Phiên giao dịch sáng 29/12: Ngoạn mục PVT

Phiên giao dịch sáng 29/12: Ngoạn mục PVT

(ĐTCK) Sau những phút đầu nhường bước cho bên bán, bên mua đã dần lấy lại vị thế ở một số mã lớn, sau đó lan tỏa dần ra bảng điện tử, giúp VN-Index đảo chiều thành công. Điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là đảo chiều ngoạn mục.

Trong phiên giao dịch hôm qua, bất chấp nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, nhưng nhà đầu tư vẫn rất rụt rè, khiến VN-Index không thể bứt phá, mà chỉ đóng cửa với sắc xanh nhẹ nhờ sự hỗ trợ của MSN, VNM, VIC.

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường được dự báo sẽ điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm không quá sâu. Ngoài ra, tuần này thị trường chỉ có 4 phiên giao dịch là bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài 3 ngày, vì vậy tâm lý thận trọng vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu, nên giao dịch được dự đoán sẽ không mấy sôi động trong tuần này.

Đúng như dự đoán, bước vào phiên giao dịch sáng nay, dòng tiền tiếp tục tỏ rõ sự dè dặt và phần thắng nghiêng về bên bán.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm nhẹ 0,5 điểm (-0,09%), xuống 596,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2 triệu đơn vị, giá trị 47,53 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của thị trường được nới rộng hơn chút ít khi bên bán tỏ ra chiếm ưu thế.

MSN sau 2 phiên tăng trần cũng đang đứng trước áp lực chốt lời và hiện đang điều chỉnh nhẹ. Một số mã lớn khác như GAS, PVD, HAG, MBB… giảm giá cũng gây áp lực lên thị trường.

Tuy nhiên, khi thị trường bước sang nửa cuối của phiên giao dịch sáng, lực mua đã trở lại ở một mã bluechip quen thuộc như VCB, VIC, BID, BVH và thậm chí là cả PVD, DPM, giúp đà giảm bị chặn lại và VN-Index quay đầu tăng điểm.

Đà tăng càng về cuối phiên càng được nới rộng khi sự tích cực từ các mã lớn trên được lan tỏa ra cả thị trường. Độ rộng của thị trường thu hẹp và đổi chiều với phần thắng nghiên về sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng bật trở lại dù đầu phiên rung lắc mạnh do ảnh hưởng của việc giá dầu thô thế giới lao dốc trong phiên đầu tuần.

Trên HNX, do lúc đầu không có được sự hỗ trợ từ các mã lớn như VN-Index, HNX-Index chỉ dao động trong sắc đỏ, nhưng chỉ trong khoảng 15 phút cuối phiên, tín hiệu tích cực từ sàn HOSE đã giúp HNX-Index đảo chiều thành công và đóng cửa trong sắc xanh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,48%), lên 572,65 điểm với 100 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,26 triệu đơn vị, giá trị 899,37 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,95 triệu đơn vị, giá trị 127,9 tỷ đồng, đến chủ yếu từ 5,5 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 29,15 tỷ đồng và hơn 1,3 triệu cổ phiếu CTG, giá trị 24,81 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,24%), lên 78,01 điểm với 84 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,57 triệu đơn vị, giá trị 189,67 tỷ đồng, trong đó giao thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 15,79 tỷ đồng.

Châm ngòi cho sự phục hồi của thị trường là VCB và VIC, sau đó đà tăng lan tỏa sang các mã khác như BID, CII, STB, BVH, REE, đặc biệt là các mã dầu khí.

Dù mở đầu phiên có sự rung lắc do ảnh hưởng của việc giá dầu thế giới giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí đã dần lấy lại đà tăng sau đó.

Trong đó, PVD tăng dần đều và chốt phiên ở mức giá cao nhất phiên 27.000 đồng, tăng 1,5%, GAS cũng tương tự khi đảo chiều thành công trong phút cuối và chốt ở mức giá cao nhất phiên 36.900 đồng, tăng nhẹ 1 bước giá.

Tuy nhiên, đảo chiều ngoạn mục và ấn tượng nhất là PVT khi mở cửa ở mức tham chiếu 9.900 đồng, sau đó chuyển sắc đỏ, nhưng đã nhanh chóng đảo chiều và tiến thẳng tới mức giá trần 10.500 đồng khi chốt phiên với 1,92 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Hỗ trợ cho PVT đảo chiều ngoạn mục trong phiên sáng nay đến từ dòng tiền ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá hơn 11% trong tổng khối lượng khớp của PVT.

Trước đó, trong phiên 25/12, khi thông tin đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, PVT đã tăng mạnh 5,26%, lên mức 10.000 đồng, sát mức giá trần 10.100 đồng, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt trở lại trong phiên đầu tuần mới khi giảm về 9.900 đồng.

Ngoài PVT, sắc xanh cũng trở lại với một số mã thị trường như FLC (+2,56%), lên 8.000 đồng với 4,53 triệu đơn vị được khớp, ITA (+3,64%), lên 5.700 đồng với 1,76 triệu đơn vị được khớp, KBC (+2,4%), trong khi HHS giảm 2,44%, xuống 12.000 đồng với 3,13 triệu đơn vị được khớp, SHI giảm 4,55%, xuống 10.500 đồng với 2,13 triệu đơn vị được khớp, thậm chí có lúc đã giảm sàn 10.300 đồng.

Trong nhóm bluechip, HAG vẫn bị bán khá mạnh và chốt phiên sáng giảm 1,89%, xuống 10.400 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, giống như phiên hôm qua, điểm đáng chú ý trên bảng điện tử lại đến từ một số mã giao dịch trên sàn UPCoM như VEF (đang dư mua giá trần với gần 0,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng), hay GEX tiếp tục tăng giá ấn tượng dù không thể có được mức trần như phiên trước.

Trong khi đó, trong nhóm cổ phiếu niêm yết, chỉ có SCR là mã duy nhất có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị (1,82 triệu đơn vị) và đóng cửa may mắn tăng nhẹ 1 bước giá. Các mã còn lại cũng chỉ lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.

Tin bài liên quan