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 125,37 triệu đơn vị, giá trị 2.035,6 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,3 triệu đơn vị, giá trị 361,5 tỷ đồng.

Hàng loạt mã bluechip quay đầu giảm giá, trong đó có nhiều mã giảm sâu như VJC giảm sàn xuống 106.500 đồng, PNJ giảm 5,16% xuống 69.900 đồng, VCB giảm 3,63% xuống 77.000 đồng, VHM giảm 3,27% xuống 74.000 đồng, BID giảm 3,18% xuống 41.050 đồng, STB giảm 3,07% xuống 11.050 đồng, HPG giảm 3% xuống 21.000 đồng. Các mã giảm hơn 2% có GAS, VPB, MSN, HDB; các mã giảm hơn 1% có VIC, TCB, VRE, PLX, NVL, BVH, FPT, EIB.

Trong nhóm này, chỉ có VNM, SAB và BHN giữ được sắc xanh nhạt. Mã có thanh khoản tốt nhất trong nhóm là STB với hơn 7 triệu đơn vị, tiếp theo là HPG hơn 3,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh giúp các mã như HQC, HAI, riêng HAI tiếp tục lên trần 3.550 đồng, khớp 9,4 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần, đứng sau HQC.

HQC dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng tăng 5,26% lên 1.200 đồng, khớp 10,7 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.

FLC cũng tiếp tục duy trì đà sác xanh, dù chỉ tăng 1 bước giá, khớp 4,7 triệu đơn vị.

Riêng cặp đôi AMD và QCG vẫn tiếp tục trung thành với sắc tím, trong đó QCG lên 7.290 đồng và còn dư mua trần gần 1 triệu đơn vị, còn AMD còn dư mua trần đang lên tới hơn 8,5 triệu đơn vị.

Các mã khác đều đã quay đầu giảm giá trước lực bán mạnh, trong đó TCH, DRH giảm sàn.

Trên HNX, chỉ số chính của sàn này cũng tăng khá tốt đầu phiên, nhưng sau đó nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại và cũng đóng cửa với mức giảm khá mạnh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,86%), xuống 105,29 điểm với 45 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27 triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 3 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.

Các mã lớn trên sàn này chỉ còn SHB đảo chiều tăng 1,98% lên 10.300 đồng sau 2 phiên giảm sàn, khớp 6,7 triệu đơn vị. Còn lại ACB giảm 2,07% xuống 23.700 đồng, khớp 2,19 triệu đơn vị, VCS giảm 2,54% xuống 61.300 đồng, PVI giảm 2,6% xuống 30.000 đồng, PVS giảm 0,78% xuống 12.800 đồng, khớp 1,86 triệu đơn vị, NVB giảm 2,3% xuống 8.500 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị.

Một số mã thị trường trên HNX cũng bắt đầu trở lại, trong đó KLF, DST, C96, NRC lên mức trần, riêng KLF khớp 2,93 triệu đơn vị, đứng sau SHB.

UPCoM cũng có diễn biến tương tự HNX khi tăng mạnh đầu phiên nhưng sau đó đảo chiều đi xuống và đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,39%), xuống 53,21 điểm với 75 mã tăng và 46 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,9 triệu đơn vị, giá trị 77 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

LPB và BSR là 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá lần lượt là 2,7% lên 7.600 đồng và 2,86% lên 7.200 đồng.

Tin bài liên quan