Phiên giao dịch sáng 15/3: Thị trường đảo chiều, cổ phiếu đầu cơ vẫn nóng

Phiên giao dịch sáng 15/3: Thị trường đảo chiều, cổ phiếu đầu cơ vẫn nóng

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng khiến thị trường đảo chiều giảm sau 3 phiên liên tiếp khởi sắc. Đáng chú ý, trong khi hầu hết các mã bluechip quay đầu đi xuống, thì các mã đầu cơ vừa và nhỏ vẫn chưa hết nóng.

Sau phiên tăng vọt ngày 12/3 và chinh phục thành công ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm, thị trường đã tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trước sức ép bán ra của cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước khiến VN-Index liên tục bước hụt mốc 1.010 điểm.

Trong đó, phiên giao dịch hôm qua (14/3) cũng không ngoại trừ. Những tưởng VN-Index sẽ chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 1.010 điểm thì gặp khó khăn khi một số mã lớn hạ độ cao hoặc gia tăng sức ép, khiến chỉ số này tiếp tục tăng nhẹ trên mốc 1.005 điểm.

Theo dự báo của BVSC, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/3, hai quỹ ETFs sẽ cơ cấu lại danh mục và dự báo sẽ bán ròng tập trung ở các mã như VIC, VHM hay VRE, và mua ròng NVL, VCB, BVH…

Đồng thời, BVSC cho rằng, sau phiên cơ cấu này, tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư sẽ được gỡ bỏ, thị trường xuất hiện thêm dòng tiền và thanh khoản chung có thể tạo mặt bằng mới cao hơn mặt bằng hiện tại. Sự sôi động của thị trường tăng lên, nhưng rủi ro điều chỉnh sẽ cao hơn khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự 1019- 1025 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng 15/3, áp lực bán gia tăng ngay từ đầu phiên khiến sắc đỏ lan rộng, đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu ngay khi mở cửa.

Đà giảm tiếp tục nới rộng hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip đang là gánh nặng khi hầu hết đều đảo chiều giảm. Chỉ số VN-Index thủng mốc 1.005 điểm chỉ sau chưa đầy 30 phút giao dịch.

Tuy nhiên, ngay khi rơi xuống dưới ngưỡng kháng cự này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc giúp thị trường bật ngược đi lên nhưng chưa đủ mạnh để giúp VN-Index lấy lại mốc tham chiếu.

Trái với diễn biến ở nhóm cổ phiếu bluechip, sóng ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn khá cao. Các mã GTN, APG, PPI… tăng trần, còn DLG, ITA, SCR, FLC, JVC, KBC… tiếp tục khởi sắc.

Nhóm cổ phiếu lớn vẫn là gánh nặng chính khiến thị trường. Chỉ số VN-Index biến động giằng co quanh mốc 1.005 điểm đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 3,47 điểm (-0,34%) xuống 1.004,97 điểm với 114 mã tăng và 151 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,17 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.806 tỷ đồng, tăng 6,92% về lượng và 22,46% về giá trị so với phiên sáng qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt 20,18 triệu đơn vị, giá trị 701,89 tỷ đồng, trong đó DHG thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 126,97 tỷ đồng; MSN thỏa thuận 1,92 triệu đơn vị, giá trị 169,93 tỷ đồng; NVL thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 64,32 tỷ đồng…

Top 10 cổ phiếu vốn hóa phần lớn đều giao dịch trong sắc đỏ, ngoại trừ VNM tăng nhẹ 0,2% lên 137.500 đồng/CP, TCB tăng 0,6% lên 27.050 đồng/CP, BID tăng 2,5% lên 37.100 đồng/CP.

Trái lại, nếu trong phiên hôm qua VIC-VCB là cặp đôi cứu tinh cho thị trường khi sang phiên hôm nay, cặp đôi này đều lùi về dưới mốc tham chiếu. Trong đó VIC giảm 0,3% xuống 118.500 đồng/CP, VCB giảm 1,2% xuống 66.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực như VHM giảm 1,1% xuống 93.000 đồng/CP, GAS giảm 0,5% xuống 101.800 đồng/CP, SAB giảm 0,4% xuống 252.000 đồng/CP, MSN giảm 2,9% xuống 86.000 đồng/CP, VRE giảm 2% xuống 37.250 đồng/CP

Ngoại trừ VCB, còn lại hết hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng hầu hết đều giao dịch khởi sắc như BID, TCB, CTG tăng 1,33% lên 22.800 đồng/CP, HDB tăng 1,62% lên 31.400 đồng/CP, đóng vai trò hỗ trợ giúp thị trường không quá giảm sâu.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu HPG đang chịu sức ép bán ra khá lớn từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khiến cổ phiếu này giảm sâu. Chốt phiên, HPG giảm 6% xuống 32.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE, đạt 7,75 triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng hơn 1,5 triệu đơn vị.

Mới đây, Hòa Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 20%, thấp hơn so mức 30% trong năm 2018.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là cổ phiếu nhỏ DLG khớp 7,63 triệu đơn vị và chốt phiên tăng % lên 1.740 đồng/CP.

Nhiều mã đầu cơ vừa và nhỏ khác vẫn duy trì giao dịch khởi sắc như ITA, GTN, SCR, OGC, TTF, JVC, PPI, AMD... Trong đó GTN tiếp tục bảo toàn sắc tím với khối lượng khớp 3,52 triệu đơn vị và dư mua trần 18.390 đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường đã phục hồi và tăng khá tốt nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.

Điển hình là ACB tăng 0,6% lên 31.700 đồng/CP, SHB tăng 2,5% lên 8.100 đồng/CP, PVI tăng 2,8% lên 36.300 đồng/CP, PVS tăng 1,9% lên 21.700 đồng/CP, VCG tăng 0,7% lên 29.000 đồng/CP, DGC tăng 1% lên 42.200 đồng/CP.

Bên cạnh PVS và PVI, nhiều mã khác trong nhóm họ P cũng đua nhau tăng mạnh như PVC tăng 9,5% lên mức giá trần 6.900 đồng/CP, PVB tăng 5,3% lên 19.900 đồng/CP…

Trái lại, VGC đảo chiều giảm 0,9% xuống 21.500 đồng/CP; VCS tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, với mức giảm 1,1% xuống 65.300 đồng/CP.

Cổ phiếu SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị; tiếp đó là PVX khớp 2,89 triệu đơn vị và HUT khớp 2,19 triệu đơn vị, còn lại ART, PVS, ACB, ITQ, VGC, PVC cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,46 điểm (+0,42%) lên 110,48 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,72 triệu đơn vị, giá trị 279,2 tỷ đồng, tăng 3,57% về lượng và 16,91% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,26 triệu đơn vị, giá trị 33,75 tỷ đồng, trong đó riêng SHB thỏa thuận 2,83 triệu đơn vị, giá trị 22,36 tỷ đồng.

Trên UPCoM, giao dịch khá giằng co và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%) xuống 57,06 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,44 triệu đơn vị, giá trị 125,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu SVH dù vẫn giữ mốc giá tham chiếu 10.000 đồng/CP nhưng đã có giao dịch đột biến trong phiên sáng nay khi chuyển nhượng thành công 3,36 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Tin bài liên quan