Phiên sáng 10/2: Bluechip bị chốt lời, nhiều cổ phiếu thị trường nổi sóng

Phiên sáng 10/2: Bluechip bị chốt lời, nhiều cổ phiếu thị trường nổi sóng

(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng khá tốt cuối tuần trước, thị trường đã đảo chiều giảm điểmm trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng, trong đó đáng kể là nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những con sóng đi ngược thị trường như LMH, ROS, JVC, CTD...

Tác động của đại dịch Corona đã tác động lên toàn nền kinh tế và thị trường chứng khoán vẫn khó có thể đo lường. Thị trường đã biến động mạnh khi chỉ trong 3 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã mất đi toàn bộ thành quả có được trong năm 2019 khi để mất gần 56 điểm.

Tuy nhiên, trong tuần giao dịch đầu tháng 2, thị trường có phần bởi tiêu cực hơn và có những phiên giao dịch khởi sắc về cuối tuần. Trong phiên 6/2, chỉ số VN-Index đã tăng vọt gần 13 điểm, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, tình hình dịch cúm dù đã phần nào kiểm soát nhưng vẫn chưa đi vào giai đoạn đỉnh điểm và những thông tin hàng ngày liên tục sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Thị trường sẽ còn dao động mạnh liên tục theo một biên độ rộng hơn từ 920 - 950 đi theo diễn biến tâm lý mỗi ngày.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư VNDirect nhận định, hoạt động bán ròng khá mạnh trở lại của khối nhà đầu tư ngoại cũng tạo thêm rào cản hồi phục và áp lực cho thị trường khi gặp thông tin bất lợi. Dù sao, những biến động trong biên độ hẹp trong giai đoạn này là cần thiết để ổn định tâm lý thị trường và vẫn được coi là khá tích cực khi rủi ro giảm sâu đã ít đi.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 10/2, áp lực bán trở lại khiến thị trường cắm đầu đi xuống. Chỉ trong khoảng 25 phút đầu giao dịch, lực bán diễn ra ồ ạt và khá mạnh đã đẩy hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu và chỉ số VN-Index nhanh chóng thủng mốc 930 điểm.

Sau khi bị đẩy về sát mốc 925 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng cơn đại dịch vẫn chưa được khống chế và số lượng người chết vì căn bệnh viêm phổi cấp này vẫn không ngừng tăng lên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá hoang mang. Dòng tiền tham gia vào thị trường khá yếu cùng áp lực bán thường trực vẫn khiến sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường.

Sau hơn 90 phút giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm chiếm gấp hơn 2 lần số mã tăng, trong đó nhóm bluechip cũng chủ yếu đứng dưới mốc tham chiếu, tiếp tục tạo sức ép khiến VN-Index dao động quanh mức 930 điểm và chưa thể hồi phục.

Tâm điểm đáng chú ý là LMH. Sau chuỗi ngày dài với 25 phiên liên tiếp giảm sàn và hàng loạt lãnh đạo Công ty bị bán giải chấp cổ phiếu, LMH đã tìm thấy ánh sáng khi liên tiếp khoác áo tím. Với việc xác lập phiên trần thứ 3 liên tiếp, LMH tạm đứng tại mức giá 2.500 đồng/CP trong phiên sáng nay. Đồng thời, thanh khoản tăng vọt khi dẫn đầu sàn HOSE, đạt gần 3,9 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,84 triệu đơn vị.

Chỉ số VN-Index biến động lình xình trên mốc 930 điểm đến hết phiên giao dịch trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm đáng kể.

Chốt phiên sáng 10/2, sàn HOSE có 107 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index giảm 6,63 điểm (-0,7%), xuống 934,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 90,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 20,43% về lượng và 32,26% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (7/2). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 224 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 phần lớn vẫn tạo sức ép lên thị trường, đáng kể BID -2,1% xuống 50.600 đồng/CP, VNM -1,6% xuống 108.400 đồng/CP, MSN -1,2% xuống 49.300 đồng/CP, VCB -0,9% xuống 89.200 đồng/CP, VRE -1,9% xuống 31.400 đồng/CP, BVH -3,8% xuống 57.500 đồng/CP…

Trái lại, một số mã vẫn giữ sắc xanh nhạt như SAB, GAS, CTG, HPG với mức tăng trên dưới 0,5%. Đáng kể là cặp đôi CTD và ROS dù có chút rung lắc nhưng chốt phiên tiếp tục giữ được sắc tím, trong đó ROS đứng thứ 5 về thanh khoản trên sàn HOSE, đạt hơn 3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,36 triệu đơn vị.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu bảo hiểm bắt đầu bị chốt lời sau những dự đoán về việc “hưởng lợi” từ đại dịch Corona, điển hình là BVH giảm khá mạnh; nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đuối sức sau tuần giao dịch khởi sắc. Ngoại trừ CTG xanh nhạt, hầu hết các mã đều mất điểm.

Trong đó, STB -0,9% xuống 11.050 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất sàn, đạt 3,78 triệu đơn vị; VPB và MBB cùng khớp hơn 2,3 triệu đơn vị…

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dược phẩm lại le lói sáng sau những phiên giao dịch không mấy tích cực trong tuần trước. Cụ thể, TRA tăng 6,9% lên mức giá trần 58.800 đồng/CP, DHG +2,7% lên 100.000 đồng/CP, DMC +4,4% lên 68.900 đồng/CP, IMP +2,8% lên 55.000 đồng/CP, JVC cũng được kéo kịch trần.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã quen thuộc như FLC, HAI, HQC, ITA, AMD… đều đảo chiều mất điểm.

Cổ phiếu LMH không có nhiều biến động trong thời gian còn lại, xác lập phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp và tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 2.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 3,69 triệu đơn vị và dư mua trần 0,9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng khiến HNX-Index mất điểm trong cả phiên sáng, thậm chí có lúc bị đẩy xuống mốc 103 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,64%), xuống 104,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 16,76 triệu đơn vị, giá trị 168,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 76 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HNX giao dịch kém khởi sắc, trong đó ACB -0,4% xuống 23.700 đồng/CP, còn SHB -1,4% xuống 7.000 đồng/CP, NVB -2,2% xuống 8.800 đồng/CP. Trong đó, SHB dẫn đầu thanh khoản với 6,23 triệu đơn vị được khớp lệnh, NVB khớp 1,27 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều bluechip khác cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như VCG, PVB…, đáng kể PVS -1,8% xuống 16.100 đồng/CP.

Trên thị trường UPCoM, lực bán cũng khiến UPCoM-Index giao dịch trong sắc đỏ suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,32%), xuống 55,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 3,34 triệu đơn vị, giá trị 67,4 tỷ đồng.

Không có mã nào giao dịch tới 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu BSR dẫn đầu thanh khoản với 647.100 đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên -1,3% xuống 7.600 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như ACV, GVR, VGT… cũng mất điểm khi chốt phiên.

Tin bài liên quan