Phiên sáng 10/3: Dòng tiền bắt đáy chảy mạnh, thị trường hồi phục trở lại

Phiên sáng 10/3: Dòng tiền bắt đáy chảy mạnh, thị trường hồi phục trở lại

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư đặt cược vào việc thị trường đã thấy đáy, nên mạnh dạn giải ngân, giúp VN-Index lên sát tham chiếu, trong khi HNX-Index có được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay.

Phiên giao dịch hôm qua ghi nhận ngày tồi tệ nhất đối với chứng khoán trong nước trong 19 năm qua, khi mất 6,28%, lùi về gần 835 điểm, với hơn 360 mã giảm, trong đó không thiếu các mã lớn, bluechip nằm sàn. Vốn hóa toàn thị trường theo đó bốc hơi 294.000 tỷ đồng, tương ứng 12,7 tỷ USD chỉ trong một phiên.

Nếu xét về biên độ, phiên 9/3 chỉ đứng sau ba phiên năm 2001 là ngày 10/9/2001 (-6,89%), 3/10/2001 (-6,45%) và 1/10/2001 (-6,3%).

Theo nhận định của KBSV thì với đà đi xuống hiện tại, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm thử thách kênh tăng điểm dài hạn ngay trong phiên ngày mai với điểm tiếp xúc nằm tại vùng 81x. Đây được xem là một vùng hỗ trợ có ý nghĩa khá mạnh và thị trường sẽ có cơ hội hồi phục tại đây.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 10/3, nhận tinh dữ từ phố Wall đêm qua, khi cũng diễn ra tình trạng bán tháo không kiểm soát, khiến các chỉ số chính mất hơn 7% (mặc dù có thời điểm nhà quản lý còn tạm thời ngắt giao dịch để nhà đầu tư bình tĩnh lại), chứng khoán trong nước tiếp tục giảm sâu, VN-Index mất ngay gần 29 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch, xuống gần 805 điểm và đe dọa thủng mốc 800 điểm.

Nhưng ngay khi chạm mức giá trên, lực mua bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ, kéo chỉ số về lại gần 830 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch, với một số cổ phiếu lớn đảo chiều xanh trở lại như VNM, CTG, MSN, FPT, VPB… phần còn lại cũng đã hãm bớt được đôi chút đà giảm, trừ 2 mã dầu khí GAS và PLX vẫn chịu tác động xấu từ cuộc chiến giá dầu thô.

Nhóm cổ phiếu nhỏ đáng chú ý vẫn là AMD và QCG, khi không gì cản được đà tăng kịch trần, trong đó, AMD tiếp tục tình trạng dư mua giá trần khối lượng lớn.

Về được gần 830 điểm vào giữa phiên, chỉ số VN-Index tạm “nghỉ ngơi” đôi chút, trước khi bật lên hẳn vùng giá trên và kết phiên chạm gần tham chiếu, khi các mã có ảnh hưởng lớn là bluechip đã có thêm nhiều sắc xanh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index giảm 1,67 điểm (-0,2%), xuống 833,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 182,1 triệu đơn vị, giá trị 3.149,5 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,4 triệu đơn vị, giá trị 793,7 tỷ đồng.

Rổ VN30 tạm kết phiên có 13 mã tăng, trong đó, đáng kể là VNM +3,1% lên 100.000 đồng; CTG +2,1% lên 24.500 đồng; VPB +2,5% lên 26.250 đồng; MSN +1,9% lên 53.000 đồng; HPG +3,6% lên 21.600 đồng; FPT +2,4% lên 51.500 đồng; VIC +1,3% lên 99.000 đồng, cùng VHM +0,9%; VRE +0,9%; SAB +0,4% NVL +0,8%...

Giảm điểm vẫn là 2 mã GAS và PLX, khi mắc kẹt trong cuộc chiến giá dầu. Theo đó, GAS -5,3% xuống 68.300 đồng; PLX -6,5% xuống 43.250 đồng.

Các mã giảm sâu còn có ROS -5,4% xuống 6.470 đồng; BVH -5,3% xuống 48.600 đồng; MWG -3,4% xuống 92.600 đồng; HDB -2,5% xuống 25.400 đồng; EIB -2,4% xuống 16.600 đồng…trong khi BID, VCB, PNJ mất trên dưới 1,5%.

Thanh khoản đáng nhất là STB khi vượt trội so với phần còn lại cỉa nhóm với 10,37 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 0,9% xuống 11.300 đồng.

Tiếp theo là CTG với gần 7,5 triệu đơn vị; ROS có 6,8 triệu đơn vị; HPG có 5,2 triệu đơn vị; MBB có 4,9 triệu đơn vị; VPB có 3,25 triệu đơn vị; SSI có 2,34 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường, một số hút mạnh dòng tiền và tăng trần có HQC, QCG, AMD, cùng FLC, HAI, DLG, LDG, HAG tăng điểm, trong đó, FLC, HAI được kéo lên từ mức giá sàn. FLC khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 11,54 triệu đơn vị. CÒn AMD tiếp tục dư mua giá trần khối lượng lớn, tới hơn 6,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, PVD, TCH, KSB, HCM, HVN, HDC vẫn giảm khá mạnh, có thời điểm chạm giá sàn.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, nhưng HNX-Index còn vượt lên trên tham chiếu vào cuối phiên nhờ ACB bứt tốc.

Theo đó, ACB +4,3% lên 24.300 đồng, cùng với đó là sự trợ giúp của VCS +2,8% lên 62.700 đồng; DGC +1,3% lên 23.000 đồng; HHP +4,6% lên 13.600 đồng; AMV +1,2% lên 16.900 đồng; NDN +2,1% lên 14.600 đồng…

Phần còn lại, ngoài một số mã nhỏ tăng trần như HUT, DST, PVX thì đa số mất điểm.

Đáng kể như SHB -4,5% xuống 10.700 đồng; PVS -3,7% xuống 13.100 đồng; NVB -2,3% xuống 8.400 đồng; CEO -1,3% xuống 7.400 đồng; SHS -6,5% xuống 7.200 đồng; MBS -3,1% xuống 9.500 đồng; VCR -6,8% xuống 9.600 đồng; CEO -1,3% xuống 7.400 đồng; MBG, ART, KLF, BII giảm sàn.

Thanh khoản SHB vẫn cao nhất với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh; ACB có 5,5 triệu đơn vị; ART có 4,12 triệu đơn vị; NVB có 3,93 triệu đơn vị; PVS có 3,67 triệu đơn vị; KLF có 3,12 triệu đơn vị; SHS có 2,9 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,41%), lên 106,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,9 triệu đơn vị, giá trị 438,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,77 triệu đơn vị, giá trị 24,6 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó đã leo lên trên tham chiếu rất nhanh và duy trì diễn biến tích cực cho đến hết phiên, thậm chí tạm nghỉ còn ở mức cao nhất trong phiên.

Nhóm cổ phiếu nâng đỡ là LPB, VIB, CTR, VGI, khi tăng tốt và thuộc các mã thanh khoản tốt nhất. Trong đó, LPB khớp gần 2,5 triệu đơn vị; VIB khớp hơn 1,53 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,88 điểm (+1,68%), lên 53,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,32 triệu đơn vị, giá trị 108,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,18 triệu đơn vị, giá trị 1,54 tỷ đồng.

Tin bài liên quan